14/09/2008 - 20:20

Mở rộng đối tượng Việt kiều được mua nhà:

Thị trường địa ốc sẽ "ấm" lên?

Khu chung cư 91B ở phường An Khánh, quận Ninh Kiều. Ảnh: THIỆN KHIÊM

Ngày 10-9-2008, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ nội dung dự thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung điều 126 của Luật nhà ở về quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, trước khi trình Quốc hội vào kỳ họp tới. Trong đó, quy định sẽ được mở rộng cho Việt kiều được mua nhà ở tại Việt Nam. Động thái này nhanh chóng được giới kinh doanh, đầu tư, môi giới mua bán bất động sản (BĐS) đón nhận trong niềm phấn khởi. Bởi lẽ, việc bổ sung chính sách mới sẽ góp phần để thị trường địa ốc “tan băng”…

* “Rộng cửa” hơn cho Việt kiều

Những người không còn quốc tịch Việt Nam nhưng có vợ (chồng) sinh sống trong nước, hoặc có trình độ đại học trở lên và đang làm việc trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội đều có thể được mua nhà với số lượng không hạn chế. Đây là quy định mới trong Luật Nhà ở (sửa đổi) mà Bộ Xây dựng và Bộ Tư pháp vừa soạn thảo trình Thủ tướng cho phép trình Quốc hội phê duyệt để tạo thêm điều kiện cho nhiều người Việt Nam ở nước ngoài mua nhà trong nước.

Theo đó, Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ chia Việt kiều thành 3 nhóm được mua nhà: nhóm thứ nhất và thứ hai gồm những người còn quốc tịch Việt Nam. Trong trường hợp là người gốc Việt, nhưng không còn quốc tịch, và thuộc một trong các diện: về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam; đã kết hôn với người Việt Nam sống trong nước; người có công với đất nước, hoặc có trình độ đại học trở lên đang làm việc trong lĩnh vực kinh tế-xã hội, Việt kiều sẽ có quyền sở hữu nhà như người sống trong nước. Cả hai nhóm đối tượng trên được phép mua số lượng nhà theo mong muốn. Nhóm thứ ba là những người gốc Việt không thuộc các diện như trên, nhưng được phép cư trú tại Việt Nam từ 6 tháng trở lên hoặc được cấp giấy miễn thị thực, thì được sở hữu một căn nhà.

Còn theo quy định hiện hành, Việt kiều muốn mua nhà trong nước cần được xác nhận là người gốc Việt Nam, và là một trong 4 đối tượng, gồm người đầu tư lâu dài tại Việt Nam; người có công đóng góp với đất nước; nhà văn hóa, nhà khoa học có nhu cầu về hoạt động thường xuyên tại Việt Nam và người có nhu cầu về sống ổn định tại Việt Nam. Nếu không thuộc 4 nhóm trên, họ cần cư trú tại Việt Nam trong 6 tháng/năm trở lên. Nay đối với nhóm này, theo dự thảo, Việt kiều chỉ cần có giấy miễn thị thực là được mua nhà... Đề xuất này đã được Bộ Xây dựng lấy ý kiến từ các Bộ, ngành liên quan như Bộ Tư pháp, Tài chính, Ngoại giao, Công an và các cơ quan này đều đồng ý với hướng sửa đổi trên.

* Giới kinh doanh BĐS phấn khởi

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến nay, số lượng Việt kiều mua được nhà tại Việt Nam vẫn còn hạn chế, trong đó ở TPHCM có không quá 100 trường hợp, trong khi tại Hà Nội từ đầu năm đến giờ gần như không nhận được hồ sơ nào. Nhưng thực tế, có khá nhiều Việt kiều đã mua nhà, nhưng đều nhờ người thân ở trong nước đứng tên, vì các thủ tục thường mất thời gian, thông qua các trung tâm môi giới nhà đất cho biết. Theo Bộ Xây dựng, quy định mới mở rộng hơn rất nhiều, đặc biệt là những người có kỹ năng đặc biệt mà Việt Nam có nhu cầu. Cũng theo cơ quan quản lý xây dựng và nhà ở, quy định này tạo thêm sự bình đẳng về quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam giữa công dân trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài.

Giám đốc một Công ty môi giới mua bán BĐS tại quận Ninh Kiều, nhận định: Có thể thấy rằng, đây là một thay đổi lớn, mang tính đột phá so với các văn bản pháp lý trước đây liên quan đến việc cho người nước ngoài, Việt kiều được phép mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Đặc biệt là đối với đối tượng Việt kiều còn mang quốc tịch Việt Nam và những người về nước đầu tư, kết hôn với công dân Việt Nam, thành phần trí thức... thì quyền được mua và sở hữu nhà ở đều như công dân Việt Nam. Bởi thực tế, trước đây đã có nhiều chính sách liên quan đến việc cho phép Việt kiều mua nhà, nhưng do quy định đối tượng quá hạn hẹp nên đã không tạo ra được tác động nào đối với thị trường BĐS trong nước.

TP Cần Thơ là trung tâm của ĐBSCL nơi có cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin phát triển mạnh nhất vùng, lại có nhiều dự án khu dân cư phát triển với nhiều sản phẩm đa dạng, thiết kế hiện đại sẽ thu hút được Việt kiều về an cư lạc nghiệp. Nếu dự thảo được thông qua, sẽ là cơ hội để thị trường địa ốc Cần Thơ phục hồi trở lại trong thời gian tới...

Theo ông Võ Văn Bảo, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư – Địa ốc Hoàng Quân Cần Thơ, dự đoán: “Chính sách mở rộng đối tượng Việt kiều được mua nhà sẽ giúp cho giá nhà đất trên thị trường đứng vững trong thời gian tới. Đồng thời, sẽ có một số khu vực phát triển cục bộ do nguồn hàng hóa phù hợp với yêu cầu của đối tượng Việt kiều...”. Một số ý kiến khác cho rằng, khả năng thị trường BĐS sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới, bởi trên thực tế không cần phải chờ đến sự cho phép, Việt kiều cũng đã mua nhà tại Việt Nam dưới nhiều hình thức khác nhau. Khi chính sách chính thức được thực thi, cũng khó có khả năng tạo ra một sự đột phá cho thị trường BĐS.

Nhiều nhà kinh doanh BĐS cho rằng, khách hàng trong nước vẫn rất quan trọng. Chủ đầu tư một dự án khu dân cư ở Nam Cần Thơ khẳng định: “Người trong nước mới có tác động quan trọng đến thị trường BĐS. Bởi hiện tại, đối tượng Việt kiều chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số dân của Việt Nam”. Tuy nhiên việc đa dạng các đối tượng mua nhà sẽ làm cho thị trường BĐS ở Việt Nam tăng cường tính cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm.

T.K – P.V

Theo Bộ Xây dựng, ước tính trong 3 triệu người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài, sẽ có gần 2 triệu người đủ điều kiện mua nhà trong nước nếu Luật Nhà ở được sửa đổi thông qua theo hướng này.

Chia sẻ bài viết