16/12/2024 - 09:18

Tên lửa Trung Quốc đe dọa căn cứ Mỹ tại Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương? 

Báo cáo vừa được Trung tâm Stimson (Mỹ) công bố cảnh báo, Trung Quốc có khả năng thực hiện các cuộc tấn công bằng tên lửa nhằm vào đường băng tại các căn cứ của Không quân Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, từ đó sẽ hạn chế sức mạnh quân sự của nước này ở khu vực trong trường hợp nổ ra xung đột.

Một góc căn cứ không quân Andersen của Mỹ tại đảo Guam. Ảnh: Stripes

Lâu nay, các căn cứ không quân quan trọng của Mỹ tại Nhật Bản và nhiều nơi khác ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là nơi “bất khả xâm phạm”, có khả năng triển khai sức mạnh không quân một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, báo cáo cho rằng thời đại đó đã kết thúc, không có nơi nào ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là an toàn, bởi Trung Quốc đang mạnh tay đầu tư xây dựng kho vũ khí không những lớn mà còn tinh vi, gồm nhiều tên lửa đạn đạo và hành trình phóng từ mặt đất, có thể vươn tới các căn cứ của Mỹ trên khắp khu vực. Báo cáo lo ngại, các cuộc tấn công bằng tên lửa chính xác của Trung Quốc nhằm vào các đường băng sẽ cho phép Bắc Kinh giành được ưu thế trên không, bởi động thái này sẽ ngăn cản chiến đấu cơ cũng như máy bay hỗ trợ của Washington cất và hạ cánh trong các khoảng thời gian quan trọng trong một cuộc xung đột. 

Thật ra, mối nguy nói trên đã được các thành viên Quốc hội Mỹ nêu bật trong một phiên họp hồi tháng 5. Do đó, họ yêu cầu Không quân và Hải quân Mỹ nhanh chóng xây dựng các hầm trú ẩn máy bay kiên cố tại các căn cứ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Song, báo cáo cho rằng việc gia cố hầm trú ẩn, boongke là chưa đủ và các đường băng tại các căn cứ ở khu vực chính là điểm yếu của Không quân Mỹ.

Ủy ban chuyên trách về Trung Quốc của Hạ viện Mỹ mới đây cho biết, nguồn cung cấp tên lửa chống hạm tầm xa của Mỹ sẽ cạn kiệt trong vòng từ 3-7 ngày trong trường hợp Trung Quốc tấn công Ðài Loan. Và trong vòng một tháng, Washington sẽ cạn kiệt tên lửa hành trình tầm xa. Trong khi đó, kho dự trữ tên lửa chống hạm tầm trung của Ðài Loan sẽ được sử dụng hết trong vòng một tuần sau khi giao tranh xảy ra. Phát hiện này khiến nhiều người lo ngại rằng ngành công nghiệp quốc phòng của xứ cờ hoa không được chuẩn bị đầy đủ để bảo vệ Ðài Bắc nếu Bắc Kinh phát động cuộc tấn công nhằm vào hòn đảo này.

Trước đó, các chuyên gia của Trung tâm Stimson đã tiến hành mô phỏng các cuộc tấn công bằng tên lửa liên tục của Trung Quốc vào các đường băng ở Nhật Bản, Quần đảo Bắc Mariana và các đảo khác ở Thái Bình Dương. Họ kết luận rằng các cuộc tấn công bằng tên lửa sẽ khiến các đường băng bị tê liệt trong nhiều ngày, thậm chí là nhiều tuần trong những ngày đầu của cuộc xung đột.

“Những cuộc tấn công như vậy có thể ngăn Không quân Mỹ tiến hành các hoạt động chiến đấu trong khoảng 12 ngày đầu của cuộc xung đột từ các căn cứ không quân ở Nhật Bản và gần 2 ngày từ các căn cứ ở đảo Guam và các địa điểm khác ở Thái Bình Dương khi bắt đầu chiến tranh. Trên thực tế, Trung Quốc có thể phá vỡ hoạt động chiến đấu của Mỹ trong thời gian dài hơn bằng cách ngăn Mỹ sử dụng đường băng để tiến hành các hoạt động tiếp nhiên liệu trên không” - báo cáo nhấn mạnh.

Báo cáo cho rằng việc giải quyết mối đe dọa nói trên đối với các căn cứ không quân của Mỹ có thể được coi là nhiệm vụ quan trọng và khó khăn nhất mà Không quân Mỹ đang phải đối mặt, qua đó khuyến nghị Washington nên đầu tư phát triển lượng lớn máy bay không người lái giá rẻ cũng như hệ thống tác chiến điện tử để làm phức tạp thêm kế hoạch tấn công của Trung Quốc; trang bị nhiều máy bay có người lái có thể hoạt động trên đường băng ngắn; cải thiện khả năng sửa chữa đường băng và thành lập thêm các liên minh để các quốc gia thân thiện sẵn sàng mở sân bay cho Mỹ sử dụng.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

 

Chia sẻ bài viết