02/04/2016 - 15:08

Thánh đường cù lao Giêng- thánh đường xưa nhất miền Nam

Thánh đường cù lao Giêng hay còn gọi là Thánh đường họ Đầu Nước, là nhà thờ thuộc Giáo phận Long Xuyên, tọa lạc tại ấp Tấn Bình, xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới. Theo những cư dân bản địa, đây là ngôi thánh đường đầu tiên của xứ Nam Kỳ.

Theo sử cũ, nửa đầu thế kỷ XVII, lưu dân người Việt tiếp tục về phương Nam, định cư ở một số cù lao. Từ các nhánh sông Tiền, ngược về vùng thượng lưu, đã có lác đác cư dân sinh sống trên một số cồn, bãi, sau gọi là cù lao Tây, cù lao Tán dù… nhưng trước hết có lẽ là cù lao Giêng. Đến đầu thế kỷ 18, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Thoát, do ban nhiều chỉ dụ gắt gao cấm việc truyền bá đạo Thiên Chúa, nên một số người theo đạo (có cả các Cha cố người Pháp) đã đến cù lao Giêng trốn tránh, rồi lập ra các cơ sở tôn giáo ở đây. Năm 1778, một đoàn lưu dân Thiên Chúa kéo đến ngụ ở cù lao Giêng, mở đất, lập giáo đường. Nếu tính theo dòng chảy của sông Tiền, thì đây là nhà thờ đầu tiên và lớn nhất được xây dựng ở Tây Nam bộ tính từ hạ lưu sông Mê Kông. Cho nên, Họ đạo nơi đây có tên là "Họ đạo Đầu Nước", cù lao Giêng có thêm tên là "cù lao Đầu Nước".

Sau khi Cha Sở Maille chết, Cha Augustinus- Baptista Gazignol (thường gọi là Cha Nho; sinh năm 1843, mất năm 1917), thuộc Hội thừa sai Paris (MEP) về coi sóc Họ đạo Đầu Nước. Khi ấy, nhà thờ cù lao Giêng đã xuống cấp, trong khi số lượng giáo dân ngày càng tăng. Vì vậy cần phải xây dựng lại một ngôi nhà thờ khang trang hơn. Khoảng năm 1875, dưới triều vua Tự Đức, linh mục Augustinus- Baptista Gazignol cho xây dựng một lò gạch tại cù lao Giêng để chuẩn bị gạch cho việc xây dựng lại nhà thờ. 4 năm sau, năm 1879, nhà thờ cù lao Giêng được khởi công xây dựng, và 10 năm sau (1889), dưới triều vua Đồng Khánh mới hoàn thành. Đa phần vật liệu xây dựng đều được chuyên chở từ Pháp sang. Năm 1924, thời cha sở M. Hion, nhà thờ được xây phía sau thêm 1 căn làm phòng thánh. Từ khi xây dựng đến nay, nhà thờ qua nhiều đợt trùng tu vào các năm: 1924, 1960, 1994, 2003… nên ngày càng khang trang.

*

* *

Nhà thờ cù lao Giêng được thiết kế theo mô-típ Romane, xây dựng trên diện tích 7.367m2. Tòa tháp chuông cao 35m, trên hình bầu tròn, dưới hình vuông với nhiều đường nét hoa văn chạm trổ công phu, tinh xảo. Tường vách của nhà thờ được xây dựng từ gạch đặc ruột, bản to và chắc chắn cùng với các chất kết dính như hồ ô dướt và phụ liệu. Tường nhà thờ khá dày nên bên trong nhà thờ luôn thoáng mát. Trần nhà thờ là mái vòm hình bán nguyệt cao vút với những đường viền hoa văn rất đẹp. Chánh điện thờ tượng Đức mẹ Vô nhiễm Nguyên tội được mang từ Pháp sang, đến nay vẫn còn nguyên vẹn chất liệu và màu sắc.

 Thánh đường cù lao Giêng. Ảnh: Đức Vịnh

Phía trước mặt nhà thờ là tháp chuông cao, trong tháp chuông có hai quả chuông đồng đúc tại Pháp do gia đình ông Phaolô Lê Văn Sang kính dâng, đặt ở lầu một và lầu thượng. Lòng nhà thờ có ba căn, căn chính rộng 8m, hai căn phụ mỗi căn rộng 4m. Hiện nay hầm mộ Cha Augustinus- Baptista Gazignol và hai cha phó vẫn ở giữa phía dưới lối đi bên trong nhà thờ.

Cách nhà thờ cù lao Giêng không xa là tu viện Phan-xi-cô và tu viện Chúa Quan Phòng. Trước kia cơ sở này là chủng viện của địa phận Đàng Trong. Sau năm 1945, cơ sở bị cháy, chỉ còn sót lại nhà thờ, nhà bếp và nhà các chú. Khu nhà bị bỏ hoang trong nhiều năm. Tháng 9-1957, cha Bonaventura Trần Văn Mân và 5 linh mục dòng Phan-xi-cô đến tiếp nhận cơ sở để lập tu viện.

Tháng 8- 1967 cha Bonaventura thành lập Trung Tâm Hansen Cửu Long để điều trị những bệnh nhân phong thuộc 6 tỉnh ĐBSCL cũ. Sau 1975, Sở Y tế An Giang tiếp nhận cơ sở và quản lý điều hành cho đến năm 1986 thì giao lại cho Trung tâm y tế huyện Chợ Mới. Đầu năm 1999 chương trình thanh toán bệnh phong cơ bản đã hoàn thành. Hiện nay cơ sở đã được nâng cấp và trở thành Trường Dân lập Sơn Ca. Đây là công trình hợp tác giữa Dòng Chúa Quan phòng và Dòng Phanxicô, theo ước nguyện cuối cùng của cố linh mục Bonaventura Trần Văn Mân.

Tu viện Phan-xi-cô tọa lạc trong khuôn viên 71.000m2, với lối kiến trúc vòm nhọn, có nhiều cửa sổ và kích thước cửa sổ lớn hơn cửa sổ ở nhà thờ Cù lao Giêng. Tu viện Phan-xi-cô gồm 3 dãy dối xứng hình chữ U, ở giữa là sân lớn, sau có nhà sinh hoạt gồm nhà thờ, gian bếp, nhà ở của linh mục, nhà tĩnh tâm, tháp chuông. Nhà thờ có vòm mái hình sóng cuộn, nhiều cửa lớn có thể mở được, tạo nét thanh thoát và tràn ngập ánh sáng…

Kề với tu viện Phan-xi-cô là tu viện rộng lớn của dòng nữ tu Providence (dòng Chúa Quan Phòng), do các nữ tu người Pháp lập ra vào năm 1874, được xây dựng trên khu đất có diện tích 70.000m2. Theo tư liệu của Tu viện, tháng 12- 1875, sáu nữ tu dòng Chúa Quan Phòng từ Pháp xuống tàu để đến cù lao Giêng- Việt Nam. Sáu nữ tu đặt chân lên đất cù lao Giêng vào ngày 12-1-1876. Ba tuần sau khi đến cù lao Giêng, các nữ tu bắt tay vào việc nhận trẻ mồ côi để nuôi dưỡng. Năm 1925, Ấu Nhi viện cù lao Giêng có tới trên 300 em. Từ đó phát sinh ra trường Sơ cấp, trường Dạy nghề, và một bệnh viện được xây năm 1887. Nhu cầu phát sinh nhu cầu, cù lao Giêng tiếp tục có thêm Chẩn Y viện, nhà Bảo sanh...

Hiện nay cơ sở chính của nữ tu dòng Chúa Quan Phòng được đặt tại Cần Thơ, còn cơ sở ở cù lao Giêng là nơi an dưỡng của các nữ tu già yếu thuộc dòng tu này. Tu viện dòng Chúa Quan Phòng ở Cù lao Giêng là một quần thể kiến trúc lớn, sử dụng nhiều cuốn cửa và vòng bán cầu kết hợp các ô gió và tháp nhỏ tạo kiến trúc đặc trưng. Mỗi tầng có cuốn tương ứng, tầng dưới cuốn to, tần trên hẹp dần thành những cửa sổ ghép đá. Cuốn cửa được chia làm 2 hay 3 phần được đỡ bởi những cột hình tròn hoặc cạnh, đầu cột úp ngược, trang trí hoa lá, hình học cuộn vào nhau.

Bên cạnh Tu viện Chúa Quan Phòng và nhà thờ cổ của dòng tu Phan-xi-cô, gần đó là đền tưởng niệm hai vị Thánh tử đạo là Phêrô Đoàn Công Quí và Emmanuel Lê Văn Phụng. Những công trình kiến trúc độc đáo gần kề nhau nằm dọc theo bờ cù lao, mặt hướng ra sông Tiền, góp phần tạo cho cù lao Giêng thêm hấp dẫn bởi nét cổ kính của miệt vườn sông nước Cửu Long mà ít nơi nào có được.

ĐỨC VINH

Chia sẻ bài viết