Thầy Phan Văn Mãi (45 tuổi), giáo viên Trường Tiểu học Trinh Phú 3 (xã Trinh Phú, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) đã tự nguyện hiến 1.700m2 đất để xây dựng trường và thực hiện nhiều chương trình tiếp sức học sinh đến trường.

Thầy Mãi (bìa trái) trao xe điện vận động được cho học sinh khuyết tật.
Hiến đất cất nhà để xây trường
Thầy Mãi sinh ra trong một gia đình nông dân, tuy không mấy khá giả nhưng cha mẹ thầy luôn gắng sức làm lụng để lo cho các con ăn học thành tài. Chứng kiến những khó khăn mà nhiều bạn cùng trang lứa khi đó phải bỏ học khiến thầy Mãi càng ước mong theo đuổi nghề giáo. Năm 2000, thầy Mãi tốt nghiệp Trường Thực hành Sư phạm Sóc Trăng rồi xin về công tác tại quê nhà để mong muốn giúp đỡ các em học sinh nghèo. Sau đó, thầy được phân công giảng dạy tại điểm lẻ ở ấp 3 thuộc Trường Tiểu học Trinh Phú 3 cho đến nay.
Năm 2009, cơ sở vật chất của Trường Tiểu học Trinh Phú 3 xuống cấp trầm trọng. Lãnh đạo ngành Giáo dục tỉnh cũng đã trao đổi với Trường tìm quỹ đất, vận động người dân hiến đất để xây dựng ngôi trường mới. Tuy nhiên vấn đề này lại gặp khó do tại điểm trường cũ, chủ đất không đồng ý hiến mà chỉ muốn bán lại với giá khá cao, cũng có một số người hứa hiến đất nhưng rồi đổi ý. Trước những khó khăn đó, nếu không có đất để xây trường mới, ngành Giáo dục sẽ bố trí nguồn kinh phí này cho nơi khác, trong khi ngôi Trường Tiểu học Trinh Phú 3 đang xuống cấp trầm trọng. Không muốn để học sinh tại địa phương phải chịu thiệt thòi, thầy Mãi quyết định vận động gia đình hiến đất để xây dựng phòng học mới.
Sau thời gian thuyết phục, gia đình thầy đồng thuận hiến khoảng 700m2 đất đang bơm cát để cất nhà cho ngành Giáo dục xây trường học. “Ðất hiến là đất mặt tiền, nên khi tặng rồi nhà tôi cũng mất mặt tiền. Nhưng nhà ở đâu cũng được, còn học sinh nếu không có nơi học thì tội các em lắm. Việc học ở điểm vùng sâu, vùng xa đã khó khăn, giờ không chỗ nơi để dạy, sợ nhiều em phải bỏ học” - thầy Mãi tâm sự.
Năm 2012, thầy Mãi tiếp tục hiến hơn 1.000m2 đất, tăng tổng diện tích đất hiến xây dựng trường lên đến 1.700m2. Hiện tại, trên phần đất hiến tặng của thầy Mãi đã xây dựng 5 phòng học kiên cố, đáp ứng cho nhu cầu học tập của học sinh ở địa phương. Thầy Mãi cho biết: “Khi trường được xây dựng và mở rộng, nhiều vùng lân cận đã có nhìn nhận khác với điểm Trường Tiểu học Trinh Phú 3 và xin cho con em đến đây học tập, bởi cơ sở vật chất đã khang trang, chất lượng giáo dục cũng được nâng lên”.
Năm 2019, thầy Mãi lại tiếp tục ra sức vận động xây dựng lại phòng học dành cho trẻ mầm non trong điểm Trường Tiểu học Trinh Phú 3. Nhờ sự kiên trì vận động, thầy nhận được sự hỗ trợ từ nhóm thiện nguyện ở TP Hồ Chí Minh. Sau đó, thầy còn vận động tiếp tục được 48 bộ bàn ghế mới thay cho bàn ghế cũ xuống cấp.
