29/12/2009 - 20:32

Thực hiện các công trình giao thông do dân hiến đất ở quận Cái Răng

Thi công trì trệ, dân bức xúc!

Dù đã làm nền hạ từ năm 2006, nhưng tuyến đường Hậu Tân Phú vẫn chưa được hoàn chỉnh theo thiết kế.

Trong những năm gần đây, phong trào nhân dân hiến đất xây đựng đường giao thông được nhân rộng ở các địa phương. Ở quận Cái Răng, cũng nhờ sự đồng tâm, hiệp lực của nhân dân mà nhiều tuyến đường giao thông đã được mở rộng, góp phần thúc đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa của quận. Tuy nhiên, cũng có những tuyến đường mà nhân dân đã hiến đất, hoa màu 2-3 năm, mặt bằng đã có nhưng quá trình thi công trì trệ, kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân.

Năm 2006, quận Cái Răng có chủ trương xây dựng tuyến đường Hậu Tân Phú, từ điểm giáp ranh với ấp Phú Lợi, xã Long Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, đến trung tâm phường Tân Phú, quận Cái Răng. Theo thiết kế, lộ giới rộng 20 m (mặt đường 10m, lề mỗi bên 5m) tráng nhựa, dài 1.400m. Sau khi hoàn thành, tuyến đường sẽ tạo điều kiện cho xe bốn bánh về tới trung tâm phường Tân Phú. Công trình được thực hiện với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”: Nhân dân hiến đất, hoa màu, còn nhà nước đầu tư kinh phí xây dựng đường. Chẳng bao lâu sau khi chủ trương được triển khai ra dân, 100% người dân đã ký thỏa thuận hiến đất cho chính quyền làm đường. Anh Nguyễn Văn Nam, một người dân ở ven tuyến đường này, nói: “Nhà nước mở đường, mình có lợi là được ra mặt tiền, còn nhà nước thì phát triển được hạ tầng, phục vụ sự phát triển chung của quận. Do vậy, khi đường được phóng tuyến, người dân nơi đây đã đốn hạ chẳng tiếc những cây cam, bưởi,... đang trĩu quả. Chỉ mong sao đường nhanh chóng hoàn thành”. Thế nhưng, khi chủ đầu tư tổ chức thi công được lớp cát nền thì công trình tạm ngưng. Đã 3 năm trôi qua công trình không có tiến triển gì mới. Tuyến đường rộng 10m, bây giờ cỏ mọc um tùm chỉ còn lại một lối mòn nhỏ. Ông N.V.D, một người dân khu vực Phú Lễ, phường Tân Phú, cho biết: “Năm 2008, khi thấy tuyến đường được mở, tôi đến mua đất cất nhà để ở, không ngờ đến giờ đường vẫn chưa hoàn thành. Cũng do đường chưa xong nên điện, nước cũng không được đầu tư, chúng tôi phải xài điện, nước “câu đuôi” của các hộ khác, giá cao”.

Cũng nằm trong dự án xây dựng tuyến đường Hậu Tân Phú, trong khi đoạn đường từ ấp Phú Lợi đến trung tâm phường Tân Phú chưa thi công hoàn thành, thì đầu năm 2009, quận Cái Răng tiếp tục vận động nhân dân hiến đất, hoa màu để thực hiện đoạn từ trung tâm phường Tân Phú đến đường Quang Trung (dài 1.400m). Cũng như đoạn đường đã giải phóng mặt bằng trước đó, người dân cũng đồng thuận trong việc hiến đất. Ông Phan Văn Sâm, Chủ tịch UBND phường Tân Phú, cho biết: “Đất đai ở phường Tân Phú bây giờ giá cao lắm cho nên nhiều dự án triển khai bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng rất vất vả. Nhưng khi được phổ biến chủ trương làm đường là người sẵn sàng hiến đất, hoa màu ngay”. Được biết, toàn tuyến Hậu Tân Phú có tổng kinh phí đầu tư hơn 30 tỉ đồng, trong đó, phần đóng góp đất, hoa màu của nhân dân trị giá trên 7,5 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành việc san lấp mặt bằng, đổ một lớp cát thì tuyến đường này cũng tạm ngưng. Theo ông Phan Văn Sâm, việc thi công trì trệ, không đến nơi đến chốn của công trình khiến người dân rất bức xúc, chính quyền địa phương cũng gặp nhiều khó khăn khi phải nhiều lần “giải trình” với nhân dân, đồng thời gây khó cho công tác vận động quần chúng trong thời gian tới. Ông Phan Văn Sâm cho biết: “Theo tôi biết, hiện nay quận đã phân bổ kinh phí đầu tư cho tuyến đường này, các thủ tục liên quan cũng đã cơ bản hoàn thành để công trình thi công trở lại trong quý 1 năm 2010. Hy vọng rằng công trình sẽ được đẩy nhanh tiến độ, nếu không sẽ gây nhiều khó khăn cho địa phương trong việc vận động nhân dân cùng tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng”.

Cũng ở quận Cái Răng, cách nay gần 4 năm, UBND quận và UBND phường Ba Láng cùng các đoàn thể đã tiến hành vận động nhân dân các khu vực 2, 4, 5 hiến đất để xây dựng tuyến đường Hậu Ba Láng. Công trình thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Trong đó, nhân dân hiến đất, quận đầu tư kinh phí xây dựng đường. Tháng 2-2006, công trình được khởi công với lộ giới rộng 20m, chiều dài toàn tuyến là khoảng 3 km, từ sông Cái Răng đến Quốc lộ 61B (tuyến đường Cần Thơ -Vị Thanh). Cũng như nhiều hộ dân tự nguyện hiến đất, hoa màu cho Nhà nước làm đường, ông Trần Thanh Tòng, một người dân ở khu vực 4, phường Ba Láng, nói: “Nghe chính quyền thuyết phục, sau khi làm đường sẽ làm thay đổi diện mạo đô thị, nâng cao đời sống người dân,... nên gia đình tôi đã hiến gần 500 m2 đất, tự đốn cây để giải phóng mặt bằng làm đường”. Thế nhưng, khi thi công được vài trăm mét đường thì công trình tạm ngưng gần 4 năm nay. Nhiều người dân rất bức xúc khi nhìn phần đất của mình hiến giờ cỏ hoang mọc um tùm, đường không ra đường, ruộng không ra ruộng. Ông Trần Thanh Tòng nói: “Tôi đã làm đơn gởi đến chính quyền các cấp để hỏi nguyên nhân vì sao không làm đường trong khi chúng tôi đã hiến đất, nhưng các cơ quan chức năng đều làm ngơ, không trả lời. Phải chăng ở đây có sự tắc trách nào đó?”. Bức xúc trước việc phần đất của gia đình mình hiến làm đường bị bỏ hoang, nhiều người dân nảy sinh ý định “đòi” lại đất đã hiến. Ông H.V.H, một người dân đã hiến đất xây dựng tuyến đường này, nói: “Chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần giải quyết dứt điểm các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành của tuyến đường. Nếu không thực hiện nữa thì trả lời cho dân biết, để dân tận dụng đất đai sản xuất, chứ bỏ đất hoang như hiện nay là quá lãng phí”.

Thời buổi “tấc đất tấc vàng”, hành động hiến đất đai, hoa màu để cùng nhà nước xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, góp phần phát triển kinh tế- xã hội của người dân là nghĩa cử cao đẹp, đáng trân trọng. Thiết nghĩ, UBND quận Cái Răng và các ngành chức năng cần sớm tháo gỡ các khó khăn, tập trung nhân lực, vốn để thực hiện các công trình mà người dân đã hiến đất, hoa màu. Qua đó, xây dựng lòng tin của chính quyền đối với nhân dân, đồng thời sớm hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội ở địa phương.

Bài, ảnh: THỤY KHUÊ

Chia sẻ bài viết