Kinh tế số là một trong 3 trụ cột để chuyển đổi số quốc gia (Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số). Tính đến quý II-2023, kinh tế số chiếm 14,96% GDP. Mục tiêu đặt ra đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP và đến năm 2030 chiếm 30% GDP. Theo nhận định của các chuyên gia, đây là mục tiêu cao và rất nhiều thách thức, đòi hỏi Việt Nam cần thay đổi tư duy tiếp cận, cùng với các giải pháp đột phá mới có thể đạt được.
Tạo động lực phát triển
Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), tỷ lệ đóng góp của kinh tế số trong GDP trong 3 năm qua tăng. Năm 2021, kinh tế số chiếm 11,91% GDP; đến năm 2022, tỷ lệ này là 14,26% và tính đến quý II-2023, kinh tế số chiếm 14,96% GDP. Mục tiêu năm 2023, kinh tế số chiếm 15,5% GDP và năm 2024, tỷ trọng này nâng lên 17,5%.
Công ty CP May Tây Đô ứng dụng hệ thống dây chuyền treo tự động để nâng cao năng suất lao động. Ảnh: M.THANH
Các chuyên gia cho rằng, mục tiêu tỷ trọng kinh tế số đến năm 2025 chiếm 20% GDP và 30% vào năm 2030 đặt ra rất nhiều thách thức. Bởi phát triển kinh tế số cần phải xây dựng và hoàn thiện môi trường thể chế, pháp lý; môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch để thu hút các nhà đầu tư công nghệ phát triển nền tảng số, công nghệ thông tin, nhân lực số…
Còn theo báo cáo thường niên kinh tế số e-Conomy SEA do Google, Temasek và Bain & Company công bố, nền kinh tế số của Việt Nam đạt 13 tỉ USD năm 2019; đến năm 2022 đạt 23 tỉ USD, tăng 28% so với năm 2021 và đang hướng đến đạt 49 tỉ USD vào năm 2025. Đây là mức tăng trưởng dẫn đầu khu vực Đông Nam Á nhờ vào sự đột phá của ngành thương mại điện tử, với 14 tỉ USD năm 2022, tăng 26% so với năm 2021 (năm 2021, thương mại điện tử đạt 11 tỉ USD; năm 2019 chỉ 5 tỉ USD). Dự báo đến năm 2025, thương mại điện tử đạt 32 tỉ USD. Ngành thương mại điện tử đã trở thành ngành hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài; tiếp đến là dịch vụ truyền thông trực tuyến.
Một số dự báo cho rằng, đến năm 2025, Việt Nam chiếm khoảng 18,6% giá trị thị trường kinh tế số khu vực Đông Nam Á. Theo báo cáo thường niên kinh tế số e-Conomy SEA do Google, Temasek và Bain & Company, năm 2022 Việt Nam có hơn 1.400 doanh nghiệp (DN) công nghệ số có doanh thu từ thị trường nước ngoài, tăng gần 20% so với năm 2021. Còn theo một số dự báo của các tổ chức khác thì công nghiệp công nghệ số là trụ cột mới của nền kinh tế số Việt Nam. Năm 2022, doanh thu công nghiệp công nghệ số đạt khoảng 148 tỉ USD, tăng hơn 10% so với năm 2021, với khoảng 7.000 DN.
Theo giới chuyên gia, các lĩnh vực có tiềm năng phát triển mạnh thời gian tới là thương mại điện tử, thông tin truyền thông… Kinh tế số có thể tăng trưởng nhanh thời gian tới từ các chính sách ưu tiên, quyết tâm của Chính phủ cho chuyển đổi số quốc gia; Việt Nam có lực lượng lao động trẻ, năng động tiếp cận kỹ năng số; ngành công nghiệp phần mềm tăng trưởng mạnh; các ngành kinh tế nền tảng có sự phát triển nhanh tích cực… Vấn đề nữa là Việt Nam cần đẩy mạnh hơn cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút nguồn lực đầu tư từ bên ngoài với tiềm lực lớn để thúc đẩy kinh tế số.
Cần đột phá trong tư duy và chính sách
Tại Diễn đàn quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số lần thứ I vào tháng 9-2023, các chuyên gia cho rằng kinh tế số tăng trưởng nhanh hơn nền kinh tế truyền thống và tạo ra những lợi ích đáng kể. Tuy nhiên, Việt Nam đang đi sau về kỹ năng số trong nhóm dân số có hoạt động kinh tế, dù cuối năm 2022, tỷ lệ cá nhân sử dụng Internet đến 78,6% và người dùng thanh toán số tăng hơn gấp đôi trong 5 năm qua (từ 2017-2022). Thêm vào đó, việc áp dụng công nghệ tiên tiến ở Việt Nam vẫn còn non trẻ. Tỷ lệ DN số có nền tảng số hoặc DN dựa vào dữ liệu để phát triển còn khiêm tốn. Vì vậy, Việt Nam cần thúc đẩy các hoạt động R&D để hỗ trợ DN tăng tốc trong đổi mới sáng tạo - đây là nền tảng quan trọng để thúc đẩy kinh tế số, chuyển đổi số.
