09/01/2014 - 20:10

Thêm thu nhập từ cây chuối

Vùng ngọt hóa Cà Mau có diện tích bờ bao hoang hóa khá lớn, bên cạnh rau màu các loại, nông dân nhiều nơi đã tận dụng trồng chuối xiêm. Tuy là thu nhập phụ, nhưng không ít gia đình nhờ đó đã vượt qua những lúc ngặt nghèo, khốn khó…

* Trồng lại "cây bỏ đi"

 Thương lái thu mua chuối dọc sông Trẹm ở miệt rừng Khánh Thuận, huyện U Minh và Thới Bình (Cà Mau).

Thống kê của ngành chức năng Cà Mau, toàn tỉnh hiện có khoảng 5.000ha trồng chuối xiêm, chủ yếu tại 3 huyện là U Minh, Thới Bình và Trần Văn Thời, sản lượng mỗi năm gần 45.000 tấn trái (năng suất khoảng 10,5 tấn/ha). Nếu nông hộ có khoảng 500 cây chuối khi tới thu hoạch sẽ thu về trên dưới 1 tấn trái, quy ra tiền khoảng 2 triệu đồng.

Len lỏi vô miệt rừng tràm giáp ranh với rừng đặc dụng Vồ Dơi, tôi nghe nhà nông bàn tán rôm rả về chuyện cây chuối. Bà con cho hay, chuối mọc khá nhiều ven bờ bao rừng tràm nhưng do giá trị kinh tế quá thấp nên một thời gian dài, chuối trái, chuối cây chỉ được tận dụng làm thức ăn độn cho gia súc, gia cầm. Không ít hộ còn đốn bỏ chuối để trồng các loại rau màu ngắn ngày hoặc cây lâm nghiệp. Chỉ một số ít giữ lại diện tích chuối để làm nguyên liệu ép chuối khô, làm mứt Tết. Tuy nhiên, từ khi Công ty Cổ phần Vinamit (Bình Dương) mở Trạm thu mua chuối trái tại xã Trần Hợi (huyện Trần Văn Thời), giá chuối tăng dần và ngày càng có nhiều hộ ý thức gầy lại vườn chuối để có thêm nguồn thu.

Trường hợp của hộ ông Nguyễn Văn Hận (ấp 10B, xã Trần Hợi) là một thí dụ. Theo lời kể của ông, cách nay hơn 4 năm, vườn chuối nhà ông gần như bị đốn sạch để xen canh rau màu. Tuy nhiên, chỉ sau một mùa mưa, cạnh những gốc chuối bị đốn nhú bụi chuối non, không lâu sau thì khép tán và xanh um trở lại. Thấy cây chuối có sức sống mạnh mẽ nên ông Hận không bỏ cây chuối nữa. Nhờ vậy, tới mùa chuối trổ buồng, ngay lúc ở xã Trần Hợi có trạm thu mua chuối trái, ông Hận đốn bán, thu về hơn chục triệu đồng. "Sau lần đó, tôi không đốn bỏ chuối nữa mà ra sức "gầy" lại, đến nay đã có trên 700 bụi chuối. Hiện, cứ khoảng 10 - 15 ngày, gia đình tôi bán khoảng 1,2 tấn chuối trái, thu không dưới 1,5 triệu đồng" – ông Hận cho biết.

Còn tại huyện U Minh, chuối xiêm được trồng nhiều trên các bờ bao các xã có rừng, như: Khánh Thuận, Nguyễn Phích, Khánh Lâm, Khánh An…Tùy theo quy mô, người trồng có thể thu về từ 30-50 triệu đồng mỗi năm. Như hộ ông Nguyễn Thành Hiệp (ấp 12, xã Khánh Thuận) có 3.000m bờ bao trồng chuối xiêm. Tính cả tiền bán chuối trái và bắp chuối, mỗi tháng gia đình ông thu về từ vườn chuối mức 5-6 triệu đồng. Ông Hiệp khoe: "Đúng là sức sống cây chuối mãnh liệt thiệt. Hồi đó chê nó giá rẻ mạt, tôi đốn sát gốc vậy mà nó vẫn lên chồi non trở lại. Giờ thì có bao nhiêu bán cũng hết, tôi trồng chuối đến không còn diện tích để cỏ sậy mọc. Cây trái dân dã vậy nhưng thu nhập ổn lắm, lại đỡ công chăm sóc hơn canh tác rau màu".

