12/09/2023 - 06:52

Thị thực vàng của Indonesia hấp dẫn người nước ngoài 

MAI QUYÊN 

Thái độ nghiêm khắc của Indonesia trong kiểm soát thâm hụt tài chính khiến nước này trở thành điểm đến hứa hẹn với các nhà đầu tư, đặc biệt những người tìm kiếm “Kế hoạch B” khi theo đuổi nhu cầu thị thực vàng.

Jakarta giới thiệu chương trình thị thực vàng thúc đẩy kinh tế quốc gia. Ảnh: Reuters

Jakarta giới thiệu chương trình thị thực vàng thúc đẩy kinh tế quốc gia. Ảnh: Reuters

Tuần rồi, “cha đẻ” của phần mềm ChatGPT, Sam Altman trở thành người đầu tiên nhận thị thực vàng từ Indonesia. Thị thực vàng của Giám đốc điều hành OpenAI có thời hạn 10 năm và doanh nhân Mỹ được hưởng một số đặc quyền như nhập cảnh bằng cổng ưu tiên tại sân bay, dễ dàng xuất nhập cảnh tại Indonesia và có thời gian lưu trú dài.

Tin tức này được coi là “chiến thắng” bước đầu của Tổng thống Indonesia Joko Widodo đối với nỗ lực trải thảm đỏ cho các nhà đầu tư và tài năng toàn cầu thông qua chương trình thị thực vàng. Theo Bộ Pháp luật và Nhân quyền Indonesia, cá nhân muốn sở hữu thị thực 5 năm cần lập công ty trị giá 2,5 triệu USD và 5 triệu USD đối với thị thực 10 năm. 

Ngoài ra, còn có nhiều quy định khác nhau áp dụng cho người nước ngoài không có nguyện vọng lập công ty ở Indonesia, bao gồm cam kết một khoản từ 350.000 USD-700.000 USD để mua cổ phiếu công ty đại chúng địa phương, trái phiếu Chính phủ Indonesia hoặc gửi tiết kiệm. Đặc biệt, Cục trưởng Nhập cư, Bộ Pháp luật và Nhân quyền Indonesia Slimy Karim cho biết, thị thực vàng cũng được cấp không dựa trên cơ sở đầu tư cho các nhân vật uy tín trên toàn cầu và có thể mang lại lợi ích cho Indonesia. Điều kiện là họ phải được Chính phủ Indonesia đề xuất.

Đối với Indonesia, thị thực vàng là nhân tố “thay đổi cuộc chơi” khi được kỳ vọng giúp Jakarta thu hút nhân tài, nhà đầu tư và lao động quốc tế trong lĩnh vực số hóa, y tế, nghiên cứu và công nghệ. Chiến lược này được thúc đẩy trong bối cảnh tài khoản vãng lai của quốc gia Đông Nam Á lần đầu tiên rơi vào thâm hụt sau 2 năm. Từng là một nước trong Fragile Five (nhóm 5 nền kinh tế mới nổi lớn dễ bị ảnh hưởng), Indonesia đặc biệt nhận thức tầm quan trọng của ngoại tệ và tốc độ dòng tiền di chuyển.

Còn với nhà đầu tư, đặc biệt là doanh nhân Mỹ, câu hỏi đặt ra là tại sao họ muốn có thị thực vàng từ Indonesia. Tuy điểm cộng của Jakarta là không có hiệp ước dẫn độ với Washington, nhưng các nhà đầu tư không thiếu những lựa chọn hấp dẫn khác từ châu Âu.

Theo Hãng tin Bloomberg, câu trả lời có thể nằm ở mong muốn của các nhà đầu tư về “Kế hoạch B” giúp hạn chế rủi ro tài chính. Những tuần gần đây, họ đã lên tiếng nhiều hơn về mối quan ngại trước những khoản vay không được kiểm soát của Chính phủ Mỹ trong bối cảnh xếp hạng tín dụng quốc gia bị hạ cấp và trái phiếu kho bạc bị bán tháo. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) lại không cho thấy ý chí chính trị để giải quyết vấn đề thâm hụt tài chính. Trong khi nguồn thu ngân sách từ thuế giảm 11%, chính phủ hiện phải chi 14% doanh thu thuế để trả lãi ròng trong tài khóa này - tăng 25% so với tài khóa trước và là mức cao nhất kể từ năm 1998. 

Không riêng Mỹ mà từ Trung Quốc đến Liên minh châu Âu, các nhà đầu tư bắt đầu lo lắng về số nợ quá lớn và nguy cơ khủng hoảng tài chính toàn diện. Trong bối cảnh này, việc mua trái phiếu trị giá 350.000 USD như điều kiện chương trình thị thực vàng của Indonesia dường như an toàn hơn khi nước này luôn duy trì kỷ luật tài chính. Hiện Jakarta vẫn tuân thủ giới hạn thâm hụt tài chính tự áp đặt ở mức 3% thậm chí có thể xuống 2,29% GDP cho năm 2024, ngay cả khi điều này khiến tốc độ tăng trưởng chậm lại. Mặt khác, nợ hộ gia đình ở Indonesia chỉ chiếm 9% GDP và chưa đến 60% dân số trẻ trong tổng 274 triệu người Indonesia có tài khoản ngân hàng.

Chia sẻ bài viết