15/09/2016 - 10:42

Thấy gì từ vụ Trung Quốc “dùng tiền mua tiếng” ở Úc?

Đại sứ Mỹ tại Úc vừa bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc đang sử dụng nhiều chiến lược khác nhau nhằm mở rộng "quyền lực mềm", bao gồm vung tiền tài trợ cho các chính khách cấp cao để mua chuộc ảnh hưởng chính trị sau vụ ngôi sao chính trị đang lên của Công đảng đối lập Úc vừa phải từ chức do bê bối nhận lợi ích từ doanh nghiệp Trung Quốc.

Thượng nghị sĩ Sam Dastyari phải rời bỏ hàng ngũ lãnh đạo Công đảng sau bê bối nhận tiền ủng hộ từ doanh nghiệp Trung Quốc. Ảnh: AFP

Theo nhà khoa học chính trị Mỹ Joseph Nye – người phổ biến khái niệm "quyền lực mềm" cách đây hơn 20 năm, sức mạnh mềm là tầm ảnh hưởng thuyết phục, lan tỏa và đặc biệt không mang tính ép buộc. Nhưng Giáo sư Mark Beeson thuộc Đại học Tây Úc cho biết với hiệu quả hạn chế trong nỗ lực tạo dựng quyền lực mềm thông qua các Viện Khổng Tử trên khắp thế giới hay thành lập cái gọi Hiệp hội Ngoại giao công chúng Trung Quốc, Bắc Kinh đang tìm phương thức khác có thể gây ảnh hưởng trực tiếp hơn đến tiến trình chính trị ở một nước nào đó mà họ nhắm tới.

Trong bài nhận định trước đây, Giáo sư quan hệ quốc tế Marcos Troyjo tại Đại học Columbia (Mỹ) từng cho biết ở vị thế cường quốc về kinh tế, "quyền lực mềm" đối với các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh cũng có nghĩa "sức mạnh của đồng tiền". Vào thời điểm Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, các chuyên gia quốc tế đã dự đoán Bắc Kinh sẽ đẩy mạnh chính sách ngoại giao cũng như cố sử dụng "quyền lực mềm" để đối phó phản ứng của cộng đồng quốc tế trước đòi hỏi chủ quyền vô lý của Trung Quốc.

Không bị cấm hoàn toàn như Mỹ, các nguồn tài trợ nước ngoài cho chính trị vốn được xem là hợp pháp ở Úc. Nhưng theo hãng tin Pháp AFP, việc nhận tài trợ như vậy đang trở thành vấn đề rất nhạy cảm tại xứ sở chuột túi. Hồi tuần rồi, thượng nghị sĩ Sam Dastyari đã rút khỏi hàng ngũ lãnh đạo Công đảng sau khi thú nhận để doanh nghiệp Trung Quốc thanh toán hàng ngàn USD cho các khoản chi phí về pháp lý và du lịch. Theo giới phân tích, vụ bê bối "dùng tiền mua tiếng" này đã ảnh hưởng đến tham vọng quyền lực mềm của Trung Quốc.

Một số nhà lập pháp Úc cho rằng trường hợp của thượng nghị sĩ Dastyari không trái pháp luật và ông cũng tìm cách trả lại một phần tài trợ. Tuy nhiên, chính trị gia Công đảng đã vấp phải chỉ trích nặng nề sau những nhận xét được cho mang tính ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông mà theo cách gọi của Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull là "phát biểu vì tiền".

Cụ thể hồi tháng 6, ông Dastyari từng lên tiếng cho rằng "Biển Đông là vấn đề riêng của Trung Quốc. Do đó, theo Dastyari, Úc nên giữ thế trung lập và tôn trọng quyết định của Trung Quốc". Điều này hoàn toàn ngược lại quan điểm của Công đảng lẫn đảng Tự do cầm quyền vốn phản đối hành vi ngang ngược của Bắc Kinh trên các vùng biển tranh chấp và ủng hộ vấn đề tự do hàng hải dựa trên luật pháp quốc tế.

Theo giới quan sát, động thái từ chức có thể cứu vãn sự nghiệp chính trị của ông Dastyari nhưng sẽ không giảm bớt quan ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với nền chính trị Úc. Trước đó, giới truyền thông nước này từng công bố loạt tài liệu cho thấy các công ty Trung Quốc hiện là nguồn tài trợ nước ngoài lớn nhất cho các chính trị gia xứ sở chuột túi. Giám đốc Cơ quan Tình báo An ninh Úc Duncan Lewis sau đó đã lên tiếng cảnh báo, rằng các nguồn đóng góp như vậy có thể là mối đe dọa đối với nền an ninh quốc gia.

Trong bài phỏng vấn hôm 14-9, đại sứ Mỹ tại Úc John Berry cũng thẳng thắn chia sẻ rằng Washington "rất bất ngờ" trước mức độ Trung Quốc nhúng tay vào nền chính trị Úc. Theo ông Berry, đây là vấn đề hoàn toàn khác khi chính quyền Bắc Kinh có thể trực tiếp rót vốn cho các chính trị gia để thúc đẩy lợi ích của họ trên trường quốc tế. Ông kêu gọi Canberra nhanh chóng "làm sạch" hệ thống chính trị nhằm đảm bảo trách nhiệm cốt lõi của họ trước ảnh hưởng quá mức từ các quốc gia vốn không chia sẻ các giá trị chung.

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết