17/03/2011 - 20:47

Thiếu tôm giống ở vùng "vựa tôm"

Thương lái tranh mua tôm nhập tỉnh tại “chợ tôm” Tắc Vân.

Vùng đất được ví như “vựa tôm” sú của ĐBSCL - Cà Mau hiện đang đối mặt trước tình trạng khan hiếm nguồn tôm giống. Thời gian canh tác thuận lợi nhất trong năm sắp trôi qua, nhưng không ít nông dân đành bất lực vì tìm mua không được nguồn tôm giống thả nối...

“Khát” tôm giống

Ông Nguyễn Chí Vân, ở ấp Xóm Mới, xã Tạ An Khương Đông, huyện Đầm Dơi (tỉnh Cà Mau) có hơn 4ha đất nuôi tôm quảng canh. Con nước xổ tôm vừa qua, gia đình thu hoạch tôm được gần 20 triệu đồng. Để có tôm thu hoạch gối đầu, như thường lệ ông ra huyện để mua tôm thả nối. Cất công đi 3 chuyến nhưng ông chỉ mua được 5 bao tôm (khoảng 10.000 con giống), trong khi cần mua 60.000 con. Ông Vân buồn bã nói: “Mọi khi ra chợ là mua được liền nhưng mấy đợt vừa rồi, cơ sở ở đây nói hết tôm, một số thì bắt đặt tiền cọc trước, chờ khoảng 1 tuần mới có tôm nhưng không dám đặt cọc vì không biết tôm xấu hay tôm đẹp. Lỡ đặt cọc mà người ta đem tôm xấu bán thì coi như vụ nuôi thất bại, nếu không mua thì mất tiền cọc. Khan hiếm tôm kiểu này, mấy tháng tới không biết tôm đâu mà thu hoạch nữa”.

Ông Hà Văn Hùm, người nuôi tôm ở xã Tạ An Khương Nam, huyện Đầm Dơi cũng cùng cảnh ngộ, bức xúc: “Tôi cải tạo ao đầm xong hết rồi, tìm đến trại tôm giống để chọn mẫu xét nghiệm nuôi công nghiệp nhưng đi 4 ngày trời không trại nào có tôm đủ cỡ để xét nghiệm. Kiểu này đến khi mua được tôm đã trễ vụ nuôi, kéo dài thời gian nuôi tới mùa mưa rủi ro càng lớn...”.

Không chỉ nông hộ không mua được tôm giống hoặc mua không đủ số lượng thả nuôi mà ngay cả những thương lái chuyên kinh doanh tôm sú giống cũng bỡ ngỡ. Chủ cơ sở kinh doanh tôm giống Lý Vui, thị trấn Đầm Dơi, huyện Đầm Dơi, cho biết: “Năm trước, chờ đợi khách hàng để bán được tôm, còn con nước này chỉ mua được 3 bể tôm (600.000 post) thôi. Khách hàng đến hỏi mua nhưng không đủ tôm bán. Tôi điện thoại cho mấy trại sản xuất tôm giống ở Năm Căn, Ngọc Hiển... họ toàn nói hết”.

Là người chuyên kinh doanh tôm sú giống hơn chục năm, quen biết nhiều trại sản xuất tôm giống, nhưng đã 3 chuyến ra tận “chợ tôm giống” Tắc Vân (TP Cà Mau) để mua tôm về bán cho người nuôi, chủ cơ sở Tôm giống Hữu Tìm, huyện Đầm Dơi vẫn không mua được bao tôm nào. Ông Tìm thất vọng: “Xe tôm vùng ngoài dạo này về ít quá, cả trăm thương lái từ các huyện đổ xô lên tranh mua, làm gì mà đủ tôm. Một số thương lái còn chấp nhận mua cả tôm “cà rem” (tên chỉ loại tôm xấu, kém chất lượng) với giá “trên trời” về bán nữa”.

Với khoảng 260.000 ha nuôi tôm, trung bình mỗi năm Cà Mau cần khoảng 15 tỉ con tôm giống. Trong khi đó, thống kê của Chi cục Nuôi trồng thủy sản (NTTS) tỉnh Cà Mau, từ đầu năm đến nay, lượng giống sản xuất nội địa và nhập tỉnh khoảng 3,5 tỉ con. Năm nay tôm sú thương phẩm có giá cao, nhiều nông hộ phát triển loại hình nuôi công nghiệp, bán công nghiệp nên với lượng tôm như cùng kỳ mọi năm không đủ cung ứng cho người nuôi tôm. Mặt khác, đây là thời điểm chính vụ của vụ nuôi sú nên nông dân đồng loạt thả giống, dẫn đến khan hiếm nguồn tôm giống. Kỹ sư Nguyễn Công Quốc, Trưởng phòng Quản lý nuôi-Chi cục NTTS tỉnh Cà Mau, cho biết: “Việc thiếu nguồn tôm sú giống đẩy giá tôm giống bán tại địa phương tăng cao, tăng hơn 30% so với giá cùng kỳ năm 2010, đạt mức cao kỷ lục trong vòng 3 năm trở lại đây. Theo đó, giá tôm sản xuất nội địa từ 30-60 đồng/con; tôm nhập tỉnh loại xét nghiệm thả nuôi công nghiệp có giá từ 70-80 đồng/con; loại thả nuôi quảng canh giá từ 35-40 đồng/con”.

