06/10/2009 - 20:49

Chương trình mục tiêu Quốc gia việc làm năm 2009

Thêm cơ hội việc làm cho người lao động

Lớp dạy nghề sửa chữa điện thoại di động miễn phí, do Trường Trung cấp nghề Thới Lai tổ chức, thu hút nhiều lao động nam trong huyện Thới Lai tham gia.

Tháng 9-2009, Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia việc làm (BCĐ CTMTQGVL) TP Cần Thơ đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện Chương trình này ở các địa phương. Tranh thủ sự hỗ trợ của ngành chức năng thành phố, chủ động triển khai các hoạt động, các quận, huyện đã giúp người lao động được học nghề, vay vốn để tạo việc làm tại chỗ, giới thiệu vào làm việc tại các doanh nghiệp... phấn đấu hoàn thành kế hoạch giải quyết việc làm (GQVL) năm 2009, góp phần vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng và TP Cần Thơ nói chung...

* Đẩy mạnh các hoạt động

Từ đầu năm đến nay, quận Bình Thủy đã GQVL cho 4.189 lao động, trong đó, 455 lao động có việc làm thông qua 114 dự án vay vốn, 550 lao động được dạy nghề. Phát huy lợi thế của quận nội ô, có nhiều doanh nghiệp trên địa bàn nên các phường trong quận đã đạt hiệu quả giới thiệu việc làm, như: Bình Thủy, Trà An, Trà Nóc, Thới An Đông...

Đến thăm 2 cơ sở chuyên kinh doanh mua bán thiết bị nông, ngư cơ của anh Vũ Ngọc Sơn và anh Nguyễn Văn Hợp, liền kề nhau, ở khu vực 6, phường Trà Nóc, quận Bình Thủy, có nhiều loại máy móc, thiết bị bày bán ở đây. Hai anh kinh doanh mặt hàng này nhiều năm nay, vốn lưu động khoảng 200 triệu đồng, nhưng đôi khi hụt vốn phải lo chạy tiền để bù vào trả công thợ, mua thiết bị, vật liệu, ốc vít để sửa chữa máy cho khách hàng. Tháng 7-2009, vợ anh Sơn được Hội Phụ nữ phường Trà Nóc xét cho vay 20 triệu đồng vốn (vòng vay 1 năm) từ Quỹ cho vay GQVL, đã giúp anh xở gỡ phần nào khó khăn về vốn, việc kinh doanh được thuận lợi hơn. Anh Sơn bộc bạch: “So với vốn đầu tư, số vốn vay này không nhiều nhưng hỗ trợ chúng tôi trang trải các khoản chi cần thiết, không phải vay vốn lãi cao. Nếu như được Nhà nước hỗ trợ cho vay thêm vốn và thời hạn vay dài hơn, việc kinh doanh sẽ thuận lợi hơn nữa”. Hiện nay, 2 cơ sở kinh doanh này thu hút trên 10 lao động thời vụ, với mức thu nhập bình quân trên 2 triệu đồng/tháng/người.

Còn ở huyện Thới Lai, với thế mạnh có Trường Trung cấp nghề Thới Lai (tiền thân là Trung tâm Dạy nghề Thới Lai), thu hút đa số lao động trong huyện theo học nghề. Nhiều năm qua, huyện Thới Lai luôn về trước kế hoạch công tác dạy nghề. Đối với những nghề trồng trọt, chăn nuôi thú y... người lao động tự tạo việc làm tại chỗ, còn những nghề khác ngành chức năng giới thiệu đến các doanh nghiệp. Mới đây, gần 90 học viên lớp kỹ thuật trang điểm, uốn tóc đã học xong khóa đào tạo 4 tháng, được cấp chứng chỉ nghề sơ cấp. Một số học viên được đơn vị đào tạo là Trung tâm Dạy nghề thẩm mỹ Sài Gòn, chi nhánh Cần Thơ, tiếp nhận đào tạo nâng cao tay nghề; số còn lại được giới thiệu đến các cơ sở làm đẹp để tiếp tục học việc. Theo báo cáo của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Thới Lai, từ đầu năm đến nay, huyện đã mở 17 lớp dạy nghề sơ cấp ngắn hạn, thu hút trên 500 lao động học nghề, giới thiệu việc làm cho 4.672 lao động, đạt trên 80% kế hoạch.

Tuy là huyện mới chia tách, còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, tổ chức nhân sự, nhưng huyện Cờ Đỏ đã có nhiều nỗ lực trong triển khai thực hiện CTMTQGVL. Từ đầu năm đến nay, huyện GQVL cho 2.400 lao động đến các công ty trong và ngoài thành phố; tổ chức 18 lớp dạy nghề sơ cấp miễn phí cho 540 lao động các xã, thị trấn, giải ngân 15 dự án, giúp 58 lao động có việc làm. Theo Phòng LĐ-TB&XH huyện Cờ Đỏ, việc được thành phố hỗ trợ mở các lớp dạy nghề, nguồn vốn vay đã giúp cho huyện đẩy nhanh tiến độ thực hiện chỉ tiêu giải quyết việc làm. Từ nay đến cuối năm 2009, huyện phấn đấu hoàn thành CTMTQGVL.

