20/01/2019 - 09:29

Thể thao Cần Thơ dừng đầu tư Bi sắt và Billiards ? 

Sau 2 kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc 2014 và 2018 trắng tay và không có thành tích nổi bật kể từ năm 2014 đến nay, môn Bi sắt và Billards Cần Thơ đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ”…

Tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VII năm 2014, Bi sắt Cần Thơ nhận chỉ tiêu 2 HCV, nhưng kết cuộc các bi thủ Cần Thơ chỉ đoạt được 1 HCĐ. Tại Đại hội năm 2018, Bi sắt Cần Thơ hạ chỉ tiêu là đoạt HCB và HCĐ. Thế nhưng, các bi thủ Cần Thơ không giành được tấm huy chương nào. Không chỉ thất bại ở sân chơi toàn quốc, tại Đại hội Thể thao khu vực ĐBSCL gần nhất, Bi sắt Cần Thơ cũng không có HCV. Từng được xem là triển vọng của thể thao Cần Thơ, nhưng từ năm 2014 đến nay, môn Bi sắt không còn giành được thành tích cao, ngay cả những nội dung thế mạnh là đồng đội nữ.

Môn Bi sắt của thể thao Cần Thơ sẽ không còn được đầu tư sau 2 kỳ Đại hội trắng tay.

Cùng với Bi sắt, Billiards cũng trắng tay ở 2 kỳ Đại hội 2014 và 2018. Trong 4 năm qua, Billiards Cần Thơ cũng không có thành tích nổi bật ở đấu trường quốc gia.

Ông Phạm Văn Luận, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, cho biết: Theo kế hoạch định hướng phát triển thể thao thành tích cao sắp tới, Bi sắt và Billards không nằm trong danh sách các môn được đầu tư, bởi thành tích 2 môn thể thao này chỉ giậm chân tại chỗ, không có dấu hiệu khởi sắc trong nhiều năm qua. Hai môn này cũng không giới thiệu được VĐV triển vọng, tiềm năng. Ông Phạm Văn Luận nói: “Ngay cả cạnh tranh ở các giải khu vực ĐBSCL, Bi sắt Cần Thơ cũng không giành được HCV, trong khi VĐV môn Billards thì không ổn định phong độ. Trình độ VĐV các môn không tiến bộ, lực lượng VĐV mỏng mà lại không đào tạo được nhân tố mới thì làm sao chúng tôi mạnh dạn đầu tư tiếp được”.

Phong trào tập luyện Bi sắt ở Cần Thơ có từ năm 2008, với CLB đầu tiên ở quận Bình Thủy. Sau tấm HCB tại Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2010, bộ môn Bi sắt được thành lập một năm sau đó với lực lượng VĐV được đầu tư tuyển chọn ở các tuyến. Từ đó, Bi sắt Cần Thơ bắt đầu góp mặt tại các cuộc tranh tài quốc gia. Có thể nói, giai đoạn từ năm 2011 đến cuối năm 2014, Bi sắt Cần Thơ được xem là đối thủ đáng ngại ở các nội dung đồng đội nữ tại các giải quốc gia. Trong đó, các VĐV trụ cột như Thanh Thảo, Lan Anh còn được triệu tập lên đội tuyển quốc gia, tham dự các giải bi sắt khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, từ năm 2014 đến nay, đội năng khiếu giải tán, không tuyển thêm VĐV, chỉ duy trì đội tuyển với số lượng VĐV đếm trên đầu ngón tay, Bi sắt Cần Thơ bắt đầu sa sút.

Môn Billards với hơn 10 năm thành lập cũng chỉ vỏn vẹn 1 VĐV. Tay cơ Phạm Quốc Nam cứ phải “một người một ngựa” chiến đấu ở các giải ĐBSCL và toàn quốc. Dù rất nỗ lực nhưng Quốc Nam chưa từng bước lên bục thưởng cao nhất ở các giải vô địch quốc gia. Thành công đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của Quốc Nam là vào năm 2010, khi anh lần lượt đoạt HCB giải các tay cơ xuất sắc nhất (nội dung carom 1 băng) và HCĐ giải vô địch quốc gia vòng 1 (nội dung carom 1 băng) và HCĐ vòng chung kết giải vô địch quốc gia năm 2013... Năm 2018 vừa qua, Billiards Cần Thơ không có được tấm huy chương nào ở các giải đấu.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Thể dục thể thao Cần Thơ, cho biết: “Định hướng mới của thể thao thành tích cao Cần Thơ là đầu tư và phát triển những môn có tiềm năng, theo xu hướng chung của quốc gia và quốc tế. Thời gian qua, do đầu tư dàn trải, không tập trung và chưa mạnh tay trong tuyển chọn, đào thải lực lượng, thiếu sự chắt lọc, công tác huấn luyện, đào tạo còn hạn chế, nên thể thao Cần Thơ chưa có thành tích nổi bật. Chúng tôi đang tiến hành kế hoạch kiện toàn lại các môn thể thao, trong đó sẽ không giữ những môn không triển vọng, không có thành tích đáng kể ở các đấu trường lớn. Các môn này sẽ chuyển sang xã hội hóa, duy trì phong trào tập luyện, nếu có VĐV tài năng đi thi đấu đạt thành tích cao vẫn được khen thưởng”.

Bài, ảnh: AN CHI

 

Chia sẻ bài viết