29/03/2011 - 08:47

Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị làm trung gian hòa giải cuộc xung đột tại Libye

Lực lượng nổi dậy mừng chiến thắng ở
Ras Lanuf. Ảnh: Telegraph

Với động thái được báo giới phương Tây xem là thách thức hành động can thiệp quân sự trực tiếp của liên quân tại Libye, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đề nghị làm trung gian hòa giải cuộc xung đột ở quốc gia Bắc Phi này.

Giữ vai trò quan trọng ở khu vực và có lực lượng vũ trang lớn thứ hai trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành trung tâm tranh cãi trong nội bộ khối này về vấn đề Libye, khi phản đối bất kỳ hành động can thiệp quân sự nào vào quốc gia Bắc Phi. Trước khi chiến dịch không kích Libye bắt đầu, ông Erdogan từng cho rằng ý tưởng can thiệp của NATO vào Libye là “phi lý”. Thế nhưng, hiện nay Ankara đồng ý tham gia trong vai trò “không chiến đấu” theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và kiến nghị của Liên đoàn A-rập (AL).

Trả lời phỏng vấn báo The Guardian của Anh hôm 27-3, Thủ tướng Erdogan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng nhận lãnh vai trò trung gian hòa giải cho một thỏa thuận ngừng bắn sớm ở Libye, đồng thời cảnh báo xung đột kéo dài có nguy cơ đẩy quốc gia Bắc Phi trở thành “Iraq thứ hai” hoặc “Afghanistan khác”. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là cầu nối cho các cuộc đàm phán giữa chính quyền của nhà lãnh đạo Muammar Gadhafi và Hội đồng Quốc gia chuyển tiếp (TNC) của lực lượng nổi dậy, nếu hai bên yêu cầu. Ankara sẽ tiến hành từng bước trong khuôn khổ của NATO, AL và Liên minh châu Phi (AU).

Ông Erdogan cũng tiết lộ hiện Ankara đang tiếp nhận việc điều hành hải cảng và sân bay ở Benghazi-căn cứ chính của phe nổi dậy, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động viện trợ nhân đạo theo thỏa thuận với NATO. Thủ tướng Erdogan kêu gọi Đại tá Gadhafi “tạo dựng sự tin cậy ngay bây giờ cho các lực lượng NATO” trên mặt đất, nếu muốn tiến tới thỏa thuận ngừng bắn và “chấm dứt tình trạng đổ máu ở Libye”.

Những tuyên bố của ông Erdogan diễn ra khi các nhà lãnh đạo NATO nhóm họp tại Brussels (Bỉ) nhằm hoàn tất các thỏa thuận cho liên minh tiếp quản toàn bộ việc thực thi vùng cấm bay, cũng như tiến hành thêm các cuộc không kích chống lực lượng bộ binh của ông Gadhafi.

Lần đầu tiên Sirte bị bao vây

Với sự trợ giúp từ các đợt oanh kích của liên quân, lực lượng nổi dậy đã tái chiếm hoàn toàn hàng loạt các thị trấn giàu dầu mỏ từ tay quân chính phủ vào cuối tuần qua, trong đó có Brega, Ras Lanuf và Bin Jawad. Tối 27-3, quân nổi dậy tiến nhanh về phía Tây, lần đầu tiên bao vây Sirte - thị trấn quê nhà và là căn cứ của ông Gadhafi. Ông Gadhafi đã nhiều lần nỗ lực chuyển Thủ đô Libye về Sirte nhưng không thành, và nơi đây, với bộ tộc của ông Gadhafi chiếm đa số, vẫn là “lãnh địa” của quân chính phủ.

Theo các nhân chứng, hai vụ nổ lớn đã xảy ra ở Sirte khi liên quân không kích hai phi đội máy bay SU-22 của Libye nằm bên trong công sự tại sân bay Sirte. Một quan chức chủ chốt của NATO (giấu tên) nói với Nhật báo Telegraph của Anh rằng chiến thuật trên có thể cắt đứt hậu cần của quân chính phủ Libye ở Sirte, vì ở đây không có kho dự trữ cần thiết để chiếm giữ lâu dài.

Đài truyền hình Libye xác nhận Sirte đã trở thành mục tiêu tấn công của liên quân. Tuy nhiên, theo các chỉ huy NATO, lực lượng trung thành với ông Gadhafi đã bắt đầu đào công sự, dàn trận xe bọc thép và đặt pháo bên trong các tòa nhà dân sự để trấn giữ Sirte. Chiến thuật này khiến các đợt oanh kích của liên quân dễ mắc sai lầm trong việc xác định mục tiêu và làm gia tăng nguy cơ xảy ra cuộc đụng độ đẫm máu sắp tới khi quân nổi dậy tiếp tục tiến về phía Tây.

Tại Thủ đô Tripoli, nhiều vụ nổ lớn đã xé toạc thành phố vào khoảng 21 giờ đêm 27-3 (giờ địa phương), khi máy bay phản lực của liên quân mở lại cuộc tấn công sau 2 ngày tạm lắng. Cuộc không kích dữ dội đã gây hư hại tuyến đường nối sân bay quốc tế với khu vực lân cận thủ đô. Chính phủ Libye tố cáo mục tiêu của liên quân không phải là bảo vệ dân thường như họ tuyên bố mà trên thực tế là nhằm tạo lợi thế cho lực lượng chống chính phủ. Thứ trưởng Ngoại giao Libye Khaled Kaim lên án phương Tây đang tìm cách đẩy Libye rơi vào nội chiến. Đài truyền hình Libye cho rằng cả Tripoli và Sirte đang bị oanh tạc bởi “Cuộc viễn chinh của đế quốc”.

Theo các nhà phân tích, số phận của Sirte sẽ làm rõ điều gì sẽ xảy đến với Libye trong thời gian tới. Nếu quân nổi dậy có thể chiếm thị trấn, họ sẽ có đường tiến rõ ràng tới Tripoli. Còn nếu quân nổi dậy thất bại tại Sirte, tình hình ở Libye sẽ bế tắc.

N. MINH
(Theo Guardian, WSJ, Reuters)

Chia sẻ bài viết