* Đa dạng hóa hoạt động giải quyết việc làm

Xác định GQVL là một trong những mục tiêu quan trọng đánh giá phát triển kinh tế - xã hội, ngay từ đầu năm, các địa phương đã chủ động tranh thủ sự hỗ trợ của thành phố triển khai thực hiện các hoạt động GQVL đến các xã, phường, thị trấn. Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ, 9 tháng đầu năm 2009, toàn thành phố có trên 36.800 lao động có việc làm, nhiều nhất là do các doanh nghiệp tự phỏng vấn tuyển dụng và từ các trung tâm tư vấn và cung ứng lao động cho các công ty, cơ sở sản xuất. Theo đánh giá của các đơn vị, chất lượng nguồn lao động từng bước được nâng lên để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhà tuyển dụng. Vì vậy, công tác tư vấn, hướng nghiệp phải được chú trọng. Đến nay, các quận, huyện đã giải ngân 346 dự án, với số vốn trên 10,1 tỉ đồng, tạo việc làm tại chỗ cho trên 3.400 lao động. Bên cạnh đó, thành phố đã mở 102 lớp dạy nghề sơ cấp ngắn hạn, thu hút trên 3.000 lao động học nghề. Các nghề đều phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng yêu cầu việc làm theo hướng chuyển dịch lao động ở địa phương. Hầu hết các mô hình sản xuất, kinh doanh đều phát huy được hiệu quả nguồn vốn Quỹ cho vay GQVL, đạt giá trị kinh tế, giúp các gia đình ổn định thu nhập, nâng cao kinh tế gia đình, điển hình như: nuôi cá, tôm, heo thịt, buôn bán nhỏ, cải tạo vườn, nuôi trùn quế, sản xuất nhang điện, lưỡi câu... thu hút nhiều lao động tham gia. Tiến độ thẩm định, giải ngân nhanh, lãi suất ưu đãi... là những điều kiện thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện CTMTQGVL ở các quận, huyện vẫn còn bộc lộ một số hạn chế. Năm nay, nguồn vốn Quỹ cho vay GQVL được giao cho các đoàn thể quản lý nên bước đầu còn nhiều lúng túng, thiếu sót trong các quy trình quản lý, thẩm định, giải ngân và thu hồi vốn. Việc thu hồi vốn một số dự án còn chậm, tỷ lệ nợ quá hạn ở các địa phương khá cao, ngoại trừ quận Bình Thủy là 1,35%, quận Thốt Nốt là 2,18%. Sự phối hợp giữa cán bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội, Phòng LĐ-TB&XH và các đoàn thể từng lúc chưa nhịp nhàng nên hiệu quả công việc chưa cao, cho vay vốn nhưng chưa quan tâm định hướng kỹ thuật sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho người lao động. Theo phản ánh của người lao động, được vay nguồn vốn ưu đãi để làm ăn là rất tốt, thế nhưng nguồn vay quá ít, không đáp ứng yêu cầu vốn của người dân. Hiệu quả GQVL ở một số ngành nghề chưa cao, thiếu nguyên vật liệu, khó tiêu thụ sản phẩm, tiền gia công quá thấp. Việc thống kê và quản lý số lao động được giới thiệu việc làm ở địa phương còn lỏng lẻo, chưa chính xác và sát thực tế...

Theo Phòng Quản lý lao động - việc làm, Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ, thời gian qua, nguồn vốn Quỹ cho vay GQVL của thành phố chủ yếu từ nguồn vốn của Trung ương phân bổ và nguồn vốn thu hồi hàng năm. Năm 2009, vốn Trung ương bố trí 4,5 tỉ đồng (trong đó có 500 triệu đồng dành cho lao động trong vùng quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp ở 3 quận Bình Thủy, Cái Răng và Ô Môn), thành phố phân bổ cho các quận, huyện (400 đến 500 triệu đồng/đơn vị) cùng với nguồn vốn thu hồi khoảng 11 tỉ đồng ở các quận, huyện để phát vay cho các hộ dân.

Được sự quan tâm của Trung ương và thành phố, sau khi kết thúc Đề án “Đào tạo nghề cho lao động ngoại thành và chiến sĩ lực lượng vũ trang xuất ngũ” giai đoạn 2006-2010", thành phố sẽ tiếp tục triển khai “Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” giai đoạn 2011-2020 đến các quận, huyện. Người lao động có thêm điều kiện nâng cao trình độ học vấn, tay nghề và có việc làm phù hợp. Đồng thời, UBND TP Cần Thơ đã quyết định thành lập Quỹ GQVL TP Cần Thơ. Theo đó, hàng năm, thành phố sẽ đưa vốn vào Quỹ này, thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội phát vay cho người dân, sau khi kết hợp cùng các ngành, đoàn thể chức năng thẩm định đối tượng và mô hình vay vốn trong dân. Năm 2009, ngân sách thành phố đã bố trí 2 tỉ đồng vào Quỹ giải quyết việc làm TP Cần Thơ, dành cho các đối tượng trước đây hành nghề chạy xe lôi, xe ba gác vay vốn với mục đích chuyển đổi ngành nghề, tạo việc làm mới, tăng thu nhập gia đình. Để có nguồn vốn vay dồi dào, các quận, huyện tiếp tục vận dụng linh hoạt nguồn vốn đang quản lý, chủ động thực hiện đúng tiến độ thu hồi và giải ngân vốn để sớm giải ngân vốn các dự án mới, từng bước đáp ứng yêu cầu vốn vay cho người dân.

CTMTQGVL đã, đang và sẽ giúp cho các địa phương giải quyết có hiệu quả việc làm cho người lao động, tăng tỷ lệ lao động có việc làm, giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo; góp phần nâng cao đời sống của người dân. Các địa phương cần chủ động đa dạng hóa các hoạt động giải quyết việc làm, nâng cao hiệu quả giải quyết việc làm sau đào tạo nghề, thẩm định và cho vay đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả kinh tế. Đồng thời, các ngành, đơn vị cần có sự kết hợp thường xuyên kiểm tra tiến độ thực hiện CTMTQGVL, để chương trình thật sự đi vào đời sống người lao động.

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết