27/08/2016 - 16:14

Truyện ngắn: NGUYỄN NGỌC TUYẾT

Thảo hiền

Nhỏ Thảo cầm thanh sô-cô-la bà ngoại mới cho, mặt mày hí hửng. Nhỏ chạy vào kẹt tủ, nơi vẫn trốn khi chơi năm mười, cẩn thận nhìn quanh quất trước khi đưa sô-cô-la vô miệng. Cắn cốc một miếng, vị ngọt béo, thơm tho đã tứa ra đầy lưỡi. Rồi miếng thứ hai, thứ ba… đang ăn ngon lành, nhỏ bỗng trợn trừng mắt, giật giật liên hồi, run cả mình. Tôi từ trong nhà chạy ra, đứng khựng lại, la hoảng:

- Má ơi, chị Bảy ơi, bé Thảo lại giựt kinh phong rồi!

Cả nhà túa ra. Chị Bảy- người giúp việc lâu năm trong nhà- lấy liền muỗng cạy miệng nhỏ Thảo nhét vào để bé khỏi cắn trúng lưỡi. Má tôi chạy vào cắt miếng chanh nhỏ vào miệng nhỏ. Một lát, Thảo đã dứt cơn co giật, người mềm nhũn trong tay chị Bảy. Chuyện co giật của nhỏ không phải lần đầu nên cả nhà cũng quen rồi.

Má tôi thường nói:

- Nhỏ Thảo được sanh trong khu, bà mụ khi cắt rún không cẩn thận để nhiễm trùng nên giờ vậy đó. Bác sĩ nói cứ nuôi đàng hoàng, ăn uống bổ dưỡng, lớn lên sẽ hết.

Mẹ của Thảo, tức chị của tôi, sanh con trong vùng kháng chiến. Tận miệt Cà Mau. Cả hai vợ chồng đều túi bụi công tác, phải gởi con cho nhà dân nuôi giùm. Nhưng nhỏ ốm đau quá, mẹ Thảo nhắn tin cho má tôi xuống đón cháu về nuôi. Lúc đó nhỏ Thảo mới nửa tuổi. Nghe má tôi nói lại thì khi mới ẵm về Thảo tong teo như con bò tọt. Thỉnh thoảng bệnh kinh phong lại tái phát, bác sĩ nói lớn lên dần dần nó sẽ khỏi thôi.

Mà đúng thiệt, tới lúc đi học là chứng co giật của Thảo tự nhiên biến mất. Nhỏ lớn phượt phượt, mặt trắng hồng, tóc dày đen mịt, ai nhìn cũng thấy cưng. Chỉ những người thân trong nhà mới biết rành tính hay khóc nhè và ham ăn của nhỏ. Tôi tuy là dì ruột nhưng lớn hơn Thảo có 4 tuổi, sống chung nhà với nhỏ, tính khí Thảo tôi rành sáu câu. Có lẽ do không có cha mẹ nên bản năng cạnh tranh sinh tồn của nhỏ rất mạnh. Mỗi khi thích vật gì rồi nhỏ cứ bám riết lấy cho được, từ năn nỉ, nịnh nọt đến rên rỉ, nằm vạ.

Nhớ lại những tật xấu của nhỏ, tôi cứ cười hoài trong bụng. Lớn lên Thảo không khóc nhè nữa, lại rất biết cách lấy lòng mọi người bên ngoài, nhưng với người nhà vẫn bướng bỉnh. Mỗi cái chuyện giặt giũ áo quần của nhỏ, bà ngoại (tức là má tôi) rầy la hoài nhỏ vẫn trơ trơ. Mỗi khi nhỏ Thảo đem đồ ra giặt là lúc chỉ còn "nhất y, nhất quởn". Bởi vậy đồ giặt của nhỏ phơi hết mấy sào ngoài sân và bữa đó đố ai giặt đồ được. Trong học hành cũng vậy, nói gì thì nói, nhỏ cứ chơi bời thoải mái, chừng gần thi pha từng ly cối cà phê đậm đặc để chống cơn buồn ngủ ngồi ôn bài. Người lớn nhắc nhở là nhỏ giở giọng ngang như cua:

- Không cho uống cà phê con thi rớt sao?

