 |
Thu hoạch cá tra ở huyện Thốt Nốt, TP Cần Thơ. |
Vì sao nguồn vốn “bơm” cho các doanh nghiệp từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) giải ngân chậm? Làm gì để đẩy nhanh tiến độ thu mua cá tra tồn đọng trong dân? ... Những câu hỏi đó cùng nhiều vấn đề bức xúc khác liên quan đến sự phát triển bền vững của nghề nuôi cá tra ở ĐBSCL và cả nước đã được phân tích tại hội nghị giao ban trực tuyến do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát chủ trì với 8 tỉnh, thành ĐBSCL là: An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang và Sóc Trăng vào ngày 8-6 vừa qua.
Vì sao 1.000 tỉ đồng “bơm” cho doanh nghiệp triển khai chậm?
An Giang là một trong những tỉnh ở ĐBSCL thực hiện việc giải ngân đầu tiên về nguồn vốn vay hỗ trợ này. Ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Trong tổng số 200 tỉ đồng/1.000 tỉ đồng, UBND tỉnh thống nhất phân bổ 80 tỉ đồng cho Công ty cổ phần Nam Việt để mua khoảng 5.000 tấn cá; Công ty cổ phần XNK Thủy sản An Giang (Agifish) 40 tỉ đồng mua 2.500 tấn cá; Công ty Cửu Long, Công ty cổ phần XNK thủy sản AFA (Afasco) và Công ty cổ phần Việt An mỗi đơn vị 15 tỉ đồng để mua 1.000 tấn cá tra nguyên liệu quá lứa... Tuy nhiên, đến ngày 8-6, chỉ có Agifish triển khai thu mua cá trong dân. Theo ông Năng, việc triển khai này quá chậm so với mong muốn của người nuôi cá ở An Giang cũng như các tỉnh ĐBSCL.
Còn ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết: dù UBND thành phố đã có kế hoạch phân bổ 100 tỉ đồng nguồn vốn theo sự chỉ đạo nhưng đến nay chưa có doanh nghiệp nào trực tiếp vay được nguồn vốn này. Tình trạng này cũng xảy ra tương tự ở các tỉnh khác như: Bến Tre, Hậu Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp... Theo thống kê sơ bộ từ Cục Nuôi trồng Thủy sản - Bộ NN&PTNT, từ 1.000 tỉ đồng được Ngân hàng NN&PTNT phân bổ, các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL chỉ giải ngân được khoảng 10%.
Vì sao có tình trạng này? Theo các tỉnh - thành khu vực ĐBSCL, nguồn vốn từ phía ngân hàng NN&PTNT còn ít so với nhu cầu. Trong khi đó, ngân hàng chỉ ưu tiên hỗ trợ cho những doanh nghiệp hoặc người nuôi cá đã có mối quan hệ tín dụng với ngân hàng NN&PTNT. Chính vì thế, nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản ở ĐBSCL chưa tiếp cận được với nguồn vốn vay này. Bà Trần Thị Thu Nga, Phó Giám đốc Sở Thủy sản tỉnh Bến Tre, phản ánh: “Có nguồn vốn hỗ trợ nhưng các doanh nghiệp vẫn phải vay với mức lãi suất 18%/năm (chưa tính phí), điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp. Vì thế, doanh nghiệp chế biến vẫn ưu tiên cho nguồn nguyên liệu của doanh nghiệp hơn là thu mua cá tồn đọng trong dân”.
Phần lớn lượng cá thu mua, nhất là cá vượt quá kích cỡ như hiện nay, doanh nghiệp phải lưu kho từ 3-4 tháng để tìm thị trường tiêu thụ, nên chắc chắn chi phí sẽ tăng cao. Vì vậy, doanh nghiệp rất cân nhắc trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay này. Ông Dương Ngọc Minh, Giám đốc Công ty cổ phần Hùng Vương (tỉnh Tiền Giang) giải thích: “Mua cá quá lứa về dự trữ đồng nghĩa với việc doanh nghiệp thay người nuôi cá lãnh nợ. Cho nên doanh nghiệp và ngân hàng phải cùng chia sẻ khó khăn này. Vì một mình doanh nghiệp không thể tự bỏ tiền túi ra để đầu tư mà không có hiệu quả!”.
