24/09/2013 - 08:49

Thành công nhờ sáng tạo

Nhiều nhà vườn trồng bưởi da xanh ở tỉnh Bến Tre đang điêu đứng vì bưởi bị sâu đục trái tấn công, năng suất giảm, ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của gia đình. Vậy mà, ông Mai Văn Rẩy, ngụ ấp Hội Thành, xã Tân Hội, huyện Mỏ Cày Nam vẫn "sống khỏe" bằng cách trồng bưởi xen canh trong vườn dừa nhờ áp dụng phương thức sản xuất theo hướng IPM (phòng trừ dịch hại tổng hợp), dùng vải bao trái bưởi.

Ông Mai Văn Rẩy vừa thu hoạch đợt bưởi da xanh bán cho thương lái. Ông có 6 công đất dừa trồng xen bưởi da xanh, đợt thu hoạch này hái được 430kg trái; thương lái đến tận vườn thu mua, bưởi loại 1 giá 36.000 đồng/kg. Nếu tính mức trung bình (loại 1, 2 và 3), giá bán 19.000 đồng/kg bưởi, ông Rẩy thu về hơn 8 triệu đồng. Ông Rẩy so sánh nếu giá dừa khô dưới mức 100.000 đồng/chục (12 trái) thì thu nhập thấp hơn bưởi da xanh rất nhiều. 6 công đất vườn của ông Rẩy trước đây trồng cam, thu hoạch một thời gian, cây cam bị bệnh vàng lá. Ông chuyển sang trồng nhãn, thu hoạch được vài năm lại xuất hiện bệnh chổi rồng. Năm 2006, tham gia dự án bưởi da xanh của tỉnh Bến Tre, ông Rẩy trồng dừa mật độ thưa và trồng xen cây bưởi da xanh. Mỗi công đất trồng 40 cây bưởi, dự án đầu tư cho ông 240 cây bưởi giống. Sau 3 năm, cây bưởi cho trái chiến, tán cây xòe rộng. Từ tháng 8-2012 đến nay, cây bưởi đã cho trái ổn định. Cao điểm, trái bưởi da xanh loại 1 (từ 1,2-1,4kg/trái) giá bán lên đến 50.000 đồng/kg, đem lại nguồn thu cao cho người trồng.

Ông Rẩy chăm sóc vườn bưởi.

Ông Rẩy nói: "Không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Thời gian gần đây, sâu đục trái xuất hiện và tấn công trái bưởi. Không có thuốc đặc trị, nhiều nhà vườn phòng trị không kịp thời, phải đốn bỏ bưởi. Trên thị trường có bán túi bao trái bưởi, giá 1.200 đồng/túi. Sử dụng túi bọc trái này sẽ ngăn được sự tấn công của sâu, nhưng túi bọc nếu gặp mưa thì 2 tháng phải thay túi mới, rất tốn kém, nên tôi bàn với vợ ra chợ mua vải thun về may túi bao bưởi. Một mét vải thun loại mỏng, giá từ 7.000 - 7.500 đồng, về may được 5-6 túi; khi thu hoạch vẫn có thể tái sử dụng lại túi để bao trái bưởi khác. Túi vải này còn có tác dụng giữ màu xanh cho trái bưởi, nếu dùng túi vải thun loại dày, ánh sáng mặt trời khó xuyên qua, trái bưởi khi thu hoạch vỏ bưởi xanh nhạt, không đẹp mắt. Bởi người tiêu dùng thường lựa chọn bưởi màu xanh đậm". Ngoài bao trái, ông Rẩy cũng hạn chế sử dụng phân hóa học bón, thuốc bảo vệ thực vật trên vườn bưởi, thay vào đó là phân hữu cơ và vô cơ, vừa giúp đất tơi xốp, cây phát triển tốt, vừa bảo vệ môi trường, bảo vệ những loài thiên địch có lợi cho cây trồng. Từ cách làm sáng tạo này, cây bưởi da xanh đã mang lại nguồn thu nhập chính cho gia đình ông Rẩy, do giá bưởi luôn ổn định ở mức cao. Theo ông Rẩy, hiện trái bưởi chỉ còn bị nấm hồng, rệp sáp nhưng sử dụng thuốc phun xịt sẽ loại trừ được.

Ngoài tìm hiểu kỹ thuật canh tác, rút tỉa kinh nghiệm thực tiễn, ông Rẩy luôn tuân thủ hướng dẫn của cán bộ ngành nông nghiệp trong áp dụng IPM trên cây bưởi. Giờ đây, vườn bưởi của ông Rẩy đa dạng sắc màu từ những túi vải bao bưởi, vừa bắt mắt, tạo cảm giác thoải mái khi ra vườn chăm sóc cây. Và cũng nhờ lớp vải bao bọc này, trái bưởi không bị sâu đục trái, giữ nguyên màu sắc xanh đậm khi thu hoạch, giá bưởi luôn được thương lái trả cao, tháng nào ông cũng có thu nhập từ trái bưởi, hằng năm thu nhập trên 100 triệu đồng. Nhiều hộ dân trồng bưởi ở Hội Thành cũng học cách làm của ông Rẩy để áp dụng cho vườn nhà. Ông Rẩy sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất với bà con trong khu vực, thắt chặt tình nghĩa xóm giềng, vừa cùng nhau làm kinh tế.

Bài, ảnh: Trần Quốc

 

Chia sẻ bài viết