06/10/2023 - 18:49

Thanh khoản dồi dào, dòng vốn vẫn chảy chậm 

Theo Vụ Dự báo, thống kê - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) quý IV-2023 cho thấy, thanh khoản ngân hàng vẫn dồi dào, nhưng tăng trưởng tín dụng thấp hơn kỳ vọng. Các TCTD dự báo lãi suất cho vay tiếp tục giảm trong quý IV, là điều kiện để kỳ vọng dư nợ cho vay tăng cuối năm.

Dòng vốn chảy chậm

Để hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế, ngoài điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động, NHNN đã 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, với mức giảm 0,5-2%/năm nhằm tạo điều kiện cho các TCTC giảm lãi suất cho vay. Theo thống kê của NHNN, hiện mặt bằng lãi suất cả chiều huy động và cho vay đã giảm hơn 1%/năm so với cuối năm 2022 (đối với các khoản vay mới). Tính đến đầu tháng 9-2023, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại (NHTM) ở mức 4,8%/năm và 8,4%/năm. Trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao thì việc giảm lãi suất cho vay là nỗ lực rất lớn của NHNN trong điều hành, cùng sự chia sẻ của hệ thống NHTM.

Quý III, ngành sản xuất khả quan hơn nhờ sự phục hồi của thị trường xuất khẩu, nhưng nhu cầu vay vốn lại thấp hơn kỳ vọng, dòng vốn chảy ra thị trường vẫn chậm. Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của Vụ Dự báo, thống kê (NHNN), tỷ lệ TCTD nhận định nhu cầu vay vốn của khách hàng trong quý III-2023 là “cải thiện” nhưng đạt mức thấp hơn so với quý II và thấp hơn mức kỳ vọng tại kỳ điều tra trước.

Các TCTD kỳ vọng nhu cầu tín dụng sẽ tăng cao vào mùa sản xuất kinh doanh cuối năm. Ảnh: T.H

Các TCTD kỳ vọng nhu cầu tín dụng sẽ tăng cao vào mùa sản xuất kinh doanh cuối năm. Ảnh: T.H

Theo NHNN, tính đến 21-9-2023, tín dụng toàn hệ thống tăng 5,91% so với cuối năm 2022; ước đến cuối tháng 9-2023, tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,63 triệu tỉ đồng (tăng khoảng 6,1-6,2% so với cuối năm 2022). Tín dụng tăng chậm hơn năm 2022, do tác động từ bên ngoài vào và cả khó khăn của các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Nhận định về thanh khoản ngân hàng, các TCTD cho biết trong quý III, thanh khoản của hệ thống ngân hàng tiếp tục duy trì trạng thái “tốt”, “cải thiện” hơn so với quý trước. Các TCTD dự báo tình hình thanh khoản sẽ tiếp tục dồi dào trong quý cuối năm và cả năm 2023 so với năm 2022.  

Với diễn biến hiện tại của nền kinh tế vĩ mô và các khó khăn, thách thức từ bên ngoài, các TCTD kỳ vọng bình quân mặt bằng lãi suất huy động và cho vay toàn hệ thống tiếp tục giảm 0,26 - 0,35 điểm phần trăm trong quý IV-2023. So với năm 2022, mặt bằng rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng được các TCTD nhận định tăng đáng kể trong năm 2023, tuy nhiên kỳ vọng có thể giảm nhẹ trong năm 2024.

Ở thời điểm hiện tại, bên cạnh 63% TCTD nhận định rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng ở mức “bình thường” và 4,6% nhận định rủi ro ở mức “thấp”; có 32,4% TCTD nhận định rủi ro tổng thể của khách hàng ở mức “cao” và “khá cao”. NHNN cũng đã chỉ đạo các TCTD tăng cường kiểm soát tín dụng các lĩnh vực rủi ro cao; đồng thời hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên để đảm bảo chất lượng tăng trưởng tín dụng.

