13/08/2016 - 17:03

Truyện ngắn: Phong Linh

Thời yêu dấu

Lúc bước xuống sân bay, thành phố đang trong một cơn mưa ào ạt của mùa hè. Ngồi trên xe bus vào trung tâm, nhìn những vệt mưa chảy dài trên cửa kính, chẳng hiểu sao buồn đến hắt hiu. Trong đầu cứ dần vang lên đoạn nhạc ấy "Một thời yêu dấu đã qua, gót hồng em muốn quay về...". Tôi đang trở về.

Về đến nhà thì nằm ngay ra giường. Chiếc giường đến gần năm năm rồi, hàng ngày mẹ vẫn dọn sạch sẽ, trải ga giường trắng như tôi vẫn thích thế. Nước mắt trào ra, không dừng được. Căn phòng bao trùm mùi xa vắng. Tôi đã đi biền biệt lâu quá.

Cả nhà đón tôi lặng lẽ. Không ai nhắc đến chuyện ngày xưa vừa tốt nghiệp xong đã chạy trốn. Cha tôi vỗ vai tôi khi mẹ ôm tôi. Hồi ấy, ra đi, cũng không biết sao, chịu sống trong một căn nhà ổ chuột nghèo nàn nóng bức, hằng ngày đi làm thêm ở quán cơm. Nhưng lòng tôi rất thoải mái. Tôi chỉ nhớ, ngày ấy tôi làm việc đến kiệt sức. Dùng số tiền ấy để mua sách và tiếp tục học violin. Tôi không chi tiêu nhiều. Quần áo đẹp ngày xưa đem cho hội từ thiện, đổi lấy quần áo rẻ tiền hơn. Cuộc sống dễ chịu hơn tôi tưởng rất nhiều.

***

Sài Gòn mùa này thường nắng chói chang, nhưng vừa vào mùa hoa chò nâu rụng nên đường phố trông êm dịu hẳn. Nơi tôi thường đi nhất là những góc phố bán đầy sách cũ trên đường Trần Nhân Tông. Khi nghỉ làm thứ hai hàng tuần, tôi vẫn ghé qua đó. Vào những ngày thứ hai, cửa hiệu nào cũng chỉ lác đác vài người.

Anh chủ cửa hàng là người hơi gầy, tầm thước, có nụ cười trông rất nhẹ nhõm. Anh ngồi lọt thỏm giữa những giá sách cao ngất. Lúc nào tôi đến cũng thấy anh đang ngồi sửa sang sách vở, khi thì ngồi bọc bìa, lúc lại đóng gáy. Anh rất lặng lẽ.

"Sách cũ phải tìm, phải ngửi, phải bụi dính đầy tay mới thú, em ạ!".

Lần đầu tiên đến cửa hàng anh, anh đã chỉ vào những giá sách và nói như vậy. Thế là tôi trở thành khách hàng thân thiết của anh. Thỉnh thoảng, cũng có những tối không đi làm, tiền không đủ mua sách, tôi ra đây xin đọc sách của anh. Anh luôn vui vẻ đồng ý. Để đáp lại tấm lòng anh, nhiều lúc tôi mang theo cây đàn của mình, kéo cho anh nghe vài bản nhạc của Trịnh, theo anh yêu cầu.

Hôm nay vừa nhìn thấy tôi thì anh đã hớn hở khác ngày thường.

"Em có muốn trở thành nhân viên của anh không?"

Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên. Anh vừa cười vừa giải thích:

"Sắp tới anh có nhiều việc, muốn tìm một bạn trông cửa hàng ban ngày. Em có thể chuyển về cửa hàng ở luôn. Không phải đi làm thêm ở quán ăn và không phải thuê nhà nữa".

Tôi nghe rõ những điều anh nói, nhưng tôi cảm động đến nỗi không thể cất lên một tiếng cảm ơn.

***

Căn phòng ở lầu trên khá nóng, sách vở bao quanh, nhưng tôi cũng chỉ cần một chỗ để ngủ. Cảm giác được thức dậy mà không phải nghe tiếng ồn ào của một quán ăn khiến tôi sung sướng. Tôi ở hiệu sách Bình được một thời gian thì gặp cô gái ấy.

