* Lê Chí
Có lẽ giữa thơ “mới” và mỹ thuật trừu tượng (hay siêu thực?) có chỗ rất giống nhau. Bởi với tôi, không ít bức tranh, tượng sau khi xem tự mình không sao giải thích được tác giả muốn nói gì. Xúc cảm còn lại chỉ là màu sắc và bố cục. Mà lạ, đôi khi tôi cũng bị cái vẻ đẹp “khó giải thích” ấy quyến rũ. Tương tự, với thơ, nhất là nhiều bài thơ tự do, được tiếng là khá táo bạo trong “cách tân”, có những bài phải đọc đi đọc lại nhiều lần mà cũng chỉ hiểu rất... lơ mơ. Thế nên, điều day dứt không buông tôi trong nhiều năm là một dấu hỏi ám ảnh: Thơ là gì? Câu hỏi có vẻ quá cũ. Cũ mà hàng trăm năm rồi không mấy ai dễ trả lời cặn kẽ, thuyết phục về nó. Tôi nhớ một nhà thơ lớn đã nói, đại ý: Thơ là tiếng nói tình cảm, tiếng nói của trái tim, là ngôn ngữ của người tình nói với người tình. Thật chí lý. Nhưng tiếng nói ấy phải viết như thế nào mới có sức lay động được trái tim người đọc?
 |
|
Góp phần thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, thơ gần gũi biết bao với người chiến sĩ, dân công hỏa tuyến và lớp lớp hậu phương vĩ đại. Thơ là sức mạnh tinh thần thật sự. Trong những năm hoạt động bí mật ở miền Nam, đã có không ít người đến với cách mạng cũng bắt đầu từ những bài thơ. Ấy là vì hầu hết thơ ngày ấy viết bằng cảm xúc rất mộc mạc và thứ chất liệu quen thuộc của đời sống, từ hình ảnh, ngôn ngữ đến ẩn dụ triết lý giản dị. Có điều rất đáng để những người làm thơ hôm nay suy ngẫm là phần lớn thơ hồi ấy đều rất dễ hiểu. Có lẽ do lịch sử bấy giờ, đất nước còn là một nước nông nghiệp lạc hậu lại phải đương đầu liên miên với chiến tranh khốc liệt, để giãi bày điều gì đó người làm thơ không thể “bay bướm” mà dồn thẳng cảm xúc trần trụi của mình vào thơ để chia sẻ với mọi người. Do vậy, việc thường xuyên đọc thơ, chép thơ vào sổ tay, ngâm nga thơ (và tặng thơ cho người thân) là nhu cầu không thể thiếu trong sinh hoạt thường ngày của không ít người. Không cần phải nói thêm nhiều, thơ đã để lại một ấn tượng thật đẹp trong lòng người đọc và khẳng định một “gia tài” tinh thần đồ sộ vô giá với thơ yêu nước, thơ cách mạng Việt Nam, cùng hàng loạt tên tuổi nhà thơ được công chúng nhớ mãi.
***
Đất nước thống nhất đã hơn ba mươi năm, chính xác là đang bước sang năm thứ 35, dài hơn thời gian của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cộng lại. Từ chiến tranh chuyển sang hòa bình là một cuộc đảo lộn toàn diện đối với cuộc sống con người về tình cảm, tâm lý, nếp sống và tư duy. Với người làm thơ, nó còn là cuộc tranh chấp cảm xúc của ngày hôm qua và những bức xúc của một loại phức tạp mới mà mình chưa lường hết được. Vậy thì phải viết thế nào với những gì mình rất mực yêu thương và những gì “khó chịu” trong thực tế mới xuất hiện nhan nhản khắp nơi. Sự phân vân sàng lọc ấy, phải mất gần đến mười năm những người làm thơ trong chiến tranh mới hòa mình được với không khí đầy khó khăn này. Đây cũng là thời điểm ra đời thế hệ những người làm thơ trẻ. Họ là học sinh sinh viên, trí thức ở các đô thị, là chiến sĩ, thanh niên xung phong, những người thợ và nông dân. Giữa lúc ấy thì chiến tranh biên giới Tây Nam, chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra. Như một phản ứng truyền thống, hàng loạt bài thơ mới ra đời, với màu sắc ngôn ngữ mạnh mẽ ngồn ngộn chất sống. Chừng như đó là dấu hiệu cho sự hình thành một dòng thơ mới trong hòa bình. Nhưng rất tiếc, không gian và thời gian hồi ấy chưa thật rộng và dài để đủ định hình thơ của thời kỳ này vững chắc trong lòng người đọc. Dù vậy, nhiều bài thơ của một thời nóng bỏng chiến tranh vệ quốc vẫn để lại trong lòng người đọc như những kỷ niệm đẹp...