Học lạch bạch vậy nhưng nhờ môn này kéo môn kia cuối cùng Thảo cũng đỗ tú tài đôi rồi vào đại học. Hồi đó nhiều đại học chỉ cho ghi danh thôi nên nhỏ chọn văn khoa, ngành học rất hợp sở trường. Có lẽ tới khi lên đại học Thảo mới phát huy hết tài hoa. Nào ca hát, nào diễn kịch, nào diễn thuyết… và cả việc viết lách nữa. Bút danh Cỏ May nổi tiếng một thời khiến Thảo có thêm rất nhiều bạn bè. Cuộc sống của nhỏ tưng bừng đến nỗi xin bà ngoại cho vào ở ký túc xá sinh viên để dễ bề họp hành đi lại. Mấy năm tôi lên học ở Sài Gòn, mỗi hè về lại thấy nhỏ cháu lớn lên, xinh đẹp hẳn ra và ngày càng có nhiều người đeo bám hơn. Cứ sợ nhỏ sẽ chọn lựa sai lầm nhưng Thảo kéo tôi đi uống cà phê tâm sự:

- Thảo đang quen với một anh học Kinh tế chính trị ở Đà Lạt, nằm trong Ban Chấp hành Thanh Niên Chí Nguyện.

- Sao nhỏ quen?

- Thì hè rồi đi cắm trại đó. Ảnh nằm trong ban quản trại, giờ anh vào làm ở Thông tấn xã rồi!

Chà, nhỏ cháu tôi oai thiệt! Có người yêu lớn vậy kia à. Nhìn nhỏ có vẻ say đắm và tự hào lắm. Sau này tôi có gặp anh ta, đúng là người có tài. Tôi thực mừng vì nhỏ cháu biết chọn lựa. Vậy mà chỉ ba năm sau nhỏ Thảo khóc ròng thất thần khi anh ta đi lấy vơ, một người vô cùng nổi tiếng trong giới nghệ sĩ. Thảo không hề trách móc, chỉ buồn rầu tâm sự :

- Ảnh nói nhà khó khăn quá, phải nuôi một bầy em. Chị ấy là người ơn từng giúp đỡ anh rất nhiều…

Có lẽ lý do kết hôn của anh chàng đã an ủi Thảo phần nào. Chỉ tiếc «con cá sổng là con cá to», sau này Thảo không yêu ai hết mình như vậy nữa.

Sau ngày ra trường, Thảo được giữ lại phòng sinh viên vụ. Rồi đất nước thống nhất. Ba Thảo tập kết ở miền Bắc về, mẹ Thảo từ hoạt động bí mật ra công khai, giữ chức vụ khá quan trọng ở Sài Gòn. Vậy là nhỏ cháu tôi lên thành phố, vào viện khoa học xã hội, sau khi kết hôn với một anh chàng tốt nghiệp ngành luật. Nhưng chỉ được hai năm đã nghe vợ chồng chia tay, chưa kịp có con.

Thôi thì trở lại thời độc thân. Có công việc ổn định, nhân duyên tốt với bạn bè đồng nghiệp ở cơ quan, nhỏ cháu xinh đẹp tài hoa của tôi vẫn sống vui vẻ. Chưa được bao lâu nhỏ lại dẫn về Cần Thơ ra mắt bà ngoại người yêu mới. Lần này nhỏ không làm đám cưới linh đình nữa, chỉ đăng ký kết hôn thôi. Vốn hai đứa làm chung cơ quan, bị hút vào nhau như thiêu thân mê ánh sáng, anh chàng bị choáng bởi Thảo sôi nổi, lãng mạn, có biết đâu nhỏ này chỉ giỏi nói năng, ca hát, trầm quán cà phê thôi. Việc nhà cửa, nấu nướng, dọn dẹp là nhỏ thỏng tay!

Bởi vậy tôi không hề ngạc nhiên khi mấy năm sau Thảo ôm thằng con mới bốn tháng tuổi hộc tốc về quê, khóc lóc :

Thảo thôi tên đó rồi. Sợ hắn bắt bé Tiến nên chạy về đây!

Theo lời Thảo thì chồng nhỏ vũ phu lắm, tức giận là đập đồ trong nhà. Sau này lên nhà nghe lối xóm kể lại hóa ra cả hai đứa đều « nhiệt tình » trong việc quăng chén dĩa mỗi khi cãi nhau, không ai nhường ai. Cuối cùng Thảo ly dị và được nuôi con. Khó khăn lắm nhưng nhờ có gia đình và bạn bè đỡ đần nên cu Tiến cũng lớn dần, học hành rất thông minh, chỉ phải cái tội mọi thứ ỷ lại vào mẹ, chẳng biết làm gì.

- Tội nghiệp cu Tiến thiếu thốn tình cảm!

Câu nói cửa miệng của Thảo đó. Cứ vậy riết rồi kẻ đáng tội nghiệp chính là nhỏ cháu tôi. Lần gãy đổ thứ hai này khiến Thảo sợ chuyện hôn nhân. Còn trẻ, xinh đẹp lại sống một mình, nhiều anh chàng đeo đuổi, nhưng Thảo chỉ sống già nhân ngãi non vợ chồng với một đồng nghiệp trai già ở nhà tập thể trong cơ quan.

Mấy lần tôi lên chơi, anh chàng thạc sĩ ấy cũng lễ độ, lịch sự, lại đối xử rất tốt với cu Tiến nên nhỏ Thảo cũng gắn bó khá sâu. Đùng một cái, anh ta nói thẳng :

- Gia đình bắt anh phải cưới vợ. Bởi anh lớn tuổi rồi, phải cho ông bà ẵm cháu.

Chỉ một câu nói nhẹ nhõm, tháng sau anh ta đã cưới một cô vợ trẻ măng. Tuy giả bộ là người từng trải nhưng tôi biết nhỏ cháu tôi thực sự suy sụp. Lòng nó cũng khép lại từ đó. Còn cu Tiến do sống giữa những lời chì chiết của cha và sự nuông chìu của mẹ, thằng bé đã tuột dốc. Tối ngày trầm quán cà phê, cá độ bóng đá, dối gạt đủ chuyện để moi tiền mẹ, có lần vay cả tiền xã hội đen khiến Thảo phải bán xe trả nợ.

Còn nhớ những năm đó, các bạn của Thảo đều thành đạt khấm khá, Thảo đâm ra mặc cảm, ngoài mặt cười vui mà lòng héo hắt. Có lẽ chỉ có những lúc tôi lên chơi, dì cháu la cà quán cà phê hay nghe nhạc cùng nhau, cháu tôi mới trải lòng. Rồi Thảo hưu trí, phải tiếp tục nuôi đứa con ăn không ngồi rồi nên đi dạy thêm nhiều nơi. Phí sức quá nên bệnh tiểu đường trước đây biến chứng qua phổi, qua tim. Tôi từ tỉnh lên, chạy vào phòng cứu cấp của bệnh viện chỉ nói được với Thảo một vài câu thì nhỏ hôn mê không tỉnh lại nữa.

Thảo mất nhanh quá, tôi còn chưa kịp cảm nhận sự mất mát. Chỉ biết tất cả như mờ mịt, mông lung. May có mấy đứa em cùng cha khác mẹ của Thảo lo hết chuyện tang ma để tôi có thể ngồi đó, thẫn thờ, đau đớn nhớ về mọi thứ chúng tôi từng chia sẻ. Một tuổi thơ vui vẻ, một thời thanh xuân lãng mạn mộng mơ, những khó khăn gian khổ của sự đổi dời… Còn có gì mà dì cháu tôi không cộng hưởng cùng nhau. Nhỏ từng nói: Khổ đau gì miễn sao trong lòng ta còn một cánh cửa mở là còn sống được.

Trong tang lễ của Thảo, ba người đàn ông trong đời nhỏ đều có mặt, đều tỏ vẻ buồn rầu. Bằng tình yêu thương và đồng cảm với nhỏ cháu, tôi biết chỉ người chồng đầu tiên là thực lòng. Bởi anh ta đã yêu Thảo bằng cả cuộc đời, ngay cả khi bị bệnh mất trí người già.

Nhỏ Thảo mất đã ba năm rồi. Thời gian càng khiến tôi cảm nhận nỗi trống vắng không thể lấp đầy trong lòng. Chợt nhớ nhà thơ Nguyễn Khuyến làm thơ khóc bạn:

Tuổi già hạt lệ như sương

Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan

(Khóc Dương Khuê)

Tôi đã già chưa mà mỗi lần nhớ đến nhỏ Thảo, lại rưng rưng!

Chia sẻ bài viết