25/05/2022 - 08:34

Thể thao Việt Nam nhìn từ SEA Games 31 

Ðại hội Thể thao Ðông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) đã khép lại sau 11 ngày tranh tài sôi nổi. Với thể thao Việt Nam, những thành công từ đại hội đã mở ra chương mới, hướng tới những đấu trường lớn hơn tại ASIAD và Olympic.

Nguyễn Thị Oanh (bìa phải) của môn điền kinh và Nguyễn Huy Hoàng (thứ hai từ phải qua) của môn bơi lội được vinh danh tại lễ bế mạc SEA Games 31. Ảnh: VNExpress

Phát biểu tại lễ bế mạc SEA Games 31, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng: “Thành công của SEA Games 31 không chỉ thể hiện ở sự nỗ lực, cố gắng của nước chủ nhà Việt Nam, sự ủng hộ nhiệt thành của các quốc gia trong khu vực, của những tấm huy chương, những kỷ lục mới được xác lập, mà còn là bài ca về tính trung thực, cao thượng, là minh chứng cho một tương lai phát triển tốt đẹp của thể thao khu vực đang từng bước tiếp cận trình độ của châu lục và thế giới”.  Theo ông Nguyễn Văn Hùng, SEA Games 31 thực sự trở thành ngày hội của tình đoàn kết, hữu nghị, đúng như chủ đề của Ðại hội “Vì một Ðông Nam Á mạnh mẽ hơn”.

Nước chủ nhà Việt Nam đã nỗ lực cùng các nước ASEAN đưa SEA Games tiếp cận hệ thống thi đấu các môn thuộc ASIAD và Olympic. Ðây là kỳ đại hội có tỷ lệ môn thi đấu nằm trong các môn Olympic (60%) và ASIAD (85%) cao hơn so với kỳ SEA Games lần trước diễn ra ở Philippines. Tại đại hội này, Ban tổ chức đã trao tổng số 1.759 huy chương các loại, trong đó có 525 HCV, 522 HCB và 712 HCÐ; với 30 kỷ lục SEA Games được xác lập. Trong đó, đoàn thể thao Việt Nam đã đi vào lịch sử của SEA Games với kỷ lục 205 HCV, vượt kỷ lục 194 HCV mà đoàn thể thao Indonesia đã đạt được tại SEA Games Jakarta 1997.

Không chỉ ấn tượng về số lượng, rất nhiều HCV mà các VÐV Việt Nam giành được tại SEA Games 31 đã thể hiện sự tiến bộ vượt bậc về chuyên môn. Ðáng mừng hơn, ở những môn cơ bản hàng đầu trong hệ thống thi đấu Olympic như bơi hay điền kinh, thể thao Việt Nam một lần nữa có được những thành tích hơn cả mong đợi. Kết thúc SEA Games 31, đội điền kinh Việt Nam giữ vị trí số 1, với thành tích xuất sắc gồm 22 HCV, 15 HCB và 8 HCÐ, vượt xa thành tích 12 HCV của đoàn xếp tiếp theo là Thái Lan. Trong khi đó, các VÐV ở môn bơi đã gây bất ngờ lớn với việc đem về 11 HCV (chỉ tiêu là 6-8 HCV). Kình ngư Nguyễn Huy Hoàng là một trong những VÐV giành được nhiều HCV nhất tại SEA Games 31 với 5 HCV và thiết lập kỷ lục mới ở nội dung 400m tự do nam.

Hàng loạt các môn thể thao có mặt trong chương trình Olympic cũng đã đóng góp nhiều thành tích rất ấn tượng cho thể thao Việt Nam trong các cuộc thi đấu tại SEA Games 31. Ví như 7 HCV ở môn bắn súng, 5 HCV ở môn thể dục dụng cụ, 3 HCV và 6 kỷ lục đại hội môn cử tạ, 5 HCV ở môn đấu kiếm, 8 HCV canoeing, 8 HCV rowing, 1 HCV 2 môn phối hợp, 3 HCV môn boxing, 2 HCV bóng ném, 4 HCV môn xe đạp, 1 HCV môn quần vợt, 17 HCV ở môn vật... Theo thống kê, trừ điền kinh và bơi, số HCV các môn Olympic chiếm trên 30% tổng số HCV của thể thao Việt Nam tại SEA Games 31.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên trưởng Ðoàn Thể thao Việt Nam, thẳng thắn cho rằng đấu trường SEA Games rất khác so với ASIAD và Olympic. Những năm qua thể thao Việt Nam vẫn xếp sau Thái Lan, Singapore, Indonesia, Philippines và cả Malaysia khi ra đấu trường châu lục và thế giới. Vì vậy, từ những cuộc tranh tài ở SEA Games, thể thao Việt Nam cần có sự tính toán kỹ lưỡng cho các mục tiêu vươn tầm, chinh phục thành tích ở những đấu trường lớn hơn. Ðặc biệt với các môn võ có mặt trong chương trình thi đấu Olympic (taekwondo, boxing, vật) và ASIAD (wushu, karate, kurash, judo) cần tiếp tục được đầu tư theo trọng tâm, trọng điểm để nâng cao trình độ cho các võ sĩ tiềm năng, tránh sự lãng phí về nguồn lực. Có thể thấy ở nhiều nội dung giành HCV SEA Games, các VÐV của Việt Nam phải cải thiện nhiều để đạt chuẩn Olympic.

Tuy vậy, thành công ở SEA Games mở ra hy vọng, dù mặt bằng chung về trình độ ở khu vực vẫn còn khoảng cách nhất định với các đấu trường lớn hơn.

NGUYỄN MINH

Chia sẻ bài viết