* Cây chuối góp phần thoát nghèo

Chỉ với khoảng 1.200m bờ bao khuôn hộ rừng tràm dành trồng chuối nhưng nhờ chịu khó lên bờ bao, thu tỉa đều đặn mà hai năm gần đây, gia đình ông Phạm Chí Nhẫn (ấp 14, xã Nguyễn Phích) có nguồn thu kha khá. Ông Nhẫn nhẩm tính, với giá chuối trái hiện tại từ 1.200-1.300 đồng/kg, mỗi tháng tiền bán chuối trái không dưới 4 triệu đồng (chưa tính nguồn thu từ bắp chuối, mỗi bắp 4.000 đồng). "Nhờ có thêm nguồn thu từ cây chuối mà vợ chồng tôi có tiền lo cho thằng nhỏ học xong cao đẳng" – ông Nhẫn tiết lộ.

Gia đình ông Nguyễn Văn Út (hàng xóm ông Nhẫn), nhờ có thêm nguồn thu từ cây chuối mà giờ đây đã thoát nghèo. Trải lòng với chúng tôi, ông Út cho hay gia đình đông con nhưng các con của ông đau ốm triền miên nên luôn trong tình cảnh túng thiếu, nhiều lúc chưa tới mùa gặt lúa đã đi mượn gạo ăn. Từ khi tận dụng khoảng 5 công đất bờ bao trồng chuối xiêm mà mỗi tháng nhà ông có thêm thu nhập trên dưới 2 triệu đồng. "Nguồn thu không nhỏ ấy đủ để trang trải sinh hoạt, lo thuốc thang cho tụi nhỏ. Nhờ đó phần thu nhập từ làm lúa dôi dư, gia đình giờ đã thoát nghèo. Tới đây tôi định thuê thêm đất trống của bà con trong vùng trồng thêm chuối" – ông Út cho biết.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, tỉnh quy hoạch mở rộng diện tích trồng chuối đến năm 2020 là 6.000 ha. Với lợi thế và tiềm năng của Cà Mau, nhất thiết phải xây dựng mô hình vườn chuối thâm canh đạt năng suất 20 tấn/ha trở lên và chất lượng cao hơn, song hành với liên kết tiêu thụ để nâng cao giá trị sản phẩm từ cây chuối, giúp người trồng chuối có thu nhập cao và ổn định hơn.

Theo lời anh Nguyễn Minh Lắm, Chủ tịch UBND xã Khánh Thuận, nhờ chuối có giá giúp nông dân thêm nguồn thu kha khá nên khoảng 3 năm gần đây, diện tích trồng chuối trên địa bàn gia tăng đáng kể. Chuối chủ yếu được trồng trên bờ bao khuôn hộ các lâm phần rừng tràm, sân vườn. Sau khoảng 8 tháng, chuối bắt đầu trổ buồng và vài tháng sau đó thì thu tỉa dần. Nhiều nơi không vướng cống, đập ngăn mặn-giữ ngọt, ghe tải trọng lớn còn chạy tận nơi thu mua, nhiều nhất là thời điểm những tháng gần Tết vì chuối trái được dùng làm chuối sấy, chuối khô hoặc mứt phục vụ tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán. Theo đó, giá chuối cũng nhỉnh hơn so những tháng còn lại.

Theo tính toán đơn giản của nhà nông, cái gì giá ổn, thu nhập khá thì bà con nên trồng. Như cây chuối, giống có sẵn, ít tốn công chăm sóc, chỉ tốn chi phí đầu tư lên bờ bao và khi thu hoạch chịu khó bỏ công đi đốn. "Nếu hộ nào có khoảng 1.000 gốc chuối, mỗi tháng thu nhập không dưới 4 triệu đồng. Ở nông thôn mà có nguồn thu cỡ đó sống nhàn lắm" – anh Nguyễn Minh Lắm, Chủ tịch UBND xã Khánh Thuận chia sẻ.

Bài, ảnh: Minh Tùng

Chia sẻ bài viết