04/01/2015 - 15:44

Thích ứng để tái cơ cấu ngành gạo và cá tra

Ngành hàng gạo và cá tra có đóng góp quan trọng trong sự phát triển kinh tế cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng. Tuy nhiên, sự phát triển của 2 sản phẩm nông nghiệp chủ lực này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. Vấn đề khắc phục những hạn chế, yếu kém, nâng cao hiệu quả, vị thế sản phẩm gạo và cá tra đòi hỏi sự tham gia tích cực từ các nhân tố liên quan trong chuỗi giá trị của 2 ngành này…

Nhiều tác động bất ổn

Ngành hàng cá tra có tốc độ phát triển mạnh với trên 100 nhà máy chế biến xuất khẩu cùng các ngành hỗ trợ có liên quan như chế biến thức ăn, con giống, dịch vụ, thương mại, logistics… . Tuy nhiên, do biến động về thị trường, các vụ kiện chống bán phá giá, sự cạnh tranh trong nội tại ngành nên giá trị thu được của ngành chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. Theo Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam, cuối năm 2014, sản phẩm cá tra có nhiều khởi sắc về giá xuất khẩu so với cùng kỳ năm 2013 song lại sụt giảm thị phần ở một số thị trường chính như Hoa Kỳ, EU. Theo yêu cầu tái cơ cấu ngành hàng cá tra, cá tra của Việt Nam cần tập trung vào phân khúc thị trường cấp cao thay vì chiếm lĩnh thị trường ở phân khúc giá rẻ như hiện nay. Song, vấn đề băn khoăn là nếu sản phẩm cá tra của Việt Nam tập trung vào phân khúc thị trường cao cấp sẽ để lại khoảng trống lớn ở phân khúc giá rẻ và rời bỏ một số thị trường cấp thấp. Thế thì liệu các nước khác có đủ sức để lấp đầy vào khoảng trống này hay không? Và sự chuyển đổi của ngành cá tra Việt Nam sẽ không tránh khỏi khả năng gây nên những xáo trộn trong nội bộ ngành cũng như trên thị trường thế giới.

Đối với ngành gạo, chuỗi giá trị lúa gạo còn nhiều hạn chế khiến giá thành sản xuất còn cao, chất lượng khó đảm bảo. Ở khâu đầu vào, tình trạng sử dụng nhiều loại giống lúa để sử dụng cho vụ sau, tỷ lệ sử dụng giống xác nhận còn thấp (khoảng 35%) dẫn đến năng suất, chất lượng lúa gạo chưa đảm bảo. Tỷ lệ tổn thất ở khâu sau thu hoạch còn cao cộng thêm sự tham gia của các nhân tố trung gian như thương lái thu mua lúa dẫn đến khó kiểm soát chất lượng lúa gạo, hạn chế khả năng cạnh tranh của gạo Việt Nam trên thị trường thế giới. Ông Vũ Quang Cảnh, Vụ Kế hoạch, Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood II), cho biết: “Từ năm 2012 trở lại đây, xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp nhiều khó khăn đã tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo của Vinafood II. Theo dự báo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, thị trường tiên thụ gạo trong những năm tới có nhiều triển vọng nhưng cũng gặp nhiều khó khăn do chịu áp lực cạnh tranh từ các nước xuất khẩu gạo cả về ở phân khúc gạo cao cấp lẫn phân khúc gạo cấp trung và cấp thấp”.

Chế biến cá tra phi lê xuất khẩu tại Công ty TNHH Công nghiệp Thủy sản Miền Nam. 

Vấn đề sắp xếp, tái cơ cấu lại chuỗi giá trị ngành hàng gạo và cá tra là yêu cầu cấp bách trong giai đoạn các sản phẩm nông, thủy sản của Việt Nam không chỉ dựa vào số lượng mà phải tập trung vào chất lượng để mang về giá trị tương xứng. Theo đó, bản thân các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo và cá tra phải có bước chuyển đổi ngay từ nội tại để thích ứng với yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.

Các nhân tố cùng thích ứng

Để phát triển chuỗi giá trị ngành gạo và cá tra, cần phát huy mối liên kết của các nhân tố tham gia trong chuỗi. Ở ngành cá tra đã có các hình thức liên kết giữa DN và người nuôi để cung cấp nguyên liệu cá tra phù hợp với các hợp đồng xuất khẩu. Đối với ngành gạo, mô hình cánh đồng lớn từng bước khắc phục hạn chế sản xuất manh mún nhỏ lẻ của nông dân, giảm sự tham gia của thương lái, đảm bảo chất lượng gạo từ khâu đầu vào. Theo ông Vũ Quang Cảnh, Vụ Kế hoạch, Công ty Vinafood II, với mục tiêu nâng cao giá trị sản phẩm gạo, định hướng chiến lược của Vinafood II trong thời gian tới là thay đổi tư duy tiếp cận thị trường, chuyển từ mua gạo sang mua lúa trên cơ sở xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu cánh đồng lớn. Từ đó củng cố phát triển các thị trường tập trung và xây dựng chiến lược phát triển thị trường thương mại. Công ty cũng xác định sẽ từng bước thiết lập và xây dựng nhãn hiệu gạo Vinafood II thông qua việc tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, chính quyền địa phương và trực tiếp là nông dân sản xuất trong cánh đồng lớn. Thông qua hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo từ cánh đồng lớn mới giúp Vinafood II đảm bảo chất lượng sản phẩm từ đầu vào sản xuất đến đầu ra xuất khẩu.

Để sắp xếp lại chuỗi giá trị ngành hàng gạo và cá tra, không thể thiếu những đầu tư tương xứng, phù hợp với yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa lớn, phục vụ xuất khẩu. Ông Doãn Anh Tuấn, Giám đốc Phát triển kinh doanh khối SME-Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), cho biết: “Hiện nay, lãi suất cho vay của ngân hàng đối với các doanh nghiệp nói chung bình quân từ 9-10%/năm. Riêng các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chế biến xuất khẩu gạo và thủy sản, lãi suất cho vay sẽ được ưu đãi giảm 1-2% so với mặt bằng chung tùy theo từng chương trình và mức độ uy tín của từng doanh nghiệp. Năm 2014, VPBank đã giải ngân 2.000 tỉ đồng cho các doanh nghiệp trong ngành gạo và thủy sản và sẽ tiếp tục triển khai chương trình này trong năm 2015 để hỗ trợ doanh nghiệp các giải pháp tài chính để đầu tư phục vụ sản xuất và xuất khẩu. Lợi ích của doanh nghiệp khi tiếp cận gói sản phẩm tín dụng này là thủ tục đơn giản, thời gian xét duyệt nhanh, thời gian cho vay linh hoạt theo chu kỳ sản xuất kinh doanh, tài sản đảm bảo linh hoạt….

Một trong những giải pháp quan trọng để phát triển chuỗi giá trị ngành hàng gạo và cá tra là khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp thương mại. Các doanh nghiệp thương mại sẽ tham gia vào hệ thống phân phối của 2 ngành hàng này trên cơ sở liên kết với doanh nghiệp sản xuất trong nước và khách hàng nước ngoài để cung cấp thông tin về thị trường, thương thảo hợp đồng, cung ứng sản phẩm theo yêu cầu… Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho rằng: “Lợi ích của các công ty thương mại thay đổi tùy theo loại sản phẩm được trao đổi và qui mô trao đổi. Với những sản phẩm chuẩn hóa hay hàng hóa rời, việc sử dụng các trung gian xuất khẩu có thể có lợi hơn việc tự xuất khẩu vì các công ty thương mại có thể giảm chi phí giao dịch cho cả người mua và người bán. Các tổ chức trung gian là phương tiện để khắc phục chi phí thương mại quốc tế cao đi kèm với từng thị trường cụ thể. Để thích ứng với thị trường đang lớn mạnh và quá trình toàn cầu hóa, các công ty thương mại sẽ phải mở rộng và phát triển đa dạng các sản phẩm dịch vụ cung cấp như các dịch vụ liên quan đến chuỗi sản xuất, tư vấn sản xuất, hỗ trợ quản lý nhằm giúp doanh nghiệp của ngành hàng lúa gạo, thủy sản giảm giá thành sản xuất, nâng cao năng lực canh tranh trên thị trường thế giới”.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết