14/06/2022 - 06:49

Thị trường phim ảnh Trung Quốc thua lỗ 

Thị trường phim ảnh Trung Quốc đang phải chịu lỗ nặng do dịch bệnh và dường như vẫn không hề khả quan khi các rạp mở cửa lại bởi đang phải đối mặt với nhiều vấn đề.

Các rạp chiếu Trung Quốc vẫn hạn chế số lượng khán giả.

Các rạp chiếu Trung Quốc vẫn hạn chế số lượng khán giả.

Kể từ cuối tháng 3-2022, có khoảng 6.000 rạp phim ở Trung Quốc đã phải đóng cửa do các quy định kiểm soát đại dịch khiến thị trường phòng vé của các hãng phim và phát hành chịu ảnh hưởng. Mặc dù các rạp chiếu đã dần mở cửa lại vào tháng 5, nhưng tình hình vẫn rất khó khăn. Hơn 3.000 rạp chiếu đã mở lại nhưng doanh thu vẫn không tăng, còn phim mới phát hành của năm nay chỉ bằng một nửa so với năm 2021. Doanh thu ở đợt nghỉ lễ tháng 5 vừa qua chỉ có 295 triệu nhân dân tệ (NDT) thấp thứ hai trong lịch sử doanh thu kỳ nghỉ lễ này kể từ năm 2013. Nhiều chuyên gia dự báo, phòng vé năm nay có khả năng chỉ thu về khoảng 20 tỉ NDT, chỉ bằng 1/3 so với năm 2019. Trong đó, những rạp chiếu nhỏ sẽ khó có khả năng phục hồi khi thua lỗ nặng.

Hu Chao, Chủ tịch của Henan Xinyang Erdong Cinema, nói: “Tôi sở hữu ba rạp chiếu phim và trong 3 năm qua, tôi đã lỗ 6 triệu NDT”. Tương tự, Jinyi Media Quảng Châu đã lỗ khoảng 42 triệu NDT chỉ trong quý đầu của năm 2022. Nguyên do, có khoảng một nửa số rạp chiếu phim của họ đã đóng cửa một thời gian. Omnijoi Media cũng lỗ gần 38 triệu NDT trong quý. Việc thua lỗ không chỉ bởi hạn chế phòng vé từ dịch COVID-19 mà các rạp chiếu vẫn đang phải vật lộn với tình trạng khan hiếm phim mới, các quy định thắt chặt về chiếu phim nhập khẩu nước ngoài và thiếu trợ cấp của chính phủ. Thực tế, giá thuê rạp chiếu phim thường tăng khoảng 10% sau mỗi 3 năm và các hãng đang phải chịu áp lực tài chính lớn hơn. Mặt khác, dịch COVID-19 làm gián đoạn quá trình sản xuất phim, dẫn đến Trung Quốc khan hiếm phim mới. Mathilda Shen Yue, Giám đốc điều hành hãng phim CYFilms thông tin rằng việc đầu tư sản xuất phim hiện nay đang giảm mạnh và các nhà đầu tư chỉ sẵn sàng với những dự án có được chính sách của chính phủ khuyến khích. Trong năm 2021 có 740 phim được sản xuất, trong khi năm 2019 có đến 1.037 phim, tỷ lệ sản xuất phim năm 2022 tiếp tục sụt giảm nghiêm trọng. Nhiều phim bị hoãn phát hành, như: “Lighting Up the Stars” của Lian Ray Pictures và China Film, “Detective vs Sleuths” của Emperor Motion Pictures, “One Week Friends” và “Post-Truth” của Alibaba Pictures, “Give Me Five” của Wanda Media…, khiến các rạp gặp nhiều khó khăn. Các phim nội địa bị hoãn phát hành, các rạp không có phim mới ra rạp, lại còn gặp khó khi nhập phim nước ngoài về. Bình quân mỗi năm, Trung Quốc chỉ cho phép nhập khoảng 100 phim nước ngoài. Tuy nhiên kể từ năm 2019, số lượng phim nhập khẩu chỉ còn khoảng 70 phim. Còn năm 2022, Trung Quốc mới chỉ nhập khẩu 28 xuất phẩm quốc tế tính đến thời điểm hiện tại.

Các rạp phim không thể mở cửa bình thường, bởi vẫn còn hạn chế về dung lượng khán giả. Trong khi cũng không có phim mới để phát hành thu hút người xem khiến tài chính của các đơn vị gặp nhiều khó khăn. Nhiều hãng đã bổ sung thêm các dịch vụ, như: quán bar, game để duy trì hoạt động nhưng điều này lại càng gây khó khăn. Một số người trong ngành đã kêu gọi chính phủ giúp đỡ các rạp chiếu phim bằng trợ cấp và giảm thuế, nhưng điều này vẫn rất khó tháo gỡ.

BẢO LAM (Tổng hợp từ Straitstimes, Financial, Caixin Global)

Chia sẻ bài viết