Sau tháng 7, tình hình có thay đổi?
Theo thống kê sơ bộ, hiện nay ở 8 tỉnh - thành vùng ĐBSCL có khoảng 170.900 tấn cá tồn đọng trong dân. Trong đó, có hơn 95.000 tấn cá loại trên 1kg và khoảng 75.200 tấn cá từ 0,7-1kg/con. Một số tỉnh có lượng cá tồn đọng cao là: Đồng Tháp (40.000 tấn), An Giang (20.000 tấn), TP Cần Thơ (50.000 tấn)...
Để giải quyết lượng cá tra nguyên liệu tồn đọng trong dân, ông Doãn Tới, Giám đốc Công ty cổ phần Nam Việt (An Giang) cho biết: Thời gian tới, Nam Việt sẽ nâng công suất chế biến từ 1.000 tấn cá/ngày lên 1.300 tấn cá/ngày để giải quyết cho 20.000 tấn cá tồn đọng ở An Giang, 15.000 tấn cá ở TP Cần Thơ, 5.000 tấn cá ở Đồng Tháp trong vòng 45 ngày...
Nhiều công ty khác như Công ty cổ phần Hùng Vương (Tiền Giang), Công ty TNHH Thiên Mã, Công ty cổ phần Bình An (Cần Thơ)... cũng đang có kế hoạch nâng công suất chế biến, tăng lượng thu mua cá, nhất là cá quá lứa tồn đọng trong dân. Song sau chuyện mua cá tồn đọng sẽ còn chuyện gì?
Ông Lê Minh Hoan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho rằng, khoảng hết tháng 7, vấn đề cá tra tồn đọng ở ĐBSCL sẽ được giải quyết dứt điểm. Tuy nhiên, hiện nay không chỉ có tình trạng cá quá lứa mà nhiều hộ nuôi cá ở ĐBSCL không còn khả năng đầu tư tái sản xuất. Ông Nguyễn Minh Toại, Phó Chủ tịch UBND huyện Thốt Nốt (TP Cần Thơ), cho biết thêm: “Hiện nay, giá thức ăn mỗi ngày một tăng nhưng chất lượng không được đảm bảo. Điều này làm gia tăng hệ số thức ăn trong việc nuôi cá và tăng giá thành con cá tra hiện nay đã là 15.000 - 16.000 đồng/kg. Với mức giá bán hiện tại 13.800 - 14.200 đồng/kg, người nuôi cá tra lỗ trên dưới 2.000 đồng/kg cá”. Ông Doãn Tới, dự báo. “Chính vì thế, sau tháng 7, tình trạng thiếu cá tra nguyên liệu chế biến sẽ xảy ra và đẩy mức giá cá nguyên liệu trên thị trường có khả năng vượt mức 18.000 đồng/kg”. Điều này sẽ đẩy hàng loạt doanh nghiệp chế biến cá tra vào tình thế khó...
Phải thực hiện đồng bộ giải pháp trước mắt và lâu dài
Theo ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công Thương, 4 tháng đầu năm 2008, xuất khẩu sản phẩm cá tra, cá ba sa tăng khoảng 38,5% về sản lượng nhưng chỉ tăng 25% về giá trị. Trong khi đó, đa số các mặt hàng xuất khẩu nông - lâm - thủy sản khác đều tăng về giá trị xuất khẩu hơn là sản lượng. Vì thế, sự chênh lệch tăng trưởng đối với sản phẩm xuất khẩu con cá tra thể hiện sự phát triển không bình thường. Điều này làm giảm giá trị con cá tra nguyên liệu trong nước cũng như ở thị trường xuất khẩu. Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên cho rằng: Cần phải thực hiện giải pháp trước mắt và lâu dài một cách đồng bộ thì mới có thể cứu nguy cho con cá tra!
Vấn đề cấp bách trước mắt, theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên, doanh nghiệp cần đẩy mạnh thu mua lượng cá tồn đọng trong dân; nông dân không “neo” cá chờ giá lên, gây khó khăn về nguyên liệu của doanh nghiệp. Về lâu dài, cần có quy hoạch phát triển vùng nuôi, cơ sở chế biến, con giống, thức ăn... ở ĐBSCL định hướng đến năm 2010, 2020.
Để giải quyết vấn đề cấp bách trong tình hình hiện nay, nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL kiến nghị: Ngân hàng Nhà nước nên sớm thông báo hạn ngạch và lãi suất cho vay phù hợp để các doanh nghiệp yên tâm vay vốn thu mua cá tra tồn đọng trong dân. Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, người nuôi cá tra tiếp cận được với các nguồn vốn từ các ngân hàng. Về các giải pháp trước mắt, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho rằng: “Căn cứ vào đầu ra, giá thành, mức hỗ trợ... cần phải công khai lợi ích của doanh nghiệp, nhà nước và người nuôi như thế nào là một việc làm cần thiết. Làm như vậy sẽ tránh được tình trạng “nghi ngờ” nhau. Có thế, nhà nước - doanh nghiệp và người nuôi cá càng thuận lợi để vượt qua khó khăn trong thời điểm hiện nay”.
Để tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh ở thị trường trong nước và xuất khẩu, ông Nguyễn Minh Toại, Phó Chủ tịch UBND huyện Thốt Nốt (TP Cần Thơ), kiến nghị: “Không để các doanh nghiệp tự chào bán sản phẩm cá tra ở thị trường nước ngoài. Việc làm này chỉ nên quy về một mối, rồi sau đó phân bổ lại cho các doanh nghiệp với mức giá có lợi cho doanh nghiệp và người nuôi”.
Từ bài học về sự khủng hoảng cá tra nguyên liệu hiện nay, ông Lê Minh Hoan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho rằng: Để hạn chế rủi ro trong thời gian tới, cần đưa con cá tra vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Nghĩa là, người nuôi phải được tập huấn về kỹ thuật nuôi, về những rủi ro, những rào cản kỹ thuật từ thị trường nước ngoài... Doanh nghiệp, xí nghiệp chế biến cũng cần phải có ràng buộc trong việc hình thành liên kết vùng nuôi, liên kết người nuôi... Ông Dương Ngọc Minh, Giám đốc Công ty cổ phần Hùng Vương, đề nghị: “Thời gian tới, trong việc đầu tư cho người nuôi cá, ngân hàng cần xem xét người nuôi phải có hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp. Nếu không có sẽ không được vay vốn và người nuôi phải đầu tư đúng mục đích nguồn vốn được vay”.
Bài, ảnh: HÀ TRIỀU
* Ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước:
Cam
kết cung cấp đủ vốn cho các doanh nghiệp thu mua, nhất là các doanh nghiệp đầu mối. Các tỉnh cần tiếp tục đề xuất những doanh nghiệp có uy tín, làm ăn hiệu quả để ngân hàng cung cấp vốn nhằm đẩy mạnh việc thu mua cá tồn đọng. Trong tình hình hiện nay, các địa phương hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay hỗ trợ xuất khẩu từ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) được quy định tại Nghị định 151 về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu Nhà nước.
* Ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT: Về lâu dài, phải nhanh chóng rà soát quy hoạch từng địa phương đi đến thống nhất chung. VASEP sớm đưa ra giá sàn thu mua cá nguyên liệu, giá sàn đối với các sản phẩm cá tra xuất khẩu, các biện pháp chế tài... để tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp làm giảm giá trị xuất khẩu sản phẩm cá tra. Tập trung chỉ đạo khuyến ngư hỗ trợ cho nông dân về kỹ thuật, chất lượng, hạ giá thành cá tra, cá ba sa. |