Để phát triển kinh tế số, thì DN đóng vai trò rất quan trọng và Chính phủ đã dành nhiều nguồn lực hỗ trợ cho DN trong thời gian qua. Theo thống kê của Bộ TT&TT, đến ngày 22-9-2023, số lượt DN nhỏ và vừa (SME) tiếp cận Chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa chuyển đổi số là 975.966 DN; số lượng DN SME sử dụng nền tảng của Chương trình là 163.792 DN, đạt tỷ trọng 30,07% (kế hoạch năm 2022 là 30%).
Theo các chuyên gia, để thúc đẩy DN ứng dụng nền tảng số, phát triển DN số thì cần phải xây dựng các nền tảng hệ sinh thái khởi nghiệp, trọng tâm cải cách hiện tại là cải cách môi trường kinh doanh chung (cải cách thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật), xây dựng các chương trình khởi nghiệp phù hợp tiềm lực từng địa phương, có chính sách khuyến khích các dòng vốn đầu tư tư nhân cho đổi mới sáng tạo…
Theo nhận định của các tổ chức quốc tế, Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển kinh tế số. Để hoàn thành các mục tiêu trong Chiến lược Quốc gia phát triển kinh tế số, xã hội số, Chính phủ số cần thay đổi cách tiếp cận và có hành lang pháp lý, thể chế hoàn thiện hơn để thúc đẩy các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số. Đồng thời cần lựa chọn một số ngành kinh tế mũi nhọn để ưu tiên chuyển đổi số như: tài chính ngân hàng, sản xuất công nghiệp, tiêu dùng, bán lẻ, logistics; đối với phạm vi từng địa phương có thể ưu tiên đẩy mạnh chuyển đổi số trong y tế, giáo dục, nông nghiệp…
Việt Nam được dự đoán xếp thứ 5 về tăng trưởng thương mại điện tử trong các quốc giá Châu Á - Thái Bình Dương; tỷ lệ người Việt Nam thanh toán qua smartphone cao thứ 2 thế giới (33,2% theo Statista 2022). Theo nhận định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Việt Nam là thị trường tiềm năng, nhiều dư địa để phát triển thanh toán số. Với khoảng 77,41% dân số trưởng thành của Việt Nam có tài khoản thanh toán. Song song đó, hệ sinh thái thanh toán số cũng tăng trưởng nhanh về giá trị, với tốc độ tăng trung bình qua Internet là 44%/năm, qua Mobile là 119%/năm (giai đoạn 2015-2022 và đến tháng 6-2023).
TS Trần Hữu Hiệp, Chuyên gia kinh tế, nhận định, tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam đang tăng nhanh, công nghệ thông tin, hạ tầng số được mở rộng và phát triển cũng rất tốt, nhưng vẫn còn khoảng cách so với quốc tế, các quốc gia phát triển. Lợi thế của Việt Nam hiện nay là Chính phủ rất quyết tâm trong chuyển đổi số, hỗ trợ DN khởi nghiệp… nhưng để phát triển kinh tế số - một trong 3 trụ cột của chuyển đổi số quốc gia thì cần xây dựng được “xa lộ” thông thoáng. Đó là xây dựng môi trường thể chế, cơ sở pháp lý hoàn thiện; đồng thời phải tạo dựng nền tảng công nghệ thông tin vững chắc hơn, chú trọng đào tạo nhân lực cho chuyển đổi số. Để tạo môi trường tốt cho DN khoa học công nghệ phát triển nhằm thúc đẩy kinh tế số, chuyển đổi số thì quan trọng nhất vẫn là tạo thị trường khoa học công nghệ sôi động hơn, thúc đẩy các hoạt động R&D và chấp nhận rủi ro đầu tư cho DN phát triển công nghệ mới.
Theo Chiến lược Quốc gia phát triển Kinh tế số và Xã hội số
• Mục tiêu đến 2025, tỷ trọng kinh tế số đạt 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10%. Tỷ lệ DN sử dụng hợp đồng điện tử đạt trên 80%; tỷ lệ DN nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50%; tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động đạt trên 2%.
• Đến 2030, tỷ trọng kinh tế số đạt 30% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 20%; tỷ lệ DN nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 70%; tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động đạt trên 3%.
|
GIA BẢO