Trâm Anh, cô ấy đến để tìm vài cuốn sách về nấu ăn.

Kiểu cách ăn mặc tôi không ưa được, nhưng cách nói chuyện tưng tửng của trẻ con, cái gì cũng ngơ ngơ lạ lẫm, lại khiến tôi thích thú. Tôi giúp Trâm Anh tìm vài cuốn sách về cách nấu các món miền Nam.

"Hồi xưa ở nhà em từng ghét nhất học nấu ăn, mà giờ thì thấy bếp núc rất hay".

"..."

Buổi chiều ấy, cô ngồi lại với tôi. Vừa cắm cúi đọc sách, rồi thỉnh thoảng đọc được công thức nấu ăn nào hay hay lại ngước lên "món này hay lắm, hồi xưa mẹ em thường nấu".

"Không biết mẹ em đã từng nấu bao nhiêu bữa ăn trong đời nhỉ. Có lẽ mẹ còn gắn bó với căn bếp trong nhà hơn là phòng ngủ".

Em chậm rãi nói, nghe rất vu vơ.

Những ngày sau thỉnh thoảng em ghé qua, huyên thuyên kể vài câu chuyện, rồi lại vút đi ngay. Sự thơ ngây của em cho tôi cảm giác gần gũi mà tôi chưa từng có với bất kỳ ai.

Em đến vào buổi tối, khi Sài Gòn trở mưa tầm tã.

Lúc mở cửa tôi nhìn thấy Trâm Anh, đứng trước mặt tôi, ướt như chuột nhưng nở nụ cười roi rói nhìn tôi.

"Em làm bánh, thấy ngon quá nên mang sang cho chị ăn cùng".

Tôi thấy hơi bực vì cái trò trẻ con của em. Nhưng rõ ràng sâu thẳm trong lòng lại có chút sung sướng.

"Bánh ngọt ăn vào trời mưa thì phải biết nhỉ".

Chúng tôi nằm trên sàn, giữa rất nhiều sách vở, và bụi bặm, nhìn ra những hạt mưa đang rơi vỡ trên tấm kính cửa sổ. Thỉnh thoảng Trâm Anh nói gì đó, rất nhỏ, rồi thỉnh thoảng lại cười toáng lên. Lâu lắm rồi tôi mới nghe tiếng người bên cạnh vào ban đêm. Thấy êm ái lạ lùng. Và tôi ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Khi tỉnh dậy thì trời đã tạnh, nhưng bầu trời vẫn còn chưa sáng hẳn. Mới hơn 5 giờ sáng.

Trâm Anh đã chuẩn bị đồ để rời đi.

"Thỉnh thoảng chị cho em ngủ nhờ buổi tối nhé. Ở đây ngủ ngon quá".

Tôi không muốn từ chối em.

Tôi chờ đợi thỉnh thoảng em đến, rồi chúng tôi ăn tối cùng nhau, đọc một đoạn sách ngắn, tôi chơi đàn cho em nghe, hoặc cùng em xem một bộ phim cũ. Trâm Anh thích xem phim, nên có khi tôi đã ngủ từ rất lâu, em vẫn cứ ngồi xem phim cho tới sáng.

"Em muốn lấy một người chồng đi biển".

"Em nhớ biển quá".

Tôi chưa từng cảm thấy nhớ nơi tôi đã sinh ra. Thỉnh thoảng tôi có gọi điện cho cha mẹ để thông báo rằng tôi vẫn ổn, tôi sống rất vui, nhưng chưa bao giờ tôi cảm thấy nhớ cái thành phố mà tôi đã sống hơn hai mươi lăm năm.

Ở Sài Gòn đã từng xa lạ này, tôi thấy tôi được là chính mình. Trước kia tôi chỉ là một cái máy, được lập trình bởi những điều cha mẹ mong muốn, và tôi đã hoàn thành nghĩa vụ. Tôi đem về cho cha mẹ tấm bằng kinh tế và chọn Sài Gòn là nơi lập nghiệp. Tôi nói muốn thay đổi môi trường, muốn thử thách bản thân, nhưng kỳ thực, điều duy nhất tôi muốn chỉ là trốn chạy. Tôi trốn khỏi bản thân tôi 25 năm trước. Tôi khước từ tất cả, chỉ còn lại tôi và sự tự do mà tôi chưa bao giờ được có.

