07/10/2019 - 09:17

Thắp sáng hy vọng cho người già, trẻ em ĐBSCL 

Dự án “Ánh sáng cho trẻ em và người lớn tuổi tại ĐBSCL” triển khai từ năm 2016-2019, với kinh phí 1 triệu USD do Ngân hàng Standard Chartered Bank tài trợ; 3 tổ chức Orbis, Eye Care Foundation và Helen Keller tổ chức thực hiện trên địa bàn TP Cần Thơ và tỉnh Cà Mau với đối tác là Bệnh viện (BV) Mắt - Răng Hàm Mặt TP Cần Thơ, BV Nhi đồng TP Cần Thơ và Trung tâm Phòng, chống bệnh xã hội tỉnh Cà Mau. Dự án triển khai với mục tiêu trẻ em và người lớn trên 50 tuổi có vấn đề về thị lực hoặc mắc các bệnh về mắt có thể gây mù sẽ được phát hiện sớm và được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc mắt có chất lượng.

Giảm mù lòa

Thống kê của cơ quan chuyên môn, tỷ lệ mắc các bệnh về mắt của trẻ em trong khu vực ĐBSCL còn cao, hơn 1 triệu trẻ em có vấn đề về tật khúc xạ. Hàng năm, gần 150 trẻ sinh non có nguy cơ mắc bệnh võng mạc, nhưng dịch vụ chăm sóc mắt ở ĐBSCL còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, công tác chẩn đoán, điều trị các bệnh về mắt còn một số hạn chế, như: Kỹ năng cán bộ y tế chưa được nâng cao, trang thiết bị không đầy đủ; mạng lưới và hệ thống chăm sóc mắt cơ sở để đưa các dịch vụ nhãn khoa đến gần dân hơn chưa được hình thành; nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế cũng là những rào cản trong việc tìm kiếm dịch vụ chăm sóc mắt. Lẽ đó, Dự án “Ánh sáng cho trẻ em và người lớn tuổi tại ĐBSCL” đã thắp sáng thêm hy vọng cho người già và trẻ em tại vùng.

Trẻ được đo thị lực tại Trường Tiểu học Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh.

Dự án đã hỗ trợ BV Mắt - Răng Hàm Mặt TP Cần Thơ, BV Nhi đồng TP Cần Thơ củng cố cơ sở vật chất, cung cấp trang thiết bị phục vụ cho chẩn đoán và điều trị. Đồng thời, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế với các chương trình đào tạo tiên tiến, như: đưa bác sĩ đi đào tạo trong và ngoài nước; đào tạo trực tuyến bằng hình thức tương tác với các chuyên gia nhãn khoa trên toàn thế giới... Sau các khóa đào tạo, các BV: Nhi đồng 1, Mắt trung ương, Mắt TP Hồ Chí Minh có 8 chuyến hỗ trợ kỹ thuật. Từ đó, BV Mắt - Răng Hàm Mặt TP Cần Thơ, BV Nhi đồng TP Cần Thơ cung cấp hầu hết các dịch vụ chăm sóc mắt trẻ em thân thiện; BV Mắt - Răng hàm mặt TP Cần Thơ thành lập Khoa Mắt trẻ em. Các BV đã phẫu thuật mắt cho 1.840 trẻ em, góp phần mang lại ánh sáng và tương lai cho trẻ.

Đặc biệt, BV Nhi đồng TP Cần Thơ triển khai dịch vụ điều trị bệnh lý võng mạc trẻ sinh non (ROP). Đây là dịch vụ lần đầu tiên được triển khai ở khu vực ĐBSCL. Trước đây, trẻ bị bệnh lý này đều phải chuyển lên các BV ở TP Hồ Chí Minh rất bất tiện bởi trẻ sinh non, có trẻ phải thở máy, rất khó chuyển viện. Khi trẻ bị ROP, việc theo dõi, điều trị lâu dài, tái khám thường xuyên nên việc BV Nhi đồng TP Cần Thơ triển khai dịch vụ này, giảm tỷ lệ trẻ mù lòa do ROP, giảm chi phí đi lại cho người dân ở khu vực ĐBSCL. BV Nhi đồng TP Cần Thơ đã sàng lọc bệnh võng mạc trẻ sinh non cho trên 3.850 trẻ, điều trị bệnh võng mạc trẻ sinh non (laser) cho 68 trẻ.

Duy trì mô hình

Nhằm thực hiện mục tiêu đưa dịch vụ khúc xạ đến trẻ em và người lớn tuổi bị suy giảm thị lực, dự án đã hỗ trợ các BV, Trung tâm y tế quận, huyện thành lập đơn vị khúc xạ. Để hình thành các đơn vị này, dự án đưa 26 nhân viên y tế đào tạo kỹ thuật viên khúc xạ tại 2 BV: Mắt TP Hồ Chí Minh và Mắt trung ương; đồng thời, hỗ trợ trang thiết bị. Từ những hỗ trợ trên, 12 đơn vị khúc xạ được hình thành; trong đó, 3 đơn vị khúc xạ do các BV, Trung tâm đối tác với dự án chủ động thành lập dựa trên mô hình của dự án.

Bên cạnh đó, dự án cũng hỗ trợ xây dựng kế hoạch kinh doanh của từng đơn vị và triển khai phù hợp để người dân có thể tiếp cận với những mắt kính rẻ, chất lượng ngay tại nơi sinh sống ở cộng đồng. Đào tạo 31 giảng viên nguồn về khám, phát hiện bệnh về mắt và tật khúc xạ; tập huấn cho 578 nhân viên y tế cộng đồng, cán bộ y tế trường học để hình thành mạng lưới chăm sóc mắt tại cộng đồng. Mạng lưới này kết hợp cùng các BV, Trung tâm tiến hành các hoạt động khám phát hiện bệnh về mắt và tật khúc xạ tại trường học và cộng đồng; đã khám sàng lọc tật khúc xạ cho gần 123.390 trẻ em ở trường học; sàng lọc tật khúc xạ cho 12.583 người lớn; cấp kính cho 12.600 trẻ em và người lớn…

Tại hội nghị tổng kết dự án diễn ra ở TP Cần Thơ vào ngày 30-9 vừa qua, bà Nguyễn Thị Huệ, quản lý chương trình của Tổ chức Orbis, cho biết: “Dự án mời các tỉnh đến tham gia để chia sẻ các kết quả, bài học kinh nghiệm. Đồng thời, để cho BV Mắt- Răng Hàm Mặt TP Cần Thơ, BV Nhi đồng TP Cần Thơ giới thiệu các dịch vụ hiện có tại đơn vị. Từ đó, khi có bệnh nhân, các cơ sở y tế giới thiệu, chuyển đến cho hai BV này điều trị”.

Mặc dù dự án đã kết thúc, nhưng nhiều kỳ vọng mong rằng BV Mắt – Răng Hàm Mặt TP Cần Thơ sẽ trở thành tuyến cuối điều trị bệnh lý mắt ở ĐBSCL. Bác sĩ Hoàng Quang Bình, Phó Giám đốc BV Mắt – Răng Hàm Mặt TP Cần Thơ, cho biết: BV đang gặp khó khăn do cơ sở vật chất chật hẹp, bệnh nhân không có chỗ để xe; ngân sách mua trang thiết bị còn hạn hẹp. Về chuyên môn, BV Mắt trung ương có hướng hỗ trợ BV triển khai phẫu thuật khúc xạ và dịch kính võng mạc. BV sẽ cử nhân sự đi học và có đề án trình Sở Y tế TP Cần Thơ phát triển phẫu thuật khúc xạ. 

Theo Sở Y tế TP Cần Thơ, trong quy hoạch phát triển ngành y tế đến năm 2020 và định hướng 2030 có BV Mắt và BV Răng Hàm Mặt, trước mắt đã được phê duyệt chủ trương lấy cơ sở cũ của BV Tâm thần làm cơ sở II cho BV Mắt - Răng Hàm Mặt, kinh phí sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị là 5 tỉ đồng. Sở Y tế TP Cần Thơ cũng vừa ban hành hướng dẫn quản lý khám, sàng lọc và chuyển tuyến khám, chữa bệnh chuyên ngành mắt trên địa bàn thành phố, với các mục tiêu: học sinh được khám sàng lọc phát hiện tật khúc xạ và bệnh lý về mắt; trẻ sinh non, thiếu tháng được tầm soát bệnh lý võng mạc; người dân được tiếp cận dịch vụ chẩn đoán và điều trị các bệnh lý về mắt; cung cấp dịch vụ kính thuốc... Trong kế hoạch, Sở Y tế TP Cần Thơ cũng có quy trình cụ thể hoạt động ở trường học, trạm y tế, cơ sở y tế tuyến huyện, tuyến thành phố trong công tác sàng lọc, chẩn đoán điều trị bệnh về mắt, tật khúc xạ...

Còn theo đại diện Sở Y tế tỉnh Cà Mau, tỉnh tiếp tục tăng cường đào tạo bác sĩ chuyên khoa mắt, kỹ thuật viên khúc xạ. Sắp tới, tỉnh thành lập BV Mắt để phát triển chuyên sâu ngành mắt và chỉ đạo tuyến cho tuyến dưới.

Việt Nam có tỷ lệ mù lòa ở trẻ em là 0,79 %, xếp thứ tư trong khu vực châu Á. Hiện toàn quốc có trên 3 triệu trẻ suy giảm thị lực, 23.000 trẻ mù lòa cả hai mắt, hơn 157.000 trường hợp suy giảm thị lực do đục thủy tinh thể bẩm sinh, glaucoma, tật khúc xạ, sẹo giác mạc, võng mạc trẻ sinh non và các bệnh mắt khác như lác/lé, sụp mi. Đáng chú ý trên 80% trong số này có thể phòng ngừa và điều trị được.

Bài, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết