 |
Nhiều công trình hạ tầng đang hình thành tại
Khu đô thị mới Nam Cần Thơ
(ảnh tại khu nhà ở Nam Long). |
Lần đầu tiên TP Cần Thơ thuê tư vấn nước ngoài lập đồ án điều chỉnh quy hoạch (QH) chung xây dựng TP Cần Thơ đến năm 2030. Đồ án vừa được thông qua lần đầu hôm 7-7-2010 và nhận được nhiều ý kiến đồng tình của lãnh đạo thành phố và các sở, ngành, địa phương. Đồ án điều chỉnh lần này với mục tiêu đưa Cần Thơ trở thành đô thị cấp quốc gia và quốc tế, là thành phố trẻ năng động, là trung tâm và động lực của vùng ĐBSCL, là cửa ngõ của tiểu vùng sông Mê Công hướng ra biển Đông, là hạt nhân thứ tư của cả nước
THÀNH PHỐ CÔNG NGHIỆP HIỆN ĐẠI
Xuất phát từ yêu cầu phát triển của thành phố trong giai đoạn mới, cách nay khoảng 2 năm, thành phố đã trình lên Thủ tướng Chính phủ đề xuất điều chỉnh QH xây dựng nhằm phát triển phù hợp của đô thị loại 1 - đầu mối quan trọng về giao thông vận tải và liên vận quốc tế của vùng ĐBSCL và cả nước. Đề xuất này được Thủ tướng Chính phủ thống nhất, và chính thức bắt tay vào thực hiện ngay sau đó.
Đồ án được nhóm OSA là các giáo sư tiến sĩ Trường Đại học Katholieke Leuven (Khoa kiến trúc Đô thị và Quy hoạch), Vương quốc Bỉ kết hợp với Viện Kiến trúc QH Đô thị và Nông thôn miền Nam Bộ Xây dựng thực hiện. Nhóm các nhà tư vấn đã đề xuất phát triển thành phố trở thành trung tâm thương mại dịch vụ, trung tâm khoa học công nghệ, y tế, giáo dục đào tạo, văn hóa của quốc gia và vùng ĐBSCL; điều chỉnh không gian thành phố theo hướng phát triển toàn diện, cân bằng và bền vững, phát triển hài hòa giữa khu đô thị mới và đô thị truyền thống, giữa công nghiệp và nông nghiệp; làm cơ sở để khai thác các QH chi tiết, lập các dự án đầu tư từ nay đến 2030. Cụ thể, các nội dung và yêu cầu nghiên cứu nhằm định hướng phát triển không gian thành phố đảm bảo đặt trong mối quan hệ với vùng ĐBSCL, với vùng kinh tế trọng điểm Nam Bộ, vùng TP Hồ Chí Minh, cả nước, khu vực và quốc tế. Đề xuất định hướng phát triển kiến trúc cảnh quan cho các khu chức năng như: Khu trung tâm đô thị, khu ở, các khu vực đô thị cũ, các trục không gian chính dọc các tuyến cao tốc, khu du lịch, không gian cây xanh, mặt nước, đặc biệt khu vực cảnh quan hai bờ sông Cần Thơ, sông Hậu, các khu sinh thái đặc thù...
Nhóm tư vấn nghiên cứu rất toàn diện và đưa ra đề xuất định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Xác định mạng lưới giao thông đối ngoại gồm các trục đường quốc lộ, đường bộ cao tốc (tuyến cao tốc TP Cần Thơ Châu Đốc Phnôm Pênh), đường sắt, đường thủy và hàng không dựa trên nghiên cứu mối quan hệ vùng và hệ thống giao thông đối nội. Đề xuất các giải pháp giao thông thành phố: trên cao, trên mặt đất, dưới mặt đất... đảm bảo giao lưu thuận lợi giữa các khu đô thị với khu công nghiệp, khu du lịch và các khu chức năng trong đô thị. Ngoài ra, các vấn đề tư vấn bổ sung là hình thành khi đô thị mới ở quận Ô Môn và Nông trường Sông Hậu, phạm vi nghiên cứu 20.000 ha với chức năng là Trung tâm hành chính, Trung tâm thương mại Tài chính quốc tế, Trung tâm công nghệ sinh học, Trung tâm công nghệ cao, Trung tâm nghiên cứu đào tạo quốc gia và Trung tâm y tế chuyên khoa của vùng...
Trong QH điều chỉnh này, toàn thành phố có diện tích trên 140.000 ha, trong đó có hơn 40.000 ha đất xây dựng, đến năm 2030 dự kiến dân số đạt 2 triệu người, trong đó có hơn một nửa là dân ở đô thị... Đây là lần báo cáo đầu tiên, nhưng với sự chuẩn bị khá kỹ của nhóm tư vấn nên nhận được sự đồng tình cao của lãnh đạo thành phố, tạo thuận lợi cho việc triển khai các bước điều chỉnh đồ án giai đoạn tiếp theo.
