TRÍ VĂN (Tổng hợp)
Trong buổi trình bày tóm tắt chính sách mới với tiêu đề “Chương trình nghị sự mới vì hòa bình” hôm 20-7, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres (ảnh) nói rằng thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh đã đi qua và thế giới đang tiến tới một kỷ nguyên đa cực mới được đánh dấu bằng những căng thẳng địa chính trị và cạnh tranh quyền lực lớn nhất trong nhiều thập niên. Ông Guterres cảnh báo rằng những chia rẽ này đang làm suy yếu nền tảng của LHQ, nơi tất cả các quốc gia cùng hợp tác để giải quyết các thách thức toàn cầu.

Người đứng đầu LHQ chỉ ra một loạt thách thức, gồm các cuộc xung đột ngày càng phức tạp và nguy hiểm hơn; việc tái xuất hiện những lo ngại về nguy cơ nổ ra chiến tranh hạt nhân; tình trạng bất bình đẳng gia tăng trong và giữa các quốc gia; chủ nghĩa khủng bố lan rộng; tình trạng khẩn cấp về khí hậu; sự mất lòng tin vào các tổ chức công cũng như vấn nạn lạm dụng nhân quyền trên toàn cầu. Ông Guterres cho rằng “chiến dịch quân sự đặc biệt” do Nga phát động tại Ukraine hồi tháng 2 năm ngoái khiến cho việc giải quyết những thách thức này càng trở nên khó khăn hơn. Ông nhấn mạnh, nếu mọi nước thực hiện nghĩa vụ theo Hiến chương LHQ, gồm tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia, thì “quyền hòa bình sẽ được đảm bảo”.
Ông Guterres cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì chủ nghĩa đa phương. “Trong thế giới đầy rạn nứt và rắc rối này, các nước có trách nhiệm bảo tồn thể chế phổ quát. Thời điểm để chúng ta hành động không phải là khi sự chia rẽ và rạn nứt đã nhấn chìm chúng ta mà giờ là lúc để chúng ta hành động” - Tổng Thư ký LHQ nhấn mạnh.
Một trong những lĩnh vực quan trọng mà “Chương trình nghị sự mới vì hòa bình” của ông Guterres hướng tới là hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ. Theo ông, mặc dù lực lượng gìn giữ hòa bình đã cứu sống hàng triệu người nhưng nhiều cuộc xung đột kéo dài chưa được giải quyết do các yếu tố phức tạp trong nước, địa chính trị và xuyên quốc gia thúc đẩy, cùng những hạn chế dai dẳng giữa nhiệm vụ và nguồn lực của lực lượng này. Do đó, ông Guterres thúc giục các nước hướng tới mô hình gìn giữ hòa bình “linh hoạt, dễ thích nghi” đi kèm “chiến lược rút lui”, đồng thời ủng hộ “hành động thực thi hòa bình của các tổ chức khu vực” được Hội đồng Bảo an LHQ ủy quyền, được các thành viên LHQ tài trợ cũng như được các tổ chức chính trị hỗ trợ. “Các hoạt động gìn giữ hòa bình không thể thành công khi không có hòa bình để gìn giữ cũng như không đạt được mục tiêu đặt ra nếu không có các nhiệm vụ rõ ràng, ưu tiên và thực tế từ Hội đồng Bảo an LHQ” - ông Guterres nói.
Ông Guterres cũng kêu gọi triển khai các biện pháp mạnh mẽ nhằm ngăn chặn xung đột ở cấp toàn cầu và giải quyết sự chia rẽ chính trị; ưu tiên ngoại giao và đầu tư vào cấu trúc an ninh khu vực; ngăn chặn tình trạng vũ khí hóa các lĩnh vực và công nghệ mới nổi đồng thời thúc đẩy đổi mới có trách nhiệm, trong đó lưu tâm đến nhu cầu quản trị toàn cầu để giải quyết các mối đe dọa do công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo hay hệ thống vũ khí tự hành gây ra.
Ngoài ra, ông Guterres cũng giới thiệu tóm tắt về Chuyển đổi giáo dục và mô hình LHQ 2.0 nhằm cải thiện hệ thống giáo dục và hiện đại hóa LHQ để hỗ trợ Chương trình nghị sự vì sự phát triển bền vững 2030; kêu gọi cải cách khẩn cấp đối với Hội đồng Bảo an LHQ, Ðại hội đồng LHQ, bộ máy giải trừ quân bị LHQ cũng như Ủy ban Xây dựng Hòa bình LHQ để tăng cường an ninh tập thể.
Chương trình trên là một phần trong loạt đề xuất mà ông Guterres đưa ra trước “Hội nghị thượng đỉnh về tương lai” của LHQ dự kiến diễn ra vào năm tới.
“Chương trình nghị sự vì hòa bình” lần đầu được Cố Tổng thư ký LHQ Boutros Boutros-Ghali trình bày hồi năm 1992 sau khi Liên Xô tan rã và Chiến tranh Lạnh kết thúc, trong đó hoan nghênh việc chấm dứt “sự thù địch và ngờ vực” giữa các siêu cường, đồng thời vạch ra cách LHQ có thể thúc đẩy ngoại giao phòng ngừa, gìn giữ và xây dựng hòa bình. Richard Gowan, giám đốc Nhóm Khủng hoảng Quốc tế thuộc LHQ, cho biết chương trình này đã là chính sách cơ bản của LHQ trong 3 thập niên qua nhưng “Chương trình nghị sự mới vì hòa bình” của ông Guterres lại nhấn mạnh rằng “động lực cho chủ nghĩa đa phương mới phải là ngoại giao”.
Theo Hãng tin AP, sau phần trình bày của Tổng Thư ký Guterres, nhiều nước đã bày tỏ phản ứng tích cực. Song, Ai Cập cho biết một số đề xuất của chương trình là quá tham vọng, trong khi Nga cảnh báo chương trình không nên can thiệp vào công việc nội bộ của Mát-xcơ-va.
Ông Guterres công bố phác thảo “Chương trình nghị sự mới vì hòa bình” trước các nhà ngoại giao từ 193 quốc gia thành viên LHQ trong bối cảnh Hội đồng Bảo an vài tuần trước đó đã kết thúc sứ mệnh của Phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ tại Mali (MINUSMA) kéo dài hàng thập kỷ. Ðộng thái này diễn ra sau khi chính quyền quân sự ở Mali bất ngờ yêu cầu phái bộ hùng hậu hơn 15.000 người rút khỏi nước này, với lý do MINUSMA không đáp ứng được những thách thức an ninh liên quan các nhóm khủng bố. Ðáng nói, Mali đã nhờ cậy nhóm quân sự tư nhân Wagner của Nga sang giúp chống phiến quân Hồi giáo. |