"Em nhớ nhà sao còn ở đây?".

"Em không về được nữa".

Lúc nói với tôi điều ấy thì mắt Trâm Anh đỏ hoe, giọng nói nghèn nghẹn, nghe nức nở.

"Bão biển đã cuốn mẹ em đi".

Im lặng. Im lặng.

"Chị rồi sẽ quay về nhà chứ?".

"Có lẽ". Tôi ậm ừ. Có lẽ, khi rong ruổi hết tuổi trẻ, tôi sẽ trở về. Mà tôi cũng không rõ về thành phố ấy có thực là trở về không, hay nó cũng chỉ là một lối đi vì ở đó có gia đình tôi.

"Chị không có gì làm khác ngoài ở tiệm sách này sao?".

Tôi gật đầu.

"Ở đây đã đủ rồi".

Trâm Anh lắc đầu.

"Chị sống ở Sài Gòn mà như chưa hề biết Sài Gòn".

"Hôm nay gọi anh Bình đến trông tiệm ban ngày đi, chị em mình đi chơi".

Dĩ nhiên anh ấy đồng ý ngay, lại còn cho tôi ứng lương để ra ngoài.

Tôi đi khắp thành phố theo sự chỉ dẫn của Trâm Anh, ăn uống bất cứ thứ gì em đòi, tạt vào chỗ này, chỗ nọ theo ý em ấy. Cuối buổi chiều, chúng tôi dừng ở một tiệm hủ tiếu bên quận 5.

"Em ở đây. Em đã ăn hủ tiếu ở đây ba năm rồi".

Bà chủ vừa nhìn thấy Trâm Anh thì cười tươi rói "Lần đầu thấy con đi cùng bạn đó".

"Em làm cho cô suốt 3 năm ở đây. Cô tốt lắm, dù em làm gì, cũng rất nhẫn nại, và bỏ qua cho em".

Không hiểu sao, tôi có linh cảm xấu. Cả ngày nay tôi cứ chờ đợi Trâm Anh sẽ nói đến một chuyện ra đi. Tôi vẫn đang cố đợi.

Cho đến tận lúc tiễn tôi vào nhà, Trâm Anh mới nói:

"Em sẽ lấy chồng, và chuẩn bị đi xa".

Thấy tôi ngạc nhiên, em nói tiếp:

"Anh ấy đi biển, và quê anh ấy ở đâu mạn Nghệ An, Hà Tĩnh. Em đã xin đi biển với anh ấy, rồi theo thuyền về gặp gia đình anh ấy. Ở đó chúng em sẽ làm đám cưới".

"Chị mừng cho em nhé. Chị là người bạn em quý nhất ở đây".

Tôi mừng cho em chứ. Tôi mừng vì em đã tìm được nơi để về, chứ không phải cứ mải miết ra đi, tìm kiếm như tôi. Nhưng sao trong lòng tôi lại thấy buồn đến thế. Tôi đã quen với sự có mặt quá đỗi ngây thơ của em bên cạnh tôi.

Tôi không biết ngày đi của em. Tôi đã không thể tiễn em.

***

Năm tháng sau, tôi nhận được thư của em, do chồng em gửi. Chồng em bảo, em đã viết nó trước khi mất.

"Em đã nghĩ là em tìm được nơi để về rồi, em không còn nhớ nhà. Không còn nhớ những lúc bé vẫn theo mẹ đi dọc bờ biển nhặt đủ thứ. Em thấy mẹ em ở kia, em thấy mẹ em trong từng lớp sóng đang vẫy gọi em, dang tay ra đón em".

Có vài dòng của chồng em, nhưng tôi không thiết đọc tiếp nữa. Tôi ngồi im lìm giữa nhà, chất chồng trong sách cũ, bụi bặm và cả giọng ca Khánh Ly ủ ê "một thời yêu dấu đã qua", lẫn giữa tiếng quạt phè phè trên đầu.

Đột nhiên, tôi nghĩ rằng đã đến lúc tôi quay về.

Chia sẻ bài viết