Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) sáng 18-4 cho biết nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đích thân giám sát cuộc thử nghiệm “vũ khí dẫn đường chiến thuật mới” trước đó vài giờ.
.jpg)
Tổng thống Trump (trái) và nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại hội nghị thượng đỉnh lần hai hồi tháng 2-2019 ở Hà Nội. Ảnh: USA Today
KCNA không mô tả chi tiết về vũ khí này, mà chỉ nói rằng nó “có hệ thống dẫn đường đặc biệt” và mang theo “đầu đạn công phá mạnh”. Báo cáo cũng dẫn lời ông Kim Jong-un ca ngợi “việc hoàn tất phát triển hệ thống vũ khí này là sự kiện có tầm quan trọng vô cùng to lớn trong việc tăng cường sức mạnh chiến đấu của quân đội Triều Tiên”.
Nhận định về vụ thử vũ khí trên, Kim Dong-yub, chuyên gia quân sự tại Đại học Kyungnam (Hàn Quốc), nói rằng Triều Tiên mô tả cuộc thử nghiệm “được thực hiện ở nhiều chế độ khai hỏa và nhằm vào các mục tiêu khác nhau” cho thấy vũ khí có thể được phóng từ mặt đất, chiến đấu cơ và tàu chiến. Một quan chức quốc phòng Hàn Quốc cho biết nước này không phát hiện bất cứ điều gì trên radar, vì thế nhiều khả năng vũ khí được thử không phải là tên lửa. Các quan chức Lầu Năm Góc cũng đã nắm thông tin về vụ thử vũ khí mới của Triều Tiên. Cụm từ “chiến thuật” trong thông báo của KCNA ngụ ý đây có thể là một vũ khí tầm ngắn, chứ không phải tên lửa đạn đạo tầm xa lâu nay được xem là mối đe dọa đối với Mỹ.
Ngày 18-4, các trang web tuyên truyền của Triều Tiên đã phê phán chính phủ Hàn Quốc vì tiến hành các cuộc tập trận quân sự với Mỹ, gọi đây là “hành động khiêu khích” nhằm hủy hoại hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. |
Tuy nhiên, Giáo sư Koh Yu-hwan tại Đại học Dongguk (Hàn Quốc) cho rằng vụ thử là dấu hiệu cho thấy Triều Tiên không hài lòng về các cuộc đàm phán với Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện lâm vào bế tắc. Nó phát đi một thông điệp đủ mạnh tới Mỹ và đồng minh Hàn Quốc về nguy cơ của việc đẩy cuộc đàm phán vào ngõ cụt. Sự kiện hôm qua đánh dấu lần thử vũ khí công khai đầu tiên của Bình Nhưỡng kể từ sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai hồi cuối tháng 2, vốn đã kết thúc mà không đi đến thỏa thuận về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Bình Nhưỡng sau đó phản đối những “đòi hỏi vô lý” mà phía Washington đưa ra về cam kết phi hạt nhân hóa của nước này. Nhà phân tích Harry Kazianis tại Trung tâm Lợi ích Quốc gia (Mỹ) lập luận rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un muốn khẳng định với chính quyền ông Trump rằng sức mạnh quân sự của Triều Tiên ngày càng lớn.
Dù vậy, việc Triều Tiên ám chỉ đây không phải là tên lửa tầm xa hoặc vũ khí hạt nhân cho thấy Bình Nhưỡng muốn duy trì đối thoại với Washington. Triều Tiên công bố thông tin ít ỏi về đặc tính của vũ khí mới, theo Bloomberg, là nhằm gây khó cho việc đánh giá tác động thực sự của cuộc thử nghiệm tới tiến trình đàm phán hạt nhân hiện nay.
Vụ thử vũ khí mới diễn ra chưa đầy một tuần sau khi Tổng thống Trump bác bỏ đề xuất của người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in về việc thực hiện các dự án kinh tế chung nhằm xây dựng lòng tin giữa Bình Nhưỡng và Seoul. Đến ngày 17-4, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton khẳng định Washington cần thêm bằng chứng cho thấy Bình Nhưỡng đã sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân trước khi tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh lần ba.
THANH BÌNH (Theo Reuters)