“Ðiểm lẻ ở ấp 3 của Trường Tiểu học Trinh Phú 3 có 1 lớp mẫu giáo. Khu vực này tiếp giáp của 3 xã Trinh Phú, Xuân Hòa và Ba Trinh nên trẻ đến tuổi học mẫu giáo phải di chuyển rất xa mới đến điểm học, do đó ngành Giáo dục quyết định cho mở 1 lớp mẫu giáo học cùng tiểu học. Nhưng phòng xuống cấp nhiều, may thay đã vận động được gần 200 triệu đồng xây dựng phòng học cho các em” - thầy Mãi kể.
Hiện do nhu cầu tiếp tục xây dựng thêm phòng học tin học của trường, đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới, nhà trường đã vận động gia đình hiến thêm 100m2 đất để đủ diện tích xây dựng thêm 2 phòng học và đã được thầy đồng thuận.
Làm bảo vệ, nhân viên vệ sinh không công
Một điều khiến người dân địa phương, phụ huynh thêm khâm phục là vợ chồng thầy Mãi sẵn lòng trở thành bảo vệ, ngày ngày quét dọn, chùi rửa nhà vệ sinh để giữ khuôn viên, trường lớp luôn sạch đẹp… Những thiết bị của trường bị hư hỏng, thầy cũng tự tay sửa chữa, thay mới. “Vợ tôi cũng làm giáo viên dạy tại Trường Tiểu học Trinh Phú 3. Những việc làm từ hiến đất đến làm bảo vệ không công cho trường, vợ chồng đều đồng lòng” - thầy Mãi cho biết.
Một nghĩa cử khác của thầy Mãi đã khiến nhiều người thêm khâm phục là việc thầy đồng hành cùng em Trà Văn Phương, học lớp 7A4, Trường THCS Xuân Hòa từ lớp 2 cho đến nay. Thầy Mãi đã vận động hỗ trợ phương tiện đi lại, chi phí học tập cho em Phương, tạo động lực để Phương học tốt.
“Phương bị khuyết tật bẩm sinh. Mẹ bỏ rơi khi mới 2 tháng tuổi, cha đi làm thuê kiếm sống nên Phương sống cùng ông bà nội. Từ lúc biết hoàn cảnh em khi học lớp do vợ tôi làm chủ nhiệm, tôi đã quyết tâm phải đồng hành cùng em trong việc học, bởi nếu không có điểm tựa, sợ em không có đủ tinh thần tiếp tục con đường học tập. Hiện tôi còn kết nối với giáo viên cấp 2 để tiếp tục hỗ trợ hết sức cho em” - thầy Mãi nói.
Thời gian qua, thầy Mãi còn thành lập nhóm Zalo giáo viên toàn quốc để kết nối, kêu gọi, vận động sự đóng góp của đồng nghiệp giúp đỡ các em học sinh và đồng nghiệp có hoàn cảnh khó khăn. Cụ thể, nhóm đã kịp thời hỗ trợ 27 triệu đồng giúp em Nguyễn Minh Ðặng, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Lâm Tân 1 (huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng) trị bệnh hiểm nghèo để tiếp tục đến lớp. Ngoài ra, còn ủng hộ đồng nghiệp có gia cảnh khó khăn và bệnh hiểm nghèo 6 triệu đồng.
“Tôi luôn tâm niệm là một giáo viên, ngoài việc dạy học phải luôn có trái tim nhân ái và tấm lòng nhân hậu, yêu thương, giúp đỡ mọi người, nhất là học sinh của mình. Thông qua những việc làm ấy cũng chính là góp phần giáo dục đạo đức cho các em” - thầy Mãi chia sẻ.
Hiện nay, điều làm thầy Mãi vui nhất không chỉ sự đồng hành của vợ trong giảng dạy, thiện nguyện mà con lớn của thầy hiện đang học năm cuối ngành Sư phạm Trường Ðại học Cần Thơ, đang có tâm nguyện trở về quê cùng cha mẹ dạy học và giúp đỡ các em học sinh khó khăn.
Với những đóng góp cho ngành Giáo dục và cộng đồng, thầy Mãi được nhận nhiều bằng khen của Bộ Giáo dục và Ðào tạo, giấy khen của Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Sóc Trăng và UBND huyện Kế Sách. Năm 2022, thầy được vinh danh là 1 trong 400 nhà giáo tiêu biểu toàn quốc, nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (1982-2022), được Bộ Giáo dục và Ðào tạo tặng bằng khen. Thầy đang được đề nghị tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.