10/08/2008 - 20:51

Đồng bằng sông Cửu Long:

Thị trường lúa gạo đang chuyển động

Thu mua lúa gạo hàng hóa ở Trạm Kinh doanh chế biến lương thực Cái Răng (thuộc Công ty Lương thực Sông Hậu).

Trước tình hình thị trường lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trầm lắng do giá cả sụt giảm, từ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, doanh nghiệp (DN) đã khẩn trương bước vào thực hiện thu mua hết lúa hàng hóa và đảm bảo nông dân có lời. Mặt khác, các ngân hàng thông báo cung ứng đủ vốn và giảm lãi suất cho DN vay theo hướng thích hợp... đã thổi vào thị trường lúa gạo ở ĐBSCL luồng sinh khí mới!

HY VỌNG SỨC TIÊU THỤ SÁNG SỦA

Do nhiều doanh nghiệp (DN) chế biến gạo xuất khẩu không đẩy mạnh thu mua gạo, nên trong khoảng 1 tháng qua, nhiều nông dân tại ĐBSCL đã thu hoạch xong lúa hè thu nhưng chưa thể tiêu thụ được. Những ngày gần đây, giá lúa gạo giảm càng gây bất lợi thêm cho nhà nông. Ông Nguyễn Văn Thế ở ấp Trường Thọ 1, xã Trường Long, Phong Điền, TP Cần Thơ đang có 1,6 tấn lúa vụ hè thu 2008 chưa tiêu thụ được, than vãn: “Gia đình tui và nhiều bà con ở đây đã làm ruọng mấy chục năm rồi, nhưng chỉ có năm nay mới rơi vào tình trạng không bán được lúa. Tui đã thu hoạch lúa một tháng nay mà vẫn chưa có tiểu thương đến hỏi mua. Hồi đầu mùa, một số hộ còn bán lúa ở mức 5.000 đồng/kg, hiện nay nếu có người mua giá rẻ tui cũng bán một phần để có tiền chi tiêu và trang trải tiền phân thuốc cho lúa vụ 3. Vừa rồi nghe thông tin Chính phủ chỉ đạo thu mua hết lúa ai cũng mừng ra mặt. Tui rất mong tình hình tiêu thụ cũng như giá lúa gạo sớm được cải thiện”.

Gần đây, sự “vắng bóng” của thương lái là do tình hình làm ăn bất lợi nên nhiều người đang tạm thời ngừng đi mua lúa. Giá lúa, gạo trong xu thế giảm nên nhiều thương lái bị lỗ do mua lúa giá cao nhưng khi xay gạo ra bán lại không được giá. Khó khăn nữa đối với nhiều thương lái là việc thiếu vốn, trong khi vay tiền ngân hàng phải chịu lãi suất cao và cũng khó vay. Mặt khác, gần đây giá xăng dầu, chi phí vận chuyển, bốc vác tăng càng làm cho thương lái thêm khó. Theo nhiều thương lái, lúa vụ hè thu chất lượng không bằng vụ đông xuân, trong khi đang trong mùa mưa nếu xem xét không kỹ hoặc mua lúa ướt về phơi sấy không đạt, thì khi xay ra gạo sẽ không thể bán cho xuất khẩu, mà chỉ tiêu thụ trong nước. Thương lái nào lỡ “dính” một vài ghe lúa phải bán gạo chợ, coi như lỗ vốn. Bà Nguyễn Thị Tám ở xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, chuyên đi thu mua lúa xay gạo bán lại cho các DN chế xuất khẩu. Sau hai chuyến đi mua lúa về bán bị lỗ tổng cộng trên 3 triệu đồng, từ một tháng nay bà đã cho chiếc ghe 15 tấn của mình nằm bến. Bà Tám, kể lại: “Cách nay hơn một tháng tôi mua lúa với giá 4.700 đồng, về xay ra gạo bán chỉ với giá 6.200 đồng/kg. Hiện tôi còn 8 tấn lúa nhưng nhà máy nói chỉ mua gạo với giá 5.900 đồng/kg. Cứ như vậy, chắc chắn tôi còn phải tạm thời nghỉ thêm một thời gian nữa”.

Trước tình hình giá thu mua gạo của DN chế biến xuất khẩu giảm, nhiều thương lái buộc phải giảm giá thu mua lúa của nông dân. Chị Nguyễn Thị Liên, tiểu thương ở huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, phân tích: “Lượng lúa trong dân đang còn rất nhiều nhưng giá gạo liên tục giảm, nên tôi phải rất dè chừng khi mua lúa vì sợ bị lỗ. Vừa rồi tôi mua lúa ở Sóc Trăng giá 4.300-4.350 đồng/kg nhưng hôm nay (8-8-2008) xay gạo đem lên Cần Thơ bán chỉ với giá 5.900 đồng/kg, tính ra huề vốn. Tôi hy vọng giá lúa gạo sớm bình ổn trở lại để làm ăn được dễ dàng hơn”.

