10/06/2014 - 14:56

Thới Lai

Tập trung phát triển kinh tế hộ gia đình

Là một huyện thuần nông, thời gian qua phát triển kinh tế-xã hội của huyện Thới Lai chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp của các hộ gia đình nông dân trên địa bàn. Xác định được tầm quan trọng của kinh tế hộ đối với sự phát triển của địa phương, sau khi Huyện ủy Thới Lai ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế hộ gia đình, các cấp chính quyền và nhân dân trên địa bàn huyện tích cực hưởng ứng thực hiện. Nhờ vậy, đời sống kinh tế của nhiều hộ gia đình trên địa bàn dần được cải thiện…

* Hưởng ứng chủ trương phát triển kinh tế hộ

Huyện Thới Lai có diện tích tự nhiên hơn 25.566 ha, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp hơn 19.296 ha. Đây là một huyện vùng ven của TP Cần Thơ, được thành lập theo Nghị định 12/NĐ-CP của Chính phủ vào ngày 23-12-2008 và chính thức đi vào hoạt động ngày 1-3-2009.

Vườn cây ăn trái của ông Phạm Thanh Tâm ở xã Trường Thành, huyện Thới Lai.

Sau khi được thành lập và đi vào hoạt động không lâu, Huyện ủy Thới Lai ban hành Nghị quyết số 06-NQ/HU về phát triển kinh tế hộ gia đình. Thới Lai xác định, nền kinh tế địa phương chủ yếu là sản xuất nông nghiệp kết hợp với thương mại, dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Trong đó, kinh tế nông nghiệp chiếm 70% tỷ trọng nền kinh tế địa phương. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp tại địa phương còn nặng về cây lúa, thương mại dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp chưa phát triển đồng bộ, nông dân còn thiếu việc làm sau mùa vụ. Trong khi nhiều diện tích đất, vườn, mặt nước chưa được quan tâm khai thác hiệu quả... Do vậy, Nghị quyết số 06-NQ/HU đã đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp cụ thể về tăng cường chỉ đạo phát triển kinh tế hộ gia đình giai đoạn 2009-2015 nhằm từng bước nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân. Trong đó, huyện Thới Lai xác định rõ mục tiêu là tập trung xây dựng mô hình phát triển toàn diện kinh tế hộ, từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, vận động mỗi hộ gia đình thực hiện đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện đất đai ở địa phương. Quan tâm chú trọng chất lượng sản phẩm và sản xuất theo nhu cầu của thị trường. Bên cạnh tổ chức các hình thức sản xuất thích hợp, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất. Đảm bảo các loại sản phẩm làm ra tại gia đình đáp ứng yêu cầu sinh hoạt hằng ngày, tăng thu nhập, khuyến khích đầu tư phát triển thương mại-dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp. Đặc biệt, các ngành nghề truyền thống tạo thương hiệu mới để trao đổi hàng hóa, góp phần tạo ra nhiều việc làm và giảm thấp nhất tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thới Lai, qua hơn 4 năm thực hiện Nghị quyết 06 của Huyện ủy, nông dân đã tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất, thực hiện cải tạo vườn tạp, phát triển đa dạng các loại cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện của gia đình để nâng cao thu nhập. Nông dân trên địa bàn đã xây dựng được nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và phát triển sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: các mô hình sản xuất luân canh giữa lúa và rau màu, lúa và thủy sản; mô hình cải tạo vườn tạp trồng các loại cây ăn trái cho hiệu quả cao gắn với phát triển chăn nuôi, trồng các loại rau màu trong giai đoạn đầu để lấy ngắn nuôi dài… Bà Phạm Thị Ngọc Bích, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thới Lai, cho biết: Để hỗ trợ cho các nông hộ phát triển sản xuất, bên cạnh tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến khoa học, kỹ thuật và các mô hình sản xuất hiệu quả, ngành nông nghiệp địa phương cũng tham mưu cho huyện bố trí vốn và tranh thủ thêm sự hỗ trợ của thành phố để thực hiện các chương trình hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi cho nông dân trên địa bàn. Trong đó, tập trung nhiều cho việc hỗ trợ lúa giống và giống cây ăn trái để giúp các hộ dân cải tạo vườn tạp. Tính từ đầu năm 2014 đến nay, trên địa bàn huyện có hơn 119 ha vườn tạp, vườn kém hiệu quả được cải tạo, trong đó diện tích do dân tự cải tạo là 19,04 ha, chương trình trợ giá cây giống của huyện là hơn 100 ha. Đến nay, phần lớn các diện tích này là vườn cây có hiệu quả kinh tế.