Thị trường xuất khẩu thủy sản phục hồi là điều kiện để doanh nghiệp tăng tốc cuối năm. Ảnh: T.H

Thị trường xuất khẩu thủy sản phục hồi là điều kiện để doanh nghiệp tăng tốc cuối năm. Ảnh: T.H

Kỳ vọng tín dụng tăng trưởng đạt mục tiêu

Các tổ chức quốc tế dự báo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ chậm lại trong năm 2023. Với sự bất định lớn trong ngắn hạn, các chính sách của Việt Nam nên tập trung vào bảo đảm ổn định tài chính và kinh tế vĩ mô; đồng thời đẩy mạnh thực hiện cải cách chính sách.

Báo cáo điểm lại kinh tế Việt Nam tháng 8, chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định qua 4 đợt cắt giảm lãi suất điều hành, lãi suất cho vay đã giảm nhưng tín dụng vẫn tăng trưởng thấp, cho thấy nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp đang yếu đi. WB khuyến cáo, Việt Nam tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ phù hợp của kinh tế toàn cầu trong ngắn hạn. Vì nhu cầu tín dụng vẫn tiếp tục ở mức thấp, việc cắt giảm lãi suất thêm nữa chưa chắc đã đem lại hiệu ứng mong muốn nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Bởi cắt giảm lãi suất sẽ làm tăng chênh lệch lãi suất với các thị trường toàn cầu, có khả năng gây áp lực lên tỷ giá.

Năm 2023, NHNN đã điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 14% và lý giải đây là mức tăng phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế hiện tại. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý IV cũng ghi nhận, huy động vốn toàn hệ thống TCTD được kỳ vọng tăng bình quân 3,2% trong quý IV-2023 và tăng 8,7% trong năm 2023. Các TCTD đã điều chỉnh giảm so với mức kỳ vọng 10,6% ghi nhận tại kỳ điều tra trước.

Bên cạnh đó, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được kỳ vọng tăng 4,6% trong quý IV và tăng 12,3% trong năm 2023. Các TCTD cũng đã điều chỉnh giảm 0,2 điểm phần trăm so với mức dự báo 12,5% tại kỳ điều tra trước.

Theo kết quả điều tra, các TCTD đánh giá tình hình kinh doanh và lợi nhuận của hệ thống ngân hàng trong quý III chưa có sự cải thiện như kỳ vọng tại kỳ điều tra trước. Vì vậy, các TCTD tiếp tục điều chỉnh thu hẹp kỳ vọng về tình hình kinh doanh và lợi nhuận trong thời gian tới. Với 66,7-72,1% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý IV và cả năm 2023 (thấp hơn tỷ lệ 70,3-74,8% của kỳ trước). Đồng thời, số TCTD lo ngại tình hình kinh doanh “suy giảm” cũng tăng lên. Trong năm 2023, có 82,6% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế dự kiến tăng trưởng dương so với năm 2022, nhưng vẫn có 13,8% TCTD lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2023. Chỉ 3,7% TCTD ước tính lợi nhuận không thay đổi.

Cũng theo kết quả điều tra, 71-75,7% TCTD đánh giá “Chính sách lãi suất, tín dụng, tỷ giá của đơn vị” là nhân tố nội tại quan trọng nhất ảnh hưởng tích cực tới tình hình kinh doanh của đơn vị trong 2 quý liên tiếp (quý II, III-2023) và kỳ vọng trong cả năm 2023. Các TCTD đánh giá “Chính sách tín dụng, lãi suất và tỷ giá của NHNN” tiếp tục là nhân tố khách quan quan trọng nhất giúp “cải thiện” tình hình kinh doanh của TCTD trong quý III và cả năm 2023. Kế đó là “Cầu của nền kinh tế đối với sản phẩm dịch vụ của đơn vị” và “Điều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng” cũng là nhân tố tích cực. Còn “Sự cạnh tranh từ các TCTD khác” tiếp tục được đánh giá là nhân tố tác động tiêu cực làm “suy giảm” tình hình kinh doanh của TCTD trong quý III và dự kiến cả năm 2023. Dù vậy, các TCTD cũng kỳ vọng cầu thị trường giữ ở mức cao, niềm tin kinh doanh tiếp tục củng cố để tăng thêm động lực vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

SONG NGUYÊN

Chia sẻ bài viết