Tiếp theo là những năm vô vàn khó khăn về kinh tế xã hội, làm cho thơ phần nào chựng lại. Mặt khác, chính thơ cũng ít xông xáo, bám giữ được chất hồn hậu vốn có của mình trước bối cảnh mới. Thơ có vẻ lắng xuống, lắng cả chất lượng và nhạt dần hơi thở đất nước trong vài thập niên cuối thế kỷ 20. Tuy vậy, đây đó vẫn nghe thấy xuất hiện một số bài thơ đầy tâm trạng và tâm huyết, với ý thức công dân sâu sắc. Rồi thì thơ của những năm chín mươi và đầu thế kỷ 21 bắt đầu nở rộ. Rất nhiều bạn trẻ hào hứng tìm kiếm sắc diện mới cho thơ qua cách tân về hình thức cũng như nội dung. Việc xuất bản thơ lúc này cũng không mấy khó (khó là tiền, mà tiền để xuất bản một tập thơ thì không đến nỗi nào - vậy là người người in thơ). Cùng lúc, có hai hiện tượng diễn ra: một là (phần đông các bạn trẻ) không ít tác giả nghiêng về tìm kiếm cách thể hiện lạ lẫm, khó hiểu và cầu kỳ về hình thức; hai là (hầu hết trung niên) thì vẫn giọng thơ chân phương truyền thống, viết về chiến đấu, xây dựng, với cảm xúc chung chung, nhiều lời nhưng ít sức gợi, hạn chế hiệu quả thẩm mỹ cho người đọc. Sự trì trệ của thơ thời gian này có thể do nhiều nguyên nhân. Trước hết là tình hình kinh tế xã hội tiếp tục diễn biến phức tạp, gay gắt, đời sống lâm vào khó khăn gần như bế tắc, con người bị cuốn vào vòng xoáy bức bách hàng ngày. Nhưng có một lý do chính đáng về phía công chúng, đó là đã đến lúc họ cần thưởng thức một thứ thơ dồn nén hơn, sâu sắc hơn. Không phải vì thế mà người làm thơ đem đến cho họ thứ thơ “lạ lẫm” và rất khó hiểu. Chính sự khó hiểu và không “ăn nhập” gì với đời sống, nên phần lớn người đọc dần dần thiếu mặn mà, lạnh nhạt với thơ mà có nhà thơ đã buồn bã than phiền “công chúng đã quay lưng với thơ”. Lẽ ra câu trách cứ này phải được nói ngược lại. Một anh bạn thân thiết lâu năm với thơ đã thổ lộ: “Thật tình thì cuộc sống hàng ngày bủa vây chật vật lắm, chạy lo cái ăn và học hành cho con cái cũng đủ phờ người, còn thì giờ đâu ghé mắt tới những bài thơ vô hồn, đánh đố”.
Thơ là sự sáng tạo của mỗi nhà thơ và mỗi người đọc là một thế giới cảm xúc cộng hưởng. Không ai máy móc đòi hỏi nó phải thỏa mãn cho mọi người về những gì nhà thơ muốn truyền đạt tới mình. Nhưng nếu người đọc không tìm gặp hơi thở hiện thực cùng những tâm tình trăn trở trong những bài thơ ấy thì sức sống của thơ sẽ ra sao và liệu rồi thơ sẽ đi về đâu? Có một nhà thơ gần trọn đời sống chết với thơ đã bộc bạch: “Không cách nào khác, thơ phải được chưng cất từ cảm xúc hiện thực đầy trải nghiệm và sự nhọc công nghiền ngẫm, cùng nghệ thuật pha chế tài hoa tinh luyện của người viết thì mới mong có được những giọt-rượu-thơ trong vắt làm say đắm lòng người”. Quả vậy, như một chuyện tình có hậu, cái gì vốn có thì dẫu hoàn cảnh và thời gian có nghiệt ngã đến mấy, cuối cùng nó vẫn giữ được vẻ đẹp đáng quý của mình. Điều ấy đã chứng minh khá thuyết phục bằng sự lấy lại phong độ trầm tĩnh và ngày càng tinh tế sâu sắc của thơ trước những trăn trở của đất nước và thời đại. Hơn thế, thơ còn được nhân dân cả nước tôn vinh, chọn ngày mở đầu Tết Nguyên tiêu - Rằm tháng Giêng hàng năm, làm Ngày Thơ Việt Nam thật trang trọng.
Cần Thơ, 16-12- 2009