05/10/2021 - 07:34

Tất cả đều ở nơi dân
Bài cuối: Làm gì để phát huy “tai, mắt” của nhân dân?
 

Văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng xác định: Phải tổ chức có hiệu quả, thực chất việc nhân dân tham gia giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị; phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Như vậy, cần làm gì để phát huy được “tai, mắt” của nhân dân, làm cho vai trò kiểm tra, giám sát của nhân dân đi vào thực chất?

Lãnh đạo xã Trường Long, huyện Phong Điền thường xuyên đến ấp nắm tình hình trong dân. Trong ảnh: Bí thư xã Trường Long dự họp nắm tình hình phòng, chống dịch COVID-19 và việc chăm lo đời sống người dân tại ấp Trường Thọ 1. Ảnh: S.H 

Nâng cao hiệu quả vai trò giám sát của nhân dân

Sải bước trên tuyến đường 4m Ðịnh Yên - Trường Lạc đang vào giai đoạn đổ bê tông, chị Bùi Thị Kim Thảnh, Trưởng Ban Công tác Mặt trận ấp Ðịnh Yên, xã Ðịnh Môn, huyện Thới Lai, Tổ trưởng Tổ giám sát đầu tư cộng đồng (GSÐTCÐ) tuyến đường này, cho biết: “Chúng tôi thường xuyên đến công trình để giám sát tiến độ và việc sử dụng vật tư. Thật ra, chúng tôi cũng chỉ giám sát bằng kinh nghiệm của mình như nhìn chiều rộng mặt đường, cao độ và loại sắt thép được sử dụng. Tổ giám sát có 5 người, nhưng chúng tôi huy động khi thi công đến trước nhà người nào thì người đó sẽ giám sát...”.

Thực chất, thời gian qua, Ban GSÐTCÐ chỉ giám sát hiệu quả đối với các công trình do Nhà nước và nhân dân cùng làm hay người dân tự đóng góp. Theo ông Phạm Văn Tư, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Trường Long, huyện Phong Ðiền, những công trình lớn do Nhà nước đầu tư, Ban GSÐTCРtham gia nhưng mang… danh nhiều hơn thực chất, vì không được cung cấp bản thiết kế công trình, người tham gia giám sát không đủ kiến thức chuyên môn. Do đó, để người dân thực sự giám sát được thì phải công khai, minh bạch về công trình và vận động được người dân có chuyên môn về xây dựng tham gia. Ngoài ra, trong công tác lãnh, chỉ đạo của Ðảng ủy, hằng tháng phải đưa công tác kiểm tra, giám sát của Ban GSÐTCÐ vào nghị quyết để đánh giá thì hoạt động sẽ hiệu quả.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Huy Thanh, Phó Chủ tịch UBND phường Thốt Nốt, cho biết: “Quá trình thực hiện nhiệm vụ, một số cơ quan còn ban hành văn bản chồng chéo nên người dân muốn giám sát cũng khó. Do đó, cần những chủ trương, chính sách rõ ràng, đúng đắn và người trực tiếp tuyên truyền, thông tin đến dân phải phù hợp, có lý luận tốt thì người dân mới tin và chung tay thực hiện”.

Ðối với giám sát các hoạt động của chính quyền địa phương, cơ quan nhà nước, các cán bộ, công chức, viên chức, người dân cũng rất quan tâm. Tuy nhiên, cơ quan chức năng phải tạo điều kiện, người dân mới phát huy được quyền và nghĩa vụ này. Ông Nguyễn Văn Phong, Bí thư Huyện ủy Thới Lai, cho biết: “Huyện ủy thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các địa phương công khai mọi hoạt động của cơ quan, đơn vị và công khai các quy chế hoạt động, nhiệm vụ và quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ để người dân biết, giám sát. Bên cạnh đó, huyện cũng có các kênh để tiếp nhận ý kiến phản ánh, kiến nghị của người dân và kịp thời giải quyết. Có như vậy mới tạo niềm tin với dân...”.

Cần cơ chế cụ thể

Theo ông Nguyễn Tòng Nhiệm, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy, thời gian qua, thông qua nắm tình hình dư luận và từ các kênh phản ánh của người dân, Ban Nội chính Thành ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy ban hành các văn bản tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác quản lý đất đai; cải cách hành chính; tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí… Qua đó, kịp thời chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước trong các vấn đề nêu trên.   

Tuy nhiên, để người dân thực sự phát huy được quyền làm chủ của mình, cần có cơ chế cụ thể trong việc tiếp cận thông tin của người dân. Như các vụ việc tiêm ngừa vaccine COVID-19 không đúng đối tượng xảy ra trong tháng 8 và 9 tại phường An Phú, quận Ninh Kiều và quận Thốt Nốt. Chỉ khi thông tin được đưa lên mạng xã hội, dư luận xôn xao, báo chí vào cuộc, thì vụ việc mới được đưa ra “ánh sáng”. Sau đó, UBND thành phố có văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh hành vi vi phạm trong công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 và điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp có biểu hiện tiêu cực (nếu có).

Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phan Trung Hiền, Phó trưởng Khoa Luật Trường Ðại học Cần Thơ, việc tiếp cận thông tin là quyền của công dân. Thông tin chính là công cụ để công dân có thể tham gia giám sát hoạt động của Nhà nước và là cơ sở để người dân đưa ra đánh giá về hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Ðể người dân thực hiện được quyền làm chủ đất nước, cần hoàn thiện quy định pháp luật về tiếp cận thông tin của người dân. Trong đó, cần thiết mở rộng phạm vi các chủ thể có nghĩa vụ cung cấp thông tin; thay đổi các quy định về phạm vi các thông tin được và không được tiếp cận.

Tiến độ tiêm vaccine ngừa COVID-19 được người dân quan tâm, ủng hộ và mong muốn công tác này công khai, minh bạch để người dân dễ dàng giám sát. Ảnh: S.H

Bên cạnh đó, quyền kiểm tra, giám sát gián tiếp thông qua đại biểu HÐND, hệ thống mặt trận, dân vận, đoàn thể của người dân cũng cần đi vào chiều sâu, làm cho dân tin, khi đó người dân mới mạnh dạn đóng góp ý kiến để xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền. Theo ông Nguyễn Huy Thanh, Phó Chủ tịch UBND phường Thốt Nốt, để dân tin, đại biểu HÐND phải thể hiện hết trách nhiệm của người đại biểu dân cử, phải bám sát từng công việc, từng địa phương, đến tận nơi lắng nghe ý kiến của cộng đồng dân cư và phân tích, xử lý thông tin tiếp nhận một cách chính xác. 

Ðể phát huy vai trò kiểm tra, giám sát và tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền của người dân, ông Nguyễn Trung Nhân, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN thành phố, cho biết: “MTTQVN thành phố và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp cần phát huy tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; nâng cao chất lượng hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban GSÐTCÐ ở cơ sở...”.

Theo ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HÐND thành phố, thành phố luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “Dân là gốc”, nên lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu, chú trọng thực hiện tốt công tác phổ biến, thông tin, tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu rõ, đồng tình, ủng hộ. Ðồng thời, phải chú trọng phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong mọi lĩnh vực; mọi chính sách địa phương ban hành phải xuất phát từ quyền lợi của nhân dân, bảo vệ những lợi ích chính đáng và tạo điều kiện sống thuận lợi cho nhân dân; tăng cường củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Ðảng, Nhà nước với nhân dân, góp phần xây dựng Nhà nước thật sự của dân, do dân và vì dân. Bên cạnh đó, quá trình thực hiện phải phát huy bài học được đúc kết “Ðảng nói - dân tin; Mặt trận, đoàn thể vận động - dân theo; chính quyền làm - dân ủng hộ”; củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Ðảng, quản lý của Nhà nước”.

Năm 2020, HĐND thành phố đã tổ chức 16 đợt giám sát, khảo sát, với 155 lượt cơ quan, đơn vị. Từ năm 2020 đến nay, MTTQVN các cấp của thành phố tiến hành 472 cuộc giám sát; 171 cuộc phản biện xã hội. Dự kiến trong tháng 10-2021, MTTQVN thành phố sẽ phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội thành lập 2 đoàn giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

SƠN HÀ

Chia sẻ bài viết