17/11/2008 - 08:00

Phó Thủ tướng thường trực chính phủ Nguyễn Sinh Hùng:

Tất cả các lực lượng sẵn sàng vào cuộc giúp dân chống bão

* Nhiều khả năng bão sẽ đổ bộ vào khu vực Đồng bằng sông Cửu Long
* Ban Chỉ đạo đã thống nhất phương án cho học sinh các vùng bão ảnh hưởng được nghỉ học từ sáng 18-11

(ĐCSVN)- Tối 16-11, tại Hà Nội, chủ trì cuộc họp bàn giải pháp đối phó với cơn bão số 10, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng chỉ đạo: tất cả các lực lượng như: công an, cảnh sát biển, y tế... phải sẵn sàng thường trực vào cuộc giúp dân chống bão.

Phó Thủ tướng nhận định: Tuy cơn bão này chỉ mạnh cấp 8, nhưng đây là một cơn bão lớn, có tính chất nguy hiểm cao với bán kính di chuyển rộng tới 400km, bão sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ các tỉnh Nam bộ. Với khả năng và kinh nghiệm phòng chống bão như ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, cộng với điều kiện địa hình toàn đồng bằng, nhà cửa, thuyền bè không chắc chắn và mưa, lụt cũng có thể xảy ra, khi bão đổ bộ vào có thể gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Vì vậy, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương phải thông báo cho các tỉnh từ Thừa Thiên- Huế đến Cà Mau, Kiên Giang lên kế hoạch phòng tránh một cách tích cực nhất với tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương Bùi Minh Tăng nhận định: Ngày 17-11, một vùng áp thấp tồn tại sau 2 ngày ở phía Đông biển Philippines đã mạnh lên thành bão số 10 (còn gọi là bão NOUL) và đi vào phía Nam Biển Đông. Đây cũng là cơn bão thứ 21 hình thành trên khu vực phía Tây Thái Bình Dương từ đầu năm đến nay. Cơn bão này có tốc độ đi rất nhanh, theo dự báo chỉ chiều và tối 17-11, bão sẽ áp sát bờ biển các tỉnh Nam bộ nước ta. Do vậy, nhiều khả năng các tỉnh từ Ninh Thuận trở xuống, nam Tây Nguyên sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 10 này. Ngoài ra, do ảnh hưởng của bão kết hợp với bộ phận không khí lạnh từ phía Bắc tràn xuống. Tại Nam bộ, từ ngày 18-11 trở đi sẽ có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to.

Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương Cao Đức Phát nhận định: Rất có thể chiều và tối 17-11, bão sẽ di chuyển tới ven bờ và sẽ quần thảo trong vòng từ 1 đến 2 ngày tại khu vực các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Điều lo ngại nhất là bão còn có khả năng mạnh lên nữa và mức thiệt hại sẽ là rất lớn. Hiện tại vẫn còn một số lượng lớn tàu, thuyền nhỏ, đặc biệt là hệ thống các đăng, đó đang hoạt động trên các kênh rạch, vùng cửa sông từ TP HCM xuống Bà Rịa- Vũng Tàu, Cà Mau không có phương tiện liên lạc, nên chưa biết kêu gọi vào bờ như thế nào. Tình hình sẽ rất gay go nếu bão đổ bộ vào, nhất là lại có thể kèm theo tố, lốc, khi đó toàn bộ nhà cửa cấp 4 sẽ bị thiệt hại nặng. Do đó, ngay từ bây giờ người dân cần tổ chức chằng chống nhà cửa chặt chẽ. Bên cạnh đó, sơ tán lập tức dân ở vùng ven sông, ven biển... Đặc biệt, các tỉnh phải tổ chức thực hiện đầy đủ các biện pháp kia và hoàn thành trước 18h ngày 17-11.

Ban Chỉ đạo đã thống nhất phương án cho học sinh các vùng bão ảnh hưởng được nghỉ học từ sáng 18-11, cấm các tàu, thuyền không được đi lại trên một số dòng sông, thông báo cho bà con nhân dân hạn chế đi lại, sẵn sàng lên phương án sơ tán dân, đặc biệt là các vùng ven sông, gần cửa sông lớn vào nơi kiên cố, các tỉnh dừng ngay lập tức các cuộc họp không cần thiết”. Điều lo ngại nhất là nếu bão đổ bộ vào đúng lúc triều cường, có thể đê ở Gò Công (Tiền Giang) sẽ tràn, nên ngay từ bây giờ cần cử người ứng trực. Ngay trong tối hôm qua, Ban Chỉ đạo đã thành lập gấp 4 đoàn công tác do các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Giao thông- vận tải, Xây dựng vào giúp các tỉnh ĐBSCL đối phó với cơn bão số 10.

Tính đến 16 giờ chiều 16-11, Bộ Tư lệnh Đội Biên phòng đã tổ chức thông báo và kêu gọi được 2.361 tàu/17.674 tàu, thuyền đang hoạt động trên vùng biển Trường Sa biết hướng đi của bão để di chuyển xuống phía Nam. Đồng thời, thông báo cho 2.314 tàu/17.041 ngư dân đang hoạt động ven bờ biết hướng đi của bão để vào nơi neo đậu an toàn.

Chia sẻ bài viết