Tôm giống ra “chợ trời”

Cà Mau hiện có trên 800 trại sản xuất tôm giống lớn, vừa và nhỏ. Do năng lực sản xuất còn hạn chế nên thời gian qua, nguồn tôm sản xuất tại Cà Mau chưa đủ cung cấp cho người nuôi nội tỉnh. Để bổ sung vào nguồn thiếu hụt đó, mỗi năm Cà Mau phải di nhập khoảng 50% lượng tôm giống từ các tỉnh khác, đặc biệt là các tỉnh miền Trung. Số tôm này trước khi bán cho người nuôi tôm được giám sát, kiểm tra qua cơ quan Kiểm dịch số 1, nằm trên tuyến quốc lộ 1A, thuộc địa bàn xã Tắc Vân, TP Cà Mau. Sau khi được kiểm tra cảm quan, các lô tôm nguồn gốc di nhập trên được các cơ sở kinh doanh, chủ vận chuyển... tụ hội lại một điểm không cố định (gọi là Chợ tôm) để bán cho thương lái và người nuôi. Tuy nhiên, hoạt động mua bán tại chợ tôm này thời gian qua diễn ra khá phức tạp.

Chủ cơ sở tôm giống nhập tỉnh Út Bi, xã Tắc Vân, cho biết: “Xe tôm về bốc mẫu ngẫu nhiên rồi kiểm cảm quan (bằng mắt), đạt thì cho bán, không thì cho “gièo” lại để xử lý. Làm ăn chân chính thì không nói, một số chủ cơ sở hám lợi, tôm hư, tôm bệnh nói “gièo” lại nhưng đi khỏi Trạm kiểm dịch họ bán cho nông dân bằng nhiều con đường, đố ai biết. Giá tôm cao như bây giờ, tôm không đủ bán, họ còn giành nhau. Có người ra mua tôm kiểu giành giựt, về nhà thả vô bể “gièo”, chết gần hết, lỗ ngay trước mắt”.

Ông Mai Sáu, HTX tôm giống Thành Công, xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn, cho biết: “Những người trong HTX sản xuất giống chất lượng, qua kiểm dịch nghiêm ngặt của ngành chức năng mới được xuất bán. Lô nào kém chất lượng, không đạt thì hủy bỏ hoặc thả xuống sông chứ đâu dám bán. Còn tôm nhập tỉnh, về kiểm dịch bằng cảm quan rồi xuất bán ngoài “chợ trời”, người nuôi chỉ dòm qua loa bằng mắt, thấy xòe đuôi, xòe mắt thì mua thôi chứ đâu biết gì”.

Ông Nguyễn Công Quốc, Trưởng phòng Quản lý nuôi-Chi cục NTTS tỉnh Cà Mau, cho biết: Đơn vị đang gặp khó trong việc giám sát, kiểm tra nguồn tôm di nhập do lực lượng chuyên trách quá ít, địa bàn thì rộng và giáp ranh nhiều tỉnh nên vẫn còn tình trạng tôm di nhập “vượt rào” bằng nhiều con đường khác nhau, vượt khỏi tầm kiểm soát của đơn vị quản lý. Điều này vô cùng nguy hại bởi có thể số tôm giống được vận chuyển lén lút đó bị nhiễm bệnh, thiệt thòi nông dân khó tránh khỏi. Để tháo gỡ khó khăn này, tôi xin kiến nghị với cơ quan chủ quản tăng cường hơn nữa đội ngũ chuyên môn, lập thêm một số chốt kiểm tra giống di nhập tuyến đường thủy, đồng thời tăng cường công tác tập huấn, chỉ dẫn nông dân biết cách nhận biết nguồn tôm chất lượng để nuôi đạt hiệu quả...

Năm 2011, tỉnh Cà Mau phấn đấu kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 1 tỉ USD, trong đó chủ lực là mặt hàng tôm. Nếu tình trạng thiếu nguồn tôm giống kéo dài, cũng như hoạt động giám sát, kiểm tra tôm di nhập thiếu chặt chẽ, nông dân vùng nuôi tôm trọng điểm của tỉnh sẽ khó tránh khỏi rủi ro, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu phát triển kinh tế chung của địa phương.

Bài, ảnh: HỮU TÙNG

Thương lái tranh mua tôm nhập tỉnh tại “chợ tôm” Tắc Vân.

Chia sẻ bài viết