QUY HOẠCH PHỤC VỤ ĐỜI SỐNG NGƯỜI DÂN
Xác định công tác quy hoạch nhằm phục vụ người dân, do đó cần phải có ý kiến phản biện từ phía người dân. Chủ tịch UBND thành phố Trần Thanh Mẫn cho biết: Đây là lần đầu tiên thành phố thuê tư vấn nước ngoài thực hiện đồ án điều chỉnh QH với mục đích sử dụng lâu dài, không lạc hậu, ít nhất đến năm 2030 không phải điều chỉnh nữa. Do đó, tư vấn cần lưu ý, đây sẽ là công việc rất khó khăn, phức tạp, phải làm kỹ, chậm mà chắc. Sau lần góp ý này, nhóm tư vấn phối hợp Sở Xây dựng thành phố trưng bày QH này để lấy ý kiến đóng góp của người dân, các nhà khoa học, cán bộ hưu trí, doanh nghiệp... để đồ án thể hiện được nguyện vọng của nhân dân, sát đời sống, khả thi hơn. Trong QH điều chỉnh phải thể hiện được thực trạng, thay đổi chỗ nào, điều chỉnh bổ sung nằm chỗ nào để người dân nắm bắt, phản hồi ý kiến...
Ông Mai Như Toàn Phó giám đốc Sở Xây dựng thành phố, đánh giá: Với những giải pháp cây xanh, thiết kế đô thị đi sâu cụ thể từng đô thị một là điểm rất mới, đề xuất táo bạo, nghiên cứu kỹ và quan tâm tới nhiều lĩnh vực đặc biệt biến đổi khí hậu; cây xanh và mặt nước. Tuy nhiên, đơn vị tư vấn cần đề cập đánh giá phân tích mối liên hệ đô thị giữa TP Cần Thơ với An Giang; Bình Minh (Vĩnh Long) để đảm bảo phát triển hài hòa... KTS Trần Kiều Định, Chủ tịch Hội KTS TP Cần Thơ, cho biết: Đề xuất của các nhà tư vấn đã biểu hiện đúng tính chất đô thị Cần Thơ. Cân đối hạ tầng kỹ thuật, phân loại đất là khá hợp lý. Việc bố trí đô thị xen lẫn nông nghiệp là hợp lý, thể hiện TP Cần Thơ là bản lề hạ tầng của vùng ĐBSCL để không pha lạc Cần Thơ với các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Tuy nhiên, đề xuất xây dựng trục đường 20km từ trung tâm thành phố đến Ô Môn là tốt, nhưng làm cách nào để đầu tư, cần phải nghiên cứu để tìm nguồn lực đầu tư sao cho phù hợp với sự phát triển trong trước mắt và tương lai.
Chủ tịch UBND thành phố Trần Thanh Mẫn yêu cầu: Nhóm tư vấn cần xem xét đối chiếu thật kỹ những định hướng xây dựng phát triển của thành phố mà Chính phủ đã có chủ trương bằng những văn bản cụ thể trước đây. Muốn phát triển thành thành phố công nghiệp thì phải chuyển một phần nông nghiệp qua thành đất công nghiệp sao cho phù hợp. Nếu để tồn tại nông nghiệp thì phải là nông nghiệp công nghệ cao, đạt giá trị cao. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện kiến trúc cảnh quan, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, môi trường bền vững...
Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Lê Hồng Phát cho biết: Nhiều ý kiến đóng góp ủng hộ phương án đề xuất mang tính đột phá của nhóm tư vấn. Song, cần có sự đánh giá phân tích rõ hơn các mối quan hệ đối ngoại, đặc biệt các vùng tỉnh thành lân cận như An Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang và Kiên Giang. Nên nghiên cứu, không nên giảm diện tích đất công nghiệp, cập nhật các khu công nghiệp hiện nay và tương lai vào đồ án, vì định hướng TP Cần Thơ sẽ trở thành thành phố công nghiệp. Xem xét thêm về mối quan hệ giữa đô thị và các khu vực nông thôn. Các trung tâm vùng nông thôn cần được đánh giá đúng vị trí và vai trò để có quy hoạch hợp lý đảm bảo phục vụ sự phát triển các khu vực nông nghiệp. Hệ thống giao thông thủy cần nghiên cứu tuyến Đông Tây để kết nối các trục vuông góc sông Hậu...
Bài, ảnh: THIỆN KHIÊM