24/01/2020 - 14:38

Thế giới trong xu hướng tiêu dùng "xanh" 

Khi nhận thức bảo vệ môi trường nâng cao, người tiêu dùng trên thế giới ngày càng chú trọng yếu tố xanh-bền vững khi mua sắm và sử dụng hàng hóa. Đáp lại thị hiếu và thu hút khách hàng, nhiều công ty cũng dần cải tiến sản xuất và tái chế nguồn nguyên liệu nhằm giảm chất thải và tác động đến môi trường.

“Chủ nghĩa tiêu dùng xanh” trỗi dậy

Đồ nội thất tái chế là một phần của mô hình sản xuất trong nền kinh tế sinh học tuần hoàn. Ảnh: Ikea

Khi Trái đất đang trong tình trạng khẩn cấp với mực nước biển dâng cao, các nguồn tài nguyên thiên nhiên suy giảm và nhiệt độ toàn cầu gia tăng, “chủ nghĩa tiêu dùng xanh” nổi lên rõ rệt.

Theo Báo cáo xu hướng tiêu dùng giấy và bao bì năm 2019, phần lớn người tiêu dùng lưu tâm đến tính bền vững trong thói quen chi tiêu của mình, sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho thực phẩm được đóng gói bằng vật liệu thân thiện môi trường, thậm chí, thế hệ Millennial (những người chào đời khoảng năm 1980-2000) đồng ý trả nhiều hơn 10%. Khảo sát của hãng Nielsen cho thấy 66% người tiêu dùng sẵn sàng chi thêm tiền cho sản phẩm đến từ một thương hiệu quan tâm môi trường, so với chỉ 22% của năm 2011. Có tới 73% số người thuộc thế hệ Millennial ủng hộ xu hướng này và con số đó đang tiếp tục tăng.

Không chỉ bày tỏ quan điểm qua các cuộc khảo sát, người tiêu dùng còn thể hiện tâm ý bảo vệ Trái đất qua hành động, cụ thể hóa bằng sự tăng trưởng của thị trường hàng hóa “xanh”. Báo cáo phát triển bền vững doanh nghiệp toàn cầu của Nielsen năm ngoái cho biết doanh số bán hàng của các thương hiệu cam kết ưu tiên tính bền vững tăng gấp 4 lần so với những đối thủ không có cam kết này.

Trung tâm Kinh doanh bền vững (CSB) của Đại học New York (Mỹ) đã phân tích dữ liệu mua hàng trên doanh số của hơn 71.000 sản phẩm trong 36 loại hàng hóa tiêu dùng khác nhau. Các mặt hàng được coi là ổn định trên thị trường nếu chúng được quảng cáo với một số tiêu chí nhất định, như không biến đổi gien, có nguồn gốc thực vật hoặc được chứng nhận thân thiện môi trường bởi các tổ chức uy tín như Fair Trade hoặc Rainforest Alliance - tổ chức phi chính phủ thúc đẩy bảo tồn đa dạng sinh học và đảm bảo sinh kế bền vững. CSB nhận thấy những mặt hàng này có doanh số tăng trưởng 50% trong giai đoạn 2013-2018, dù thực tế chúng chiếm chưa tới 17% thị phần. Báo cáo công bố năm 2019 còn cho thấy qua 5 năm theo dõi, doanh số bán các sản phẩm được gắn mác “xanh” tăng nhanh hơn 5,6 lần so với các sản phẩm thông thường.

Ngành sản xuất: cạnh tranh song hành cùng trách nhiệm

Doanh nghiệp cần làm gì để đáp ứng lượng người tiêu dùng “xanh” ngày càng tăng? Theo CSB, điều đầu tiên mà các công ty nên làm là cho khách hàng biết rằng luôn có sẵn sản phẩm bền vững thay cho hàng hóa thông thường, tiếp đến là phải nỗ lực loại bỏ sự ngờ vực về tính chân thực của các sản phẩm “xanh” và chất lượng của chúng, nếu không tốt hơn thì ít nhất phải bằng sản phẩm thông thường. “Các lãnh đạo doanh nghiệp cần hiểu rằng thị hiếu của người tiêu dùng thực sự đang thay đổi và nếu họ không bắt đầu thay đổi cách tiếp cận, công ty sẽ mất thị phần” – Giám đốc CSB Tensie Whelan khẳng định với tạp chí Fortune.

Thực tế cho thấy, nỗi lo biến đổi khí hậu và sự cạnh tranh thu hút người tiêu dùng “xanh” ngày càng tăng đã thôi thúc toàn bộ ngành sản xuất thay đổi. Họ không chỉ tạo ra hàng loạt sản phẩm thay thế đồ dùng một lần như túi giấy, ống hút giấy/tre/thủy tinh, ly và hộp đựng thực phẩm có khả năng phân hủy sinh học... mà còn mở rộng ý tưởng “xanh” hóa mọi vật dụng gắn liền với đời sống như dụng cụ ăn uống từ lúa mạch/bã mía, quần áo từ sợi tre/tơ sen, xà phòng thảo dược...

Dù vậy, theo nhà nghiên cứu Meaghan Guckian tại Đại học Massachusetts (Mỹ), xu hướng mua sắm “xanh” không đủ để thúc đẩy phát triển bền vững, bởi mọi người cần tiêu thụ ít hơn để giảm gánh nặng môi trường và cho phép phân phối đồng đều các nguồn tài nguyên hạn chế. Vấn đề chính là chúng ta vẫn đang mua và xài quá nhiều. Hiệp hội Liên Hiệp Quốc ước tính rằng người tiêu dùng trung bình mua quần áo nhiều hơn 60% so với 15 năm trước, nhưng chúng chỉ tồn tại một nửa thời gian sử dụng. Tình trạng tương tự cũng xảy ra trong một số ngành công nghiệp khác như điện tử - mua nhiều hơn và dùng ít hơn, hầu hết không được tái chế hoặc tái sử dụng mà kết thúc ở bãi rác và chúng ta lại khai thác thêm tài nguyên để sản xuất.

Dụng cụ ăn uống thân thiện môi trường phổ biến tại Việt Nam. Ảnh: The Organik House

Nhận thức được điều đó, nhiều công ty đang nỗ lực kết hợp “kinh tế tuần hoàn” với “kinh tế sinh học” tạo ra “kinh tế sinh học tuần hoàn” - thuật ngữ chỉ một quy trình sản xuất bền vững gồm tận dụng các vật liệu có thể phân hủy và tái chế, dẫn đến ít lãng phí và sử dụng thông minh hơn nguồn vật liệu tái tạo.

Ngành thời trang – một trong những lĩnh vực sản xuất hao tốn năng lượng và phát thải khí nhà kính nhiều nhất thế giới - đang thay đổi theo xu hướng đó nhằm góp phần giảm bớt căng thẳng liên quan đến môi trường và khí hậu. Các thương hiệu thời trang lớn như Nike cam kết sử dụng 100% năng lượng tái tạo tại các nhà máy vào năm 2025, Adidas sẽ tăng gấp đôi số lượng giày làm từ nhựa tái chế kể từ năm 2019. Zara cũng cam kết hạn chế sản xuất gây tác hại đến môi trường, đó là đến năm 2025 chỉ sử dụng bông, vải lanh và polyester hữu cơ hoặc tái chế để làm quần áo; Wrangler thì phát triển một quy trình sản xuất denim mới giúp giảm tiêu thụ nước, trong khi thương hiệu jeans Levi’s cũng đã tìm ra công nghệ sản xuất tốn ít nước hơn và loại bỏ chất độc với nguồn nước. Đáng chú ý trong những cái tên cam kết thời trang bền vững là H&M – hãng thời trang nhanh vốn không ngừng đổi mới mẫu mã, tiết kiệm chất liệu để tạo ưu thế về giá thành. Ông Iñigo Sáenz Maestre – đại diện H&M cho biết, 35% sản phẩm của hãng hiện được sản xuất bằng nguyên liệu tái chế và mục tiêu mà H&M đề ra là tới năm 2030 sẽ chỉ dùng loại nguyên liệu này. 

Thích ứng với xu thế sản xuất bền vững còn có tên những “ông lớn” như BMW với mẫu ô tô điện i3 được sản xuất theo quy trình tiết kiệm 50% năng lượng và 70% nước so với thông thường, nhiều bộ phận làm từ chai nhựa và đặc biệt là 95% kết cấu xe có thể tái chế sau khi hết hạn dùng. “Ông trùm” ngành thiết kế nội thất  Ikea cam kết “xóa sổ” nhựa sử dụng một lần vào năm 2020 và đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ giảm trung bình 70% tác động khí hậu tổng thể trên mỗi sản phẩm. Chiến lược phát triển theo hướng thân thiện với môi trường của tập đoàn này còn bao gồm chính sách cho thuê và tái chế đồ nội thất trên quy mô toàn cầu.

THANH TRÚC

Chia sẻ bài viết