07/03/2009 - 09:40

“Theo đuổi hạnh phúc” (The Pursuit Of Happyness)

Thành công của những người kiên trì thực hiện ước mơ

307 triệu USD trên toàn cầu là con số doanh thu đáng kinh ngạc và kỷ lục cho một bộ phim không có cả anh hùng lẫn giai nhân, không có quái vật, kinh dị hay hài hước, không có chết chóc hay các pha hành động, mà chỉ là câu chuyện tự kể của một con người đang theo đuổi giấc mơ hạnh phúc. Phim do đạo diễn Gabriele Muccino thực hiện, theo tự truyện bestseller của Chris Gardner, người từng tay trắng làm nên sự nghiệp, mang về cho diễn viên Will Smith một đề cử Oscar và một đề cử Quả cầu vàng cho vai chính xuất sắc.

Phim sẽ được chiếu vào 20 giờ thứ 7 ngày 7-3; 14 giờ Chủ nhật 8-3 trên kênh truyền hình HBO.

 Hai cha con lang thang khắp nơi cùng chiếc máy scanner.

Tại San Francisco vào năm 1981, thành phố tuy thịnh vượng nhưng có mặt trái cực kỳ khắc nghiệt với những kẻ lỡ bị đứng ngoài lề cuộc sống. Chris (Will Smith) và vợ là Linda (Thandie Newton) cùng con trai Christopher (Jaden Smith) sống trong một căn hộ cho thuê. Chris nghĩ mình sẽ thành công khi làm người bán hàng đa cấp cho một loại máy scanner. Gia đình anh lâm vào cảnh tồi tệ vì mặt hàng này bán không được do giá quá cao. Lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, cuộc sống của Chris càng lúc càng tồi tệ khi đồ đạc lần lượt từng thứ một bỏ anh ra đi: đầu tiên là xe bị tịch thu vì không trả nổi tiền vé phạt, căn nhà cũng bị lấy vì thiếu tiền thuê nhà..., rồi vợ Chris không chịu nổi cảnh sống kham khổ đã bỏ đi New York.

Không việc làm, không nhà cửa, không tương lai, Chris dẫn con lang thang đi tìm việc và phải qua đêm ở đầu đường, xó chợ hay nhà vệ sinh của trạm xe điện ngầm. Sang hơn một tí thì được qua đêm tại trại tế bần và qua bữa bằng những bữa cơm từ thiện. Nhưng Chris vẫn miệt mài tìm kiếm từng cơ hội để có việc làm kể cả thử việc không ăn lương 6 tháng cho công ty Dean Witter Reynolds chuyên mua bán cổ phiếu. Đây là thử thách với Chris vì anh còn chưa có nổi tấm bằng đại học và phải chọi với 35 người khác để giành một suất làm việc chính thức. Anh vẫn phải cố gắng cải tiến để bán cho được cái máy scanner y tế mà anh luôn mang theo như món nợ đời. Trong những tháng ngày đen tối ấy, Chris nở nụ cười trên môi và chăm sóc cho đứa con bằng tất cả tình thương. Rồi cũng có ánh sáng cuối đường hầm. Chris chính thức trở thành nhân viên chứng khoán; năm 1987 cái máy anh cải tiến đã có khách hàng đầu tiên; năm 2006 anh nhượng quyền sản xuất bằng hợp đồng trị giá nhiều triệu đô-la... Thành công của Chris tuy không quá vĩ đại, nhưng trong hoàn cảnh của anh thì đó chính là điều kỳ diệu mà một người có thể làm được.

Chữ “hạnh phúc” - happyness bị cố tình viết sai ở tựa phim ngụ ý rằng hạnh phúc không phải là một cái gì đó giống nhau đối với mọi người. Cha con Chris thấy hạnh phúc khi họ đã chia sẻ với nhau qua những ngày gian khó.

Phim không chú trọng vào yếu tố ly kỳ hay thần tượng hóa nhân vật mà chuyển tải ý nghĩa giáo dục rất cao. Câu chuyện thành công không được nêu lên theo cách ngẫu nhiên như có tài sản bất ngờ như trúng số hay được “quới nhân phù trợ”. Con đường thành công của nhân vật thực sự rất đời thường, từng bước gian nan trong cuộc mưu sinh với nhiều cung bậc cảm xúc, tìm kiếm từng cơ hội một dù là nhỏ nhặt nhất nhằm có được một cuộc sống bình thường. Tờ The New York Times gọi đây là “câu chuyện cổ tích trong đời thường”, ca ngợi những con người dám ước mơ và dám vươn lên.

THỤY THẢO

Chia sẻ bài viết