Truyện ngắn MAI BỬU MINH
Ông Sáu ngồi im bên bàn tiếp khách giữa nhà, tâm trạng âu lo, bồn chồn. Bàn tay khẳng khiu của ông cứ cầm lấy ấm trà, rót ra ly, uống hết ly này đến ly khác, mắt vẫn dõi ra ngoài đường chờ thằng Tư mang thuốc về.
Có nuôi cá mới biết nỗi lo âu thấp thỏm mỗi khi cá bị bệnh. Tâm bất an càng ngày càng nặng khi mỗi ngày qua cá chết càng nhiều. Ông đã tự mua thuốc về trộn vào thức ăn như mọi khi nhưng không hiểu sao cá vẫn cứ chết. Ông Sáu gọi vào trong:
-Bà nó ơi! Thằng Minh đâu, kêu nó cho tui biểu.
-Nó đi học chưa về - Bà Sáu bước ra, ngồi xuống ghế bên bàn.
-Học hành
Hứ
Học làm gì không biết. Phen này nó học xong lớp chín, tui cho nó nghỉ ở nhà tiếp tui lo mần ăn. Mấy chục công ruộng với sáu hầm cá, không có người làm, phải thuê thêm người.
-Muốn vậy cũng chờ con học hành tới nơi tới chốn
-Nhưng bà thấy đó. Học đại học, mỗi tháng tốn bạc triệu, tới ra trường đi làm lãnh mỗi tháng bao nhiêu tiền lương?
Vừa nói đến đó thấy thằng Tư về tới, ông Sáu nhổm dậy
- Thằng Tư, có mua đúng thứ thuốc chú ghi không ?
-Dạ có
chú Sáu không phải bác sĩ thú y mà ghi thuốc hổng có sai nét nào.
-Hứ, chép y trong bao thuốc cũ ra mà sai sao được. Có điều, đã đổi bốn năm thứ thuốc rồi mà cá vẫn cứ chết, hổng biết bữa nay dùng thuốc này có chịu không nữa. Đi, chú cháu mình ra hầm cá trộn thuốc.
Ông Sáu cùng thằng Tư mang thuốc ra trại giữ cá ngoài bờ hầm. Bà Sáu lẳng lặng bước ra sân, nơi để mấy cái liếp tre trước kia dùng để phơi bánh phồng nay dùng làm giàn phơi cá tra làm khô. Mới có mấy ngày mà số cá chết có cả ngàn con rồi. Phen này, nếu trị không kịp, bà tính bàn với ông thôi thì làm khô đám cá còn chưa chết, vớt vát chút đỉnh. Nghĩ vậy mà bà bần thần, đợt này chắc gia đình điêu đứng, chuyện học hành của thằng Minh chắc cũng dang dở
Đang trở khô, bà Sáu chợt thấy Hải, kỹ sư nuôi trồng thủy sản đang công tác ở Trạm khuyến nông huyện, đi ngang qua ngõ nhà. Bà Sáu vội kêu to. Hải dừng xe, quay lại, cất lời :
-Thím Sáu có chuyện kêu cháu?
-Cá thím nuôi chết nhiều quá Hải ơi. Cháu coi giùm có cách gì trị không?
-Vậy mà sáng hôm qua cháu gặp chú Sáu nhưng không nghe chú nói. Trở trời, đang nắng chuyển mưa đột ngột, cá nuôi của nhiều người mắc bệnh lắm. Để cháu coi thử.
Bà Sáu dẫn Hải đi ra vườn sau hè nhà mình, nơi ông Sáu thuê xe cuốc đất đào ba mẫu đất thành mấy hầm nuôi cá. Cái nhỏ để nuôi cá giống, hai cái lớn để nuôi cá cỡ ba bốn con vô một ký và hai cái nữa để nuôi cá thịt, vô ký xuất bán
Ông Sáu cùng thằng Tư đang đứng bên nồi tấm gạo, trộn cám nấu trên lò. Thấy Hải tới, ông Sáu lộ vẻ không vui, ánh mắt không hài lòng hướng về bà Sáu. Biết ý, bà Sáu nói.
-Đang trở khô trước sân, thấy cháu Hải chạy xe ngang qua, tôi nhờ coi thử cá mình bị bệnh gì.
-Ờ, bà
bà chê thằng già đầu hai thứ tóc này dốt nát, không học hành đàng hoàng nên rước thầy về trị bệnh cho cá hả? Cháu Hải có lẽ không quên chú Sáu đây nuôi cá lúc cháu còn tồng ngồng tắm mưa, chạy xuống cầu ao đòi coi chú cho cá ăn có bận suýt chết chìm.
-Dạ, nhớ. Nhớ suốt đời luôn. Con mê coi cá ăn nên té xuống hầm, may nhờ chú Sáu trông thấy, nhảy xuống vớt lên mà. Mà chú đang trộn thuốc phải không?
-Nè, tiếng Tây không. Chú chỉ quen mặt chữ, không đọc được.
Ông Sáu đưa cho Hải mấy cái vỏ bao thuốc. Mặt Hải lộ rõ vẻ đăm chiêu, chậm rãi nói:
-Chú Sáu à, đây là thuốc tăng sức đề kháng cho cá, còn đây thuốc chống ký sinh trùng, còn lại thuốc trị bệnh nhiễm trùng huyết
Chú đã dùng khá nhiều thứ, nhưng cá vẫn chết, chắc trị không đúng bệnh, cháu phải tìm hiểu rõ cá bị bệnh gì.
-Thì ra cháu Hải đây tính làm thầy khám và trị bệnh cho cá thiệt. Có cần bắt cá lên để đo huyết áp luôn hông?
Giọng ông Sáu châm biếm. Hải đành gượng cười.
-Cháu cần vài con cá vừa mới chết để mổ ra xem mới có thể xác định bệnh.
-Mổ cá hả? Có con cá lừ đừ, mới vớt lên và vừa chết đây, anh xem đi.
Thằng Tư vừa nói vừa đi lại cái thau trong góc trại cầm lên một con cá khoảng nửa ký đưa cho Hải. Bà Sáu cũng đã vội lấy thau và kéo ra.
-Thời tiết thay đổi đột ngột, cá trúng gió chết chớ có gì lạ.
Ông Sáu đẩy cái leng ngã qua một bên, giọng vẫn chua lè, ngồi xuống góc trại móc thuốc hút.
-Dạ, thời tiết thay đổi đột ngột, nhiệt độ dưới hầm thay đổi cũng sẽ ảnh hưởng đến sức ăn của cá. Cá ăn ít đi, lượng thức ăn thừa sẽ làm ô nhiễm, dễ phát sinh vi khuẩn.
-Thôi thôi. Nói ra đã biết theo sách vở rồi. Nhiễm khuẩn mà có thấy con nào bị lở loét đâu?
Ông Sáu phì phèo thuốc vừa nói, mắt không thèm nhìn mọi người mà nhìn bâng quơ xuống hầm cá.
-Dạ, tuy bên ngoài không nhìn thấy vết lở loét, nhưng chú thím xem đây, có những đốm trắng ở vây, đuôi, mang cá tím sẫm.
-Mèn đét ơi! Bà Sáu thốt lên.
-Cá bị nhiễm khuẩn, chú cho thuốc chống nhiễm trùng huyết nên không có hiệu quả. Tuy nhiên, khi mổ ra sẽ thấy vi khuẩn bị kháng sinh tấn công co cụm lại thành từng nốt nhỏ cỡ đầu đũa ăn chứa mủ.
-Trời đất ơi, gan cá lốm đốm vết mủ y như anh Hải nói chú Sáu ơi.
Thằng Tư đang khom khom người xem Hải mổ cá, đứng thẳng lên vừa nói vừa nhìn ông Sáu. Bà Sáu giọng không khỏi lo lắng.
-Mấy bữa nay tui nghi cách trị bệnh mò mẫm của ông. Dùng thứ thuốc này không hết rồi đổi thứ thuốc khác. Kiểu này bệnh nhức đầu ông cho thuốc đau bụng thì làm sao hết bệnh.
-Dạ, thím Sáu đừng trách chú nữa. Để cháu xem kích thước, độ sâu mặt nước, số lượng cá nuôi từng hầm mà kê toa cho phù hợp. Không sao đâu mà.
Ông Sáu chột dạ.
-Đây, quyển sổ này ghi chép tất cả. Kích thước các hầm dài rộng và độ sâu đều có, đã thả bao nhiêu con, cho ăn ngày bao nhiêu, đã dùng loại thuốc nào chú đều ghi chi tiết hết. Nuôi có bài bản mà - Ông Sáu cố vớt vát.
Hải vừa viết toa thuốc vừa hỏi.
-Chú trộn thuốc vào thức ăn và cho cá ăn ra sao?
-Thì
thì có gì khó mà hỏi lạ? Trộn cho đều theo liều lượng qui định người bán hướng dẫn, sau đó quăng xuống hầm ngay chỗ cá ăn hằng ngày. Có gì mà thắc mắc?
-Dạ, như cách của chú thì những con cá khỏe mạnh sẽ ăn được nhiều thức ăn có trộn thuốc, còn những con cá đã mắc bệnh, yếu ớt, không chen được vô chỗ có thức ăn, nó sẽ không ăn được gì, sẽ chẳng có miếng thuốc nào vô bụng làm sao khỏi bệnh.
-Anh Hải nói nghe phải à. Thì ra con cá khỏe không cần thuốc thì nốc vô bụng hết. Dám ngộ độc chết chớ chẳng chơi. Còn con mắc bệnh không ăn được miếng thuốc nào - Thằng Tư tỉnh ngộ.
Bà Sáu lo lắng.
-Vậy phải làm sao đây Hải?
Ông Sáu cúi đầu gục gặc, tay dụi điếu thuốc vẻ bực tức với chính mình.
-Dạ, toa thuốc đây, cháu có ghi rõ liều lượng trộn vào thức ăn. Nhưng khi trộn cho từng hầm, chú ý chỉ cần trộn một phần vào lượng thức ăn để đổ xuống chỗ cá tranh ăn hằng ngày. Phần kia, có liều lượng thuốc gần gấp đôi, được trộn cho số thức ăn để quăng ra xa, nơi những con cá mắc bệnh không chen vào được, cho dù những con cá bệnh này có ăn ít cũng đã nuốt được lượng thuốc đáng kể.
Thằng Tư cầm miếng giấy ra lấy xe chạy ra chợ xã. Bà Sáu còn dặn.
-Sẵn tiện đường, thằng Tư ghé thầy giáo Hoàng cho hay ngày mai ông Sáu bận chuyện, không tới dự họp hội phụ huynh được.
Ông Sáu đứng bật dậy, vừa khoát tay vừa nói :
-Khỏi ghé. Ngày mai tui đi họp được mà bà. Họp để xem thằng Minh học hành ra sao, trường lớp có gì khó khăn.
Xong rồi ông Sáu ngại ngùng nói tiếp
-Phải cho thằng Minh học thành tài như cháu Hải đây, rồi mới dám tính đến chuyện cho nó mần ăn.
Nghe tới đó bà Sáu cười nhìn ông, tự nhủ: Mình thương ổng cũng ở cái nết biết sai chịu sửa!