17/02/2019 - 11:31

Thể thao Cần Thơ – Cần sự quyết tâm 

Nhiều năm trước, thể thao Cần Thơ thiếu sự tập trung đầu tư cho những môn trọng điểm trong hệ thống thi đấu Olympic, thay vào đó là những môn thế mạnh truyền thống, dẫn đến hụt hẫng lực lượng kế thừa trong các cuộc tranh tài lớn. Thực trạng này là nỗi trăn trở với những người làm thể thao Cần Thơ, nhưng việc thay đổi khó có kết quả trong một sớm một chiều...

Vovinam là thế mạnh của thể thao Cần Thơ nhưng đang gặp khó do cơ cấu lại hệ thống thi đấu tại Đại hội thể thao toàn quốc. Ảnh: CTV

Tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần VIII năm 2018 vừa qua, chỉ có khoảng 5 môn thể thao của Cần Thơ đủ sức cạnh tranh HCV trong số 19 môn tham dự; VĐV Cần Thơ góp mặt trong các đội thể thao quốc gia tranh tài ở SEA Games, Asiad chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn ở đấu trường Olympic thì gần như vắng bóng.

Theo chia sẻ của ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao (TDTT), tại Đại hội Thể thao toàn quốc năm ngoái, phương thức tổ chức các môn thi đấu đã có sự thay đổi lớn, tiệm cận hơn với cách thức tổ chức các cuộc tranh tài quốc tế, như Đại hội Thể thao thế giới (Olympic). Hay nói cách khác, đại hội thể thao quốc gia chỉ tổ chức những môn thi đấu đã được chuẩn hóa rõ ràng về cách chấm điểm, thắng – thua, hạn chế tối đa những môn hay nội dung thi đấu còn nặng cảm tính. Với điều lệ mới của Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2018, thể thao Cần Thơ lập tức bị ảnh hưởng, bởi thế mạnh lâu nay là những môn võ thuật và truyền thống. Đó là việc môn Vovinam cắt giảm hơn một nửa nội dung thi đấu, hay không tổ chức môn đua thuyền rồng. Theo phân tích của ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm TDTT TP Cần Thơ, do việc cắt giảm này, thể thao Cần Thơ không thể giành được số HCV như năm 2014, dẫn tới kết quả không nằm trong tốp 10 tại Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2018. Nếu muốn thành tích vượt lên, thể thao Cần Thơ phải có sự đầu tư trọng điểm, quy hoạch lại các nội dung, làm lại công tác đào tạo từ trường năng khiếu, củng cố lại lực lượng HLV...

Nhìn lại thể thao Cần Thơ trong năm qua cũng có một số thành tích nổi bật, những VĐV tài năng vẫn giữ được thành tích ổn định tại các giải quốc tế. Ví như môn Cờ vua, kỳ thủ Nguyễn Ngọc Trường Sơn giành được những huy chương vàng quốc tế, với những nỗ lực bền bỉ. Tại đấu trường châu Á, một môn còn khá mới như Cầu mây, Cần Thơ vẫn có đóng góp VĐV vào đội tuyển quốc gia giành HCB; hay Karatedo cũng có VĐV của Cần Thơ giành được HCĐ ở các nội dung đồng đội. Tuy nhiên, những môn thể thao “nữ hoàng” như Điền kinh, Bơi lội hiệu quả chưa cao dù đang được củng cố lại. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, sắp tới Trung tâm TDTT TP Cần Thơ phải nỗ lực vực dậy hai môn này, bởi đây là hai mũi nhọn trong đề án phát triển 13 môn trọng điểm của thể thao Cần Thơ. Hiện tại, thể thao Cần Thơ đã phân kỳ đầu tư 6 môn mũi nhọn, nhanh nhất cũng phải 4-6 năm mới có VĐV đủ sức tranh chấp huy chương toàn quốc. Thực tế, từ sau năm 2014, thể thao Cần Thơ đã muốn làm lại, tích cực mời các HLV, chuyên gia giỏi về đào tạo VĐV, nhưng nhiều môn cũng chưa thành công. Cơ bản là một số VĐV còn trẻ, có thể sẽ tấn lên ở kỳ đại hội sau.

Việc cấp thiết hiện nay của thể thao Cần Thơ, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, là đánh giá lại toàn diện các VĐV để xem ai còn khả năng tranh chấp huy chương tiếp tục đầu tư, hoặc hướng cho đi học nếu không còn khả năng tiến bộ. Thứ hai là rà soát lại lực lượng HLV nhằm sắp xếp công tác huấn luyện phù hợp. Thứ ba là đầu tư hiệu quả ngay từ khi tuyển chọn VĐV năng khiếu. Việc đi tìm VĐV rất khó, nên phải chọn “hạt giống” cho tốt thì mới có thể phát triển tốt. Quan trọng hơn, thể thao Cần Thơ sẽ tập trung đầu tư vào những môn phù hợp với tố chất người Cần Thơ. Ví như, môn Điền kinh, cần đầu tư vào các nhóm nội dung thế mạnh như nhảy, đẩy, ném... chứ không thể đầu tư vào marathon hay cự ly dài, rất khó cạnh tranh. “Nhiệm vụ của các nhà chuyên môn hiện tại là phải làm thôi”, ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.

NGUYỄN MINH

Chia sẻ bài viết