27/02/2016 - 18:27

Truyện ngắn: Vũ Thị Huyền Trang

Thiêu thân

Khu vực giáp ranh giữa nội thành và ngoại thành tập trung khá nhiều xóm trọ. Người ta thuê trọ ở đây vì nhiều lẽ, vừa giảm chi phí vừa rộng rãi, thoáng đãng nhưng khổ cái đi lại hơi xa. Đã mấy lần chị giục chuyển chỗ trọ nhưng anh nhất quyết không nghe với lý do "ở đây cho khỏi chạm mặt người quen, đỡ phiền phức". Chị mới chợt nhớ ra hoàn cảnh éo le khi chung sống với một người đàn ông chưa phải là chồng của mình mà tủi phận vô cùng. Suy cho cùng cũng tại chị thôi, vì trót nặng lòng với anh mà giờ đây mới gặp phải hoàn cảnh trớ trêu này. Đã hơn bốn năm rồi, không phải ít, thế mà anh cứ mãi dùng dằng...

Anh chị quen nhau trong buổi giao lưu giữa hai đoàn sinh viên tình nguyện. Giữa buổi giao lưu văn nghệ đầy vui nhộn, vẻ trầm lắng và đôi mắt buồn vời vợi của chị đã hút hồn anh. Ngay từ giây phút đầu tiên, anh có một linh cảm rằng chính chị sẽ là người con gái của anh và anh sẽ làm một bờ vai vững chắc để che chở người con gái có vẻ ngoài vừa bí ẩn vừa yếu mềm đến tội nghiệp ấy. Lúc đó anh đang năm cuối, chuẩn bị tốt nghiệp còn chị đang dạng học năm thứ 3.

Anh ra trường, nhờ mối quan hệ của gia đình nên được phân công công tác tại thành phố. Chị chật vật mãi cũng xin được dạy hợp đồng cho một trường cấp II ngoại thành, lương ba cọc ba đồng. Tuy công tác chung một thành phố nhưng anh chị ít gặp nhau vì chỗ ở cách xa. Họ chỉ liên lạc qua điện thoại, chỉ cuối tuần mới có cơ hội gặp nhau. Để đỡ vất vả cho anh, chị đã ở trọ sâu trong nội thành dù hàng ngày phải đi hơn chục cây số mới đến chỗ làm. Chị vốn mắc bệnh run tay từ bé nên tay lái rất yếu, anh cứ lo thắt ruột. Sau vài lần bị tai nạn, anh kiên quyết không để chị đi lại xa nữa mà chuyển nhà trọ cho chị về ở gần trường. Thế rồi, vì thương chị ở một mình lúc ốm đau không có người chăm sóc, thương chị con gái đêm hôm khuya khoắt nhỡ có chuyện gì, sợ cả khoảng cách sẽ làm tình yêu thay đổi… không ít lần anh nói đến chuyện dọn về ở chung với chị. Lúc đầu chị kiên quyết phản đối. Dùng dằng mãi, cuối cùng chị cũng đã gật đầu đồng ý.

Xóm trọ có bảy phòng cấp bốn thì đến năm phòng có các đôi chưa phải vợ chồng chung sống với nhau. Thi thoảng cũng có cảnh cơm chẳng lành canh chẳng ngọt, rồi xô xát, cãi vã nhau. Mỗi lần thế, chị ái ngại:

- Liệu có thành vợ thành chồng hay rồi lại đường ai nấy đi, nhìn mặt nhau mà như kẻ thù thì buồn lắm.

Anh cười bảo:

- Em lo gì, đến vợ chồng cũng có lúc này lúc khác nữa là... Miễn sao thương nhau, vun đắp cho nhau là được.

Cũng có lúc, khi đang ngồi soạn giáo án, chị nói với anh giọng buồn buồn:

- Nếu học trò mà biết em sống như thế này thì em liệu còn có thể dạy chúng điều gì nữa đây.

- Em đang ân hận sao?

Chị im lặng, nhìn ra ô cửa. Khẽ thở dài, chị giục anh ngủ sớm kẻo mai đi làm xa lại mệt. Ngồi soạn nốt mấy trang giáo án, nước mắt chị lặng lẽ rơi.

* * *

Từ nhỏ chị đã sống thiếu thốn tình cảm gia đình, khi cha phạm tội phải vào tù từ lúc chị mười tuổi. Một phần vì tủi nhục, phần vì túng quẫn nên mẹ chị đã theo một người đàn ông vượt biên sang Trung Quốc làm ăn. Chị ở với bà nội từ tấm bé. Năm chị mười tám tuổi, bà nội mất. Suốt bấy nhiêu năm lầm lũi một mình, chị sống nhờ vào hy vọng, những cố gắng của bản thân và đồng tiền ít ỏi mẹ gửi về. Sự thiếu hụt tình thương như sự khát thèm điên cuồng đến tội nghiệp, nhưng lại luôn bị giấu kín bởi mặc cảm. Vậy nên, khi anh đánh thức tình yêu trong chị thì chị lao vào yêu và bảo vệ đến tận cùng. Như những con thiêu thân lao vào vùng sáng, liều lĩnh đến tội nghiệp.

Chị năm nay đã hai sáu tuổi. Cái tuổi ấy ở quê, con gái đã yên bề gia thất, tay bế tay bồng cả rồi. Thế mà, với chị, nghĩ đến đám cưới thôi cũng đã thấy mơ hồ. Mấy lần giận dỗi, chị nói với anh:

- Chẳng ai khổ như em cả, yêu nhau hẳn hoi mà cứ thậm thà thậm thụt. Chưa khi nào em nghĩ việc mặc áo cưới khó khăn đến thế.

Anh ôm chặt chị, thở dài, nước mắt anh rơi xuống ấm nóng bờ vai trần của chị. Không phải vì anh không yêu chị, cũng không phải vì anh quá nghèo đến nỗi không lo nổi một đám cưới đoàng hoàng để đón chị về làm vợ. Mà chỉ vì…

* * *

Anh vẫn nhớ như in buổi nói chuyện rất nghiêm túc với cha trong căn phòng chỉ có hai người. Cha bảo:

- Cha con mình nói chuyện thẳng thắn như hai người đàn ông với nhau. Cha biết con yêu ai, nhưng muốn tự con hãy nói về mối quan hệ ấy.

Anh ấp úng:

- Con yêu một cô giáo quê ở...

- Và là con một tù nhân. Lại còn chưa kể đến việc mẹ cô gái đó còn vượt biên trái phép. Đúng không?

Anh lặng người, cảm giác như mình đang nghẹt thở. Như bị vạch mặt, như sợ ai đó sẽ lôi tình yêu của mình ra giữa đám đông mà ngăn cấm, cười nhạo hoặc đòi bóp chết nó.

- Con có thể tiến xa trong sự nghiệp của mình với tình yêu quá nhiều vấn đề phức tạp ấy? Hôn nhân là không thể. Con hiểu chứ? Con phải lựa chọn hoặc là sự nghiệp, hoặc là tình yêu. Con đủ lớn khôn để suy nghĩ và quyết định mọi chuyện quan trọng của cuộc đời mình.

Anh không dám nói với chị về cuộc nói chuyện ấy. Thế nhưng, bằng sự hiểu biết và linh cảm của một người đàn bà, chị nhận ra tình yêu của hai người không thể nào có một cái kết tốt đẹp. Lý trí bảo cần phải biết dừng lại trước khi làm kẻ bại trận, nhưng con tim vẫn dẫn dụ vào điệu nhạc tình yêu huyền bí. Đôi lúc trong những cuộc nhậu nhẹt bạn bè, anh trở về nhà bằng hơi rượu và nước mắt. Anh hỏi chị:

- Bây giờ anh phải làm sao?

Những lúc ấy thay vì bảo anh phải chọn lựa, chị chỉ biết ôm anh vào lòng, nói rằng cứ sống như thế này cũng được, việc gì mà phải nghĩ nhiều. Không biết có phải vì chị thương anh, chị hiểu nỗi khổ của anh nên không muốn dồn anh vào chân tường. Hay chị sợ mình là kẻ thất thế, mà những kẻ bị bỏ rơi thì bao giờ cũng đau khổ, đơn độc và thù hận. Mà như thế thì tội lắm, chị không muốn phải buông anh ra khỏi cuộc đời mình. Chị chỉ có anh để yêu thương, để làm bạn, làm mẹ, làm bố. Tất cả những gì đang thiếu hụt ấy, chỉ có mình anh bù đắp. Giờ, nếu không còn anh chị chẳng biết mình phải vịn vào đâu để sống...

Mẹ bỏ lại chị giữa dòng đời để đi theo tình yêu của riêng mình. Chỉ thi thoảng mẹ ghé qua đời chị như một cơn gió mùa. Đủ để làm tim chị tái tê, đau đớn rồi lại biến mất. Sự thiếu thốn tình mẫu tử khiến cho chị luôn khao khát được làm mẹ. Hai bảy tuổi, mỗi khi đi làm về qua trường mẫu giáo, thấy tiếng trẻ con vui đùa, tiếng gọi mẹ gọi cha cất lên trong trẻo và đáng yêu chị lại thầm mong ước có một đứa con. Nhiều hôm chị đứng lặng bên cổng trường, nhìn những đứa trẻ sà vào lòng mẹ, dụi đầu vào ngực mẹ. Lòng chị thấy chênh vênh đến lạ...

Đã rất nhiều lần chị bàn với anh sinh một đứa con. Dù trai hay gái chị cũng sẽ nuôi nấng thành người và không để ảnh hưởng đến sự nghiệp của anh, cũng không cần mơ tưởng nhiều về một đám cưới nữa. Những tưởng anh sẽ vui vì sự hy sinh đó nhưng anh chỉ im lặng. Sự im lặng của anh khiến chị hoài nghi về tất cả. Anh bảo:

- Chúng mình còn trẻ, tận hưởng những tháng năm thanh xuân đã. Chứ có con rồi bận bịu, già đi lúc nào không biết.

Hai bảy tuổi, trẻ trung gì nữa đâu. Anh không hiểu hay cố tình không hiểu. Anh không muốn có con chỉ vì sợ bị phát hiện, sợ bị níu kéo, sợ phải có trách nhiệm... Chị không cần biết. Chị thấy đau đớn, thấy mình như kẻ bại trận. Anh không dám có với chị một đứa con thì chị còn trông chờ gì nữa. Tại sao chị cứ mãi sống trong mộng mị để chờ đợi những điều không tưởng?

* * *

Chị đau đớn nhận ra rằng những con thiêu thân bao giờ cũng chết một cách ngờ nghệch, lãng nhách và rồ dại. Thế nên, chị nghĩ cần một ai đó chấm dứt mọi chuyện. Chị không dám trách anh, càng không dám nghĩ đến anh sẽ là người làm việc đó.

Chị ra đi...

Chia sẻ bài viết