Tham gia vào việc phát triển sản xuất và xóa thế độc canh cây lúa, nhiều nông hộ trên địa bàn huyện đã có thêm công ăn việc làm và có điều kiện tăng thu nhập cải thiện đời sống cho gia đình. Ông Lê Văn Thiệt ngụ ấp Thới Thuận A, xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, cho biết: "Nhờ tận dụng bờ đê quanh ruộng lúa và các khoảng đất trống gần nhà trồng các loại rau cải mà gia đình tôi có rau ăn quanh năm, giảm được tiền đi chợ. Nhiều lúc có rau dư, tôi còn đem bán bớt để có thêm tiền mua cá thịt". Chị Lê Thị Mộng Thường ngụ ấp Trường Thạnh, xã Trường Thành, huyện Thới Lai, cho biết: "Gia đình chỉ có một công ruộng, muốn có thêm thu nhập, hai vợ chồng tôi phải chăn nuôi thêm gà vịt và đi làm mướn. Được sự vận động của chính quyền, nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi của Nhà nước và nhận thấy tại địa phương có nguồn rơm cỏ rất dồi dào, gia đình tôi đã quyết định mua 2 con bò về nuôi. Qua 6 tháng nuôi thấy bò phát triển rất tốt, gia đình tôi rất phấn khởi".

* Cần thêm sự trợ lực cho nông gia

Theo ông Phạm Văn Tâm ngụ ấp Trường Thạnh, xã Trường Thành, huyện Thới Lai, Nghị quyết 06 của Huyện ủy Thới Lai ra đời, đáp ứng tốt nguyện vọng của nhân dân. Thực tế cho thấy, gia đình ông có 8 công vườn, nhờ cải tạo phát triển trồng các loại cây ăn trái đặc sản, như: sầu riêng hạt lép, măng cụt, xoài… kết hợp thả nuôi các loại cá, nhất là cá lóc và tham gia kinh doanh mua bán cá, mỗi năm gia đình ông có thu nhập hơn cả trăm triệu đồng. Ông Tâm cho biết: "Để có được các diện tích vườn cây ăn trái cho hiệu quả, nhiều nông dân rất chú ý đến việc chăm sóc, cải tạo vườn cây. Nhưng nông dân cũng rất cần sự quan tâm hỗ trợ thêm của các ngành chức năng trong việc giải quyết các khó khăn về vốn, về kỹ thuật canh tác đối với một số loại cây trồng mới, cũng như đầu ra sản phẩm…".

Theo các địa phương ở huyện Thới Lai, để Nghị quyết 06 của Huyện ủy ngày càng phổ biến trong đời sống nhân dân và giúp nâng cao hiệu quả sản xuất bền vững cho các hộ gia đình, đòi hỏi tiếp tục có sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị trên địa bàn. Đồng thời, cần chú ý lồng ghép tốt việc thực hiện Nghị quyết này với các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đang được các cấp, các ngành ở Trung ương và địa phương triển khai thực hiện. Ông Đoàn Văn Phục, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Thành, cho rằng: "Thời gian qua, nhiều nông hộ ở xã đã tích cực gia tăng sản xuất, tận dụng tối đa các khoảng đất, mặt nước trống để phát triển trồng rau màu, nuôi cá. Trước mắt, việc phát triển sản xuất chăn nuôi này đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng cho gia đình. Song, cũng cần phải tính đến chuyện tiêu thụ, nhất là khi sản xuất nông nghiệp đang đi theo hướng sản xuất hàng hóa. Do vậy, huyện cần định hướng cho nông dân tại các địa phương phát triển các loại cây trồng, vật nuôi khác nhau dựa theo lợi thế riêng hoặc bố trí lịch thời vụ thu hoạch khác nhau để tránh đụng hàng rớt giá. Mặt khác, cần hỗ trợ các xã phát triển hệ thống thương mại tại địa phương".

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết