12/02/2020 - 09:35

Tháo điểm nghẽn vườn dừa 

Xu hướng sử dụng sản phẩm thực vật thay thế sữa trên toàn cầu được dự báo sẽ đạt 38,9 tỉ USD vào năm 2025 với tốc độ tăng trưởng 12,5% mỗi năm. Nước dừa, sữa dừa, nước cốt dừa… từ Việt Nam được xem là nhiều triển vọng khi các doanh nghiệp tại Bến Tre, Trà Vinh, TP Hồ Chí Minh hợp tác với nhau. Nhưng đâu là điểm nghẽn?

Nhiều sản phẩm chế biến có nguồn gốc từ trái dừa được trưng bày tại Ngày hội bánh dân gian Nam bộ.

►Ngộ nhận cách làm truyền thống

Với hơn 1,3 triệu tấn dừa mỗi năm, Việt Nam là nước có sản lượng dừa lớn thứ 6 trên thế giới, chỉ đứng sau Indonesia, Philippines, Ấn Độ, Brazil và Sri Lanka. Bến Tre có trên 72.000ha, 200.000 hộ trồng dừa, chiếm gần một nửa tổng diện tích trồng dừa của cả nước, kế đó là Trà Vinh 22.000ha, với 88.920 hộ trồng dừa.  

Sản lượng dừa rất lớn nhưng giá dừa xiêm xanh chỉ khoảng 75.000 đồng/chục (12 trái), dừa lai 40.000 đồng/chục, dừa khô 100.000-115.000 đồng/chục là do cách trồng dừa truyền thống.

“Xin lỗi”, ở đây đã có sự nhầm lẫn về cách trồng dừa truyền thống. Thực ra từ xa xưa, người trồng dừa truyền thống thường sên mương, bồi đất, lấy dưỡng cây từ bùn, rác thực vật tại vườn, rất ít hoặc hầu như không sử dụng hóa chất.

Sự phụ thuộc hóa học tồn tại khoảng 3-4 thập niên gần đây đã thay đổi vườn dừa vì quan niệm hóa chất là “chiếc đũa thần” mang lại năng suất, sản lượng cao, trừ dịch hại chớp nhoáng. 

Nếu đối chiếu cách làm từ nửa thế kỷ trước sẽ thấy đó là suy nghĩ xa lạ với cách làm truyền thống từ lâu đời. Nếu so với nhu cầu khi tham gia chuỗi toàn cầu hiện nay thì đó không phải là cách tính tối ưu cho một ngành hàng có thị trường gần 39 tỉ USD.

Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu dừa, có năm lên tới 242 triệu USD và mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2019 là 11,93%/năm, là nhờ đâu?

 “4 triệu trái dừa tươi được xuất khẩu sang Mỹ, Canada, Úc, Nhật, Hàn Quốc, Singapore, HongKong, Dubai,… trong năm 2019” - ông Bùi Dương Thuật, Giám đốc Công ty TNHH XNK trái cây Mekong, tỉnh Bến Tre, nói: “Ban đầu chúng tôi không cạnh tranh lại với dừa Thái Lan, tới khi xây dựng vùng nguyên liệu hữu cơ, có thể đưa nhà nhập khẩu tới thăm vườn, chủ động được nguồn cung và khắc phục được điểm nghẽn về độ đồng đều, truy xuất nguồn gốc, việc xuất khẩu mới thực sự thuận lợi”.

Hiện nay 200 hộ nhà vườn với diện tích khoảng 70-80ha, đã hợp đồng trực tiếp với Công ty TNHH XNK trái cây Mekong, thực hiện quy trình chuyển đổi sang hữu cơ.

►Liên kết nguồn lực

So với Trà Vinh, Bến Tre đã đầu tư khép kín chuỗi cung ứng, không có gì bỏ đi trong quá trình chế biến dừa. Với 1.970 cơ sở thuộc ngành dừa, trong đó có 525 doanh nghiệp công nghiệp đầu tư lĩnh vực chế biến dừa, với tổng vốn đầu tư khoảng 20.500 tỉ đồng. Khoảng 133 doanh nghiệp trong số này sản xuất hơn 200 sản phẩm chế biến phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Betrimex nổi bật với kế hoạch đầu tư 50 triệu USD để tăng gấp ba sản lượng nước dừa và sữa dừa, nước cốt dừa lên 108 triệu lít vào năm 2022 và xây dựng một nhà máy than hoạt tính. 

Tại Trà Vinh, có 88.920 hộ trồng dừa, nhưng không có nhiều doanh nghiệp chế biến đầu tư theo chuỗi giá trị gia tăng. Ngoại trừ Công ty Trà Bắc là một thương hiệu có uy tín trong việc cung cấp than hoạt tính cho nhiều nước trên thế giới, đặc biệt được tin dùng tại Nhật.

Các thương nhân địa phương đã từng cạnh tranh nhau cung hàng cho các tàu buôn Trung Quốc vào tận sông rạch mua dừa trái, nhưng khi dòng chảy sản phẩm giá trị gia tăng được các nhà đầu tư: Betrimex, Lương Quới, Cửu Long, Trà Bắc… tham gia chuỗi giá trị, cuộc chơi đã thay đổi.

Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trên 200 triệu USD. Mục tiêu trong 5-10 năm tới giá trị kim ngạch xuất khẩu là nâng cao lên gấp 10 lần.

Chỗ dựa nào cho  ý tưởng 1-2 tỉ USD? Cứ tiếp tục phụ thuộc hóa chất và xem đó là chiếc đũa thần hay chuyển đổi thành vùng hữu cơ? Câu trả lời là sự phụ thuộc hóa chất chỉ thấy nguy, không thấy cơ hội. Và vì vậy cần liên kết để chuyển đổi.

►Mắt xích liên kết

Công ty TNHH Chế biến Dừa Lương Quới đã liên kết 5.000 nông hộ cung cấp dừa trái và cơm dừa sạch của 9 Hợp tác xã (HTX), 5 Tổ hợp tác trên địa bàn 23 xã thuộc 4 huyện với tổng diện tích khoảng 1.700ha tại các huyện Mỏ Cày Nam, Giồng Trôm, Bình Đại, Thạnh Phú và đang mở rộng sang huyện Mỏ Cày Bắc (tỉnh Bến Tre). Trong đó khoảng 40% nông hộ canh tác dừa theo tiêu chuẩn hữu cơ.

Mỗi tháng nguồn cung từ các HTX khoảng 750.000 trái, tương đương hơn 2.400 tấn cơm dừa sạch/tháng. “Vùng nguyên liệu dừa hữu cơ của công ty sẽ đạt 10.000ha vào năm 2025” - ông Nguyễn Bảo Trí, Phó Giám đốc Công ty TNHH Chế Biến Dừa Lương Quới, cho biết. Để sản lượng đủ lớn, công ty vừa hợp đồng bao tiêu sản phẩm hữu cơ với giá cao hơn giá thị trường từ 500.000-1.000.000 đồng/tấn sản phẩm đạt chất lượng vừa tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật canh tác, kỹ thuật ủ phân hữu cơ để nông hộ tự quản. Các phân xưởng sơ chế, các HTX sơ chế được công ty hỗ trợ kỹ thuật, công cụ sơ chế, mức hỗ trợ từ 80-100 triệu đồng...

Chuyển đổi vùng trồng dừa hiện nay sang hữu cơ không tốn nhiều chi phí, vấn đề là quyết tâm chuyển đổi của nhà vườn, theo Công ty Á Châu, tỉnh Bến Tre 200ha dừa ở xã Tân Hòa, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh sẽ được chứng nhận hữu cơ với sự hỗ trợ của Công ty Á Châu, cho thấy đã có sự liên thông giữa 2 địa phương thông qua phương thức hợp tác sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế. Trong năm 2020, công ty này sẽ có 500ha được chứng nhận hữu cơ.

 Được kỳ vọng như phương thuốc chữa lành những thương tích do hóa chất, phục hồi những giá trị tự nhiên từ đất, nguồn nước, đa dạng sinh học; trồng dừa theo phương pháp hữu cơ sẽ khôi phục nguồn thu từ tôm, cá, gà vịt, cây trái, công ăn việc làm, chi phí- lợi ích từ dừa hữu cơ, đáp ứng nhu cầu nhập khẩu từ các nước. Sự chuyển đổi trùng khớp với xu hướng mới nông nghiệp tái sinh (Regenative Agriculture) trên phạm vi toàn cầu thích ứng biến đổi khí hậu.

►Hợp lưu vượt ra khỏi địa giới hành chính

Việt Nam có khoảng 165.000ha dừa; sản lượng ổn định trên 1,49 tỉ trái; trong đó, Đồng bằng sông Cửu Long (chiếm 85,97% diện tích) và Duyên hải Nam Trung bộ (chiếm 9,52% diện tích). 

Nên nhớ rằng Ấn Độ có sản lượng 23,9 tỉ trái/năm; Indonesia 14,35 tỉ trái; Philippines 14,04 tỉ trái;  Brazil 2,34 tỉ trái; Srilanka 2,45 tỉ trái; Mexico 1,15 tỉ trái; Thái Lan 0,67 tỉ trái. Dừa Việt Nam phải cạnh tranh với nguồn lực rất lớn khi vươn ra toàn cầu. Do đó, sự liên kết dòng chảy giữa các doanh nghiệp xuất khẩu Bến Tre, Trà Vinh trong việc tạo ra sức mạnh từ sản phẩm giá trị gia tăng, hợp lưu theo chuỗi giá trị ngành hàng là cách chuyển đổi tuyệt vời.

TS. Jelfina C.Alouw, thuộc Tổ chức cộng đồng Dừa quốc tế ICC, nhận xét: “Xu hướng tiêu dùng dừa bùng nổ thị trường mạnh nhất là nước dừa, tăng 21% xu hướng thị trường; dầu dừa tinh khiết, sản phẩm kem dừa, sữa dừa, dòng sản phẩm bột dừa (tăng từ 9-18,7%). Những sản phẩm đóng chai từ dừa, dừa sấy khô, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ dừa là một cách tạo điểm nhấn khá thú vị. Tuy nhiên, Việt Nam nên tạo điểm nhấn từ yếu tố dinh dưỡng, đa dạng sản phẩm”.

“Trẻ hóa” vườn dừa gắn với chế biến, nguyên liệu hữu cơ là nền tảng, nhưng muốn làm được thì cần một bước đột phá về công nghệ” - theo TS Jelfina C.Alouw.

“Năm 2019, chúng tôi có 3 dòng sản phẩm mới đưa ra thị trường là giấy thấm dầu (mỹ phẩm và gia dụng) từ dừa, mặt nạ dừa tế bào gốc và ống hút làm từ nước dừa” - bà Trương Thị Cẩm Hồng, Giám đốc Công ty TNHH chế biến sản phẩm dừa Cửu Long, cho biết.

Hiện nay, công ty này đưa ra thị trường 22 sản phẩm giá trị gia tăng thuộc nhóm mỹ phẩm từ nguyên liệu dừa. Riêng ống hút dừa bằng công nghệ lên men vi sinh nước dừa đưa ra thị trường từ tháng 9-2019. Sản phẩm có nhiều ưu điểm (dẻo, không bị gập, rã, gãy khi ngâm vào nước, màu trắng tự nhiên). Giá bán lẻ 30.000 đồng/hộp/60 ống loại nhỏ và 25.000 đồng/hộp/30 ống loại lớn.

“Đối tác Đan Mạch và Úc muốn bao tiêu toàn bộ, nhưng chúng tôi chưa thể ký kết mở rộng thị trường do tới tháng 9-2020 mới hoàn tất việc lắp đặt dây chuyền tự động hóa để đạt công suất dự kiến 10.000 ống/ngày. Hiện nay, chúng tôi chỉ mới nâng lên 3.000 ống/ngày, tăng gấp 3 lần công suất trước đây” - bà Cẩm Hồng cho biết.

Vẫn còn điểm nghẽn khác cần tháo gỡ, theo TS Jelfina C.Alouw: “cơ sở hạ tầng giao thông đang là điểm nghẽn ở ĐBSCL”.

Không chỉ tại Bến Tre mà ở những vùng trồng dừa chuyển đổi ở Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh, việc vận chuyển dừa từ xã ra huyện phải qua 2-3 chặng, thay đổi phương tiện vận chuyển khi xe container chỉ đến thị trấn Cần Quan.

Một thương nhân chuyên thu gom dừa nói: “Đồng bằng chằng chịt sông rạch, hiện nay hệ thống cống đập kiểm soát nước, ghe lớn không thể thông thương và rất nhiều cầu tuyến huyện có trọng tải không quá 10 tấn, xe container 20 feets (20 tấn) không được phép lưu thông. Chi phí vận chuyển, bốc xếp tăng cao và nhiều khi công ty lớn muốn làm ăn nhưng ngán ngại tới những vùng này.

Bài, ảnh: CHÂU LAN

Chia sẻ bài viết