08/10/2023 - 08:25

Thách thức trong những tháng cuối năm

Kinh tế vĩ mô tháng 9 và 9 tháng cơ bản ổn định, tiếp tục chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, khó khăn và thách thức đặt ra còn rất lớn, tăng trưởng kinh tế quý IV và cả năm 2023 phụ thuộc vào xu hướng, bối cảnh chung toàn cầu. Trong khi rủi ro, sức ép lên điều hành tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, tỷ giá, các cân đối về ngân sách nhà nước, đầu tư, tiêu dùng, an sinh xã hội… đòi hỏi phản ứng chính sách cần nhanh, linh hoạt hơn để đảm bảo phục hồi, tăng trưởng kinh tế.

Theo nhận định của một số tổ chức quốc tế, quá trình phục hồi kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam sau đại dịch đã bị gián đoạn do những cơn gió ngược cả trong và ngoài, sản xuất công nghiệp bị thu hẹp. Vì vậy, các tổ chức quốc tế đều hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 so với các dự báo trước đó. Cụ thể, ADB dự báo tăng trưởng 2023 của Việt Nam đạt 5,8% (điều chỉnh giảm 0,7 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 4-2023); OECD dự báo tăng trưởng Việt Nam đạt 4,9% (giảm 1,5 điểm phần trăm so với dự báo tháng 3-2023); WB điều chỉnh giảm tăng trưởng kinh tế Việt Nam xuống mức 4,7% (giảm 1,3 điểm phần trăm so với dự báo tháng 6-2023)…

Với diễn biến tình hình kinh tế toàn cầu và trên cơ sở tăng trưởng kinh tế 9 tháng qua, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cập nhật 3 kịch bản tăng trưởng quý IV và cả năm 2023. Theo kịch bản 1, tăng trưởng cả năm khoảng 5%; quý IV cần tăng 7%. Kịch bản 2, tăng trưởng kinh tế cả năm 5,5%, nên quý IV cần tăng 8,8%. Kịch bản 3 tăng trưởng cả năm khoảng 6%, quý IV tăng 10,6%.

Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, tăng trưởng quý IV phụ thuộc rất nhiều vào tốc độ phục hồi sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Sự gia tăng nhu cầu tại các thị trường lớn, chủ lực của Việt Nam, hoạt động du lịch, tiêu dùng trong nước cuối năm và cận Tết Nguyên đán là cơ sở để xuất khẩu, thị trường trong nước tăng trưởng nhanh hơn. Cả 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế đều rất khó khăn và thách thức, yêu cầu sự chủ động, nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cùng với nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp.

Những dự báo của một số tổ chức quốc tế cũng đánh giá cao phản ứng chính sách của Việt Nam. Theo WB, với những giải pháp của Ngân hàng Nhà nước, những hạn chế về nguồn tài chính dành cho bất động sản, xây dựng dự kiến sẽ được nới lỏng, qua đó hỗ trợ đầu tư tư nhân từng bước phục hồi từ năm 2024 trở đi. IMF cho rằng, chính sách tài khóa có thể đóng một vai trò lớn hơn để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và hỗ trợ nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Ngoài ra, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cấp cơ sở hạ tầng quan trọng và đầu tư mạnh vào giáo dục để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, phát triển bền vững.

SONG NGUYÊN

 

Chia sẻ bài viết