DN ĐẨY MẠNH THU MUA

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc họp bàn với các bộ, ngành hữu quan và đưa ra các biện pháp nhằm đẩy mạnh việc thu mua, tiêu thụ hết lúa, gạo ở các tỉnh, thành ĐBSCL. Thủ tướng đã yêu cầu các Bộ, ngành, UBND các tỉnh ĐBSCL, Tổng Công ty Lương thực miền Nam, Tổng Công ty lương thực miền Bắc và Hiệp hội Lương thực Việt Nam tập trung chỉ đạo triển khai tốt một số giải pháp cấp bách để tiêu thụ hết lúa hàng hóa vụ hè thu và đảm bảo cho người trồng lúa có lời từ 40% trở lên. Đồng thời, chỉ đạo các DN xuất khẩu gạo đẩy nhanh tiến độ giao hàng trong tháng 8 và tháng 9-2008 để giao hết số gạo đã ký hợp đồng (3,6 triệu tấn). Khẩn trương thương thảo, ký hợp đồng mới với giá cả có lợi theo số lượng xuất khẩu cả năm 2008, khoảng 4,5-4,6 triệu tấn. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại bảo đảm cho vay đủ vốn với lãi suất thích hợp cho các DN thu mua lúa hàng hóa của nông dân; đồng thời xem xét gia hạn nợ cũ và tiếp tục cho vay mới theo quy định đối với hộ nông dân chưa được tiêu thụ lúa mà có nhu cầu gia hạn hoặc vay mới để tiếp tục sản xuất. Về vốn vay mua lúa cho dân, hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Công văn số 1697/BNN-KH gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị nhu cầu vay vốn của các DN thu mua, tiêu thụ nông sản, nêu rõ khó khăn, vướng mắc trong việc vay vốn. Trong đó, vốn cho thu mua lúa là 15.000 tỉ đồng. Đặc biệt, do giá lương thực và chỉ số tiêu dùng đang có xu hướng giảm nên Thủ tướng quyết định chưa áp dụng thuế xuất khẩu đối với các hợp đồng xuất khẩu gạo có giá xuất khẩu theo giá FOB (hình thức xuất khẩu DN chỉ có trách nhiệm đến khi hàng lên tàu) ở mức dưới 800USD/tấn.

Với các biện pháp trên của Chính phủ và việc tích cực thu mua gạo của các DN, tin rằng tình hình tiêu thụ và giá lúa, gạo tại các tỉnh, thành ĐBSCL sẽ sớm được cải thiện trong thời gian tới. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong tháng 8-2008, Hiệp hội sẽ chỉ đạo cho các DN thành viên thu mua khoảng 660.000 tấn gạo của nông dân ĐBSCL. Trong đó, Tổng Công ty Lương thực miền Nam sẽ mua 300.000 tấn, Tổng Công ty Lương thực miền Bắc mua 200.000 tấn. Ông Phạm Minh Xo, Trưởng Trạm Kinh doanh chế biến lương thực Cái Răng (thuộc Công ty Lương thực Sông Hậu, Tổng Công ty Lương Thực miền Nam), cho biết: “Giá gạo thế giới giảm nhưng trong khoảng hơn 1 tháng qua, chúng tôi vẫn tiếp tục duy trì việc thu mua gạo của người dân theo chủ trương của công ty nhằm giúp tiêu thụ hết lượng lúa gạo hàng hóa cho nông dân. Hiện Trạm Kinh doanh chế biến lương thực Cái Răng đang thu mua bình quân khoảng 120-130 tấn gạo/ngày”. Còn ông Lê Việt Hải, Giám đốc Công ty Mekong, cho biết: Hiện nay, các văn bản chỉ đạo chính thức của chính phủ và các ngành chức năng chưa đến công ty. Nhưng từ đầu tuần trước, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã có yêu cầu về việc đẩy mạnh thu mua lúa gạo nhằm giúp tiêu thụ hết lượng lúa gạo hàng hóa trong dân, công ty chúng tôi đã thực hiện chủ trương này. Công ty đang thu mua khoảng từ 400-500 tấn gạo và lúa/ngày. Hiện nay, tuy lãi suất tiền vay ngân hàng vẫn còn cao nhưng nếu DN có phương án kinh doanh rõ ràng thì đã dễ dàng vay vốn rất nhiều so với cách nay khoảng 2 tháng”.

Ngày 9-8-2008, tại cuộc họp giao ban trực tuyến về việc đẩy mạnh tiêu thụ lúa ở ĐBSCL, ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng: Trên thị trường thế giới hiện nguồn cung gạo đang nhiều do vào thời điểm nhiều nước thu hoạch lúa, trong khi một số nước nhập khẩu gạo đã mua hàng. Do đó, nếu nông dân chưa thật sự có nhu cầu thì không nên vội bán lúa. Các ngân hàng sẽ tạo điều kiện cho nhà nông có vốn sản xuất bằng cách gia hạn nợ và cho vay thêm vốn. Người dân nên bình tĩnh, không tạo tâm lý vội vã bán tháo vì làm như vậy chỉ càng gây khó khăn thêm cho thị trường. Hiện nay, tổng nhu cầu tiêu thụ gạo trên thế giới còn cao, giá gạo tuy có giảm so với thời điểm “sốt giá” vào vài tháng trước nhưng hiện vẫn còn cao hơn nhiều so với năm trước. Nhiều dự đoán, giá gạo thế giới sẽ phục hồi trở lại trong thời gian tới.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết