09/08/2015 - 09:41

Ông Trần Việt Phường, Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá TP Cần Thơ (CFF):

Tập trung đào tạo các tuyến trẻ đảm bảo chuyên môn, chất lượng

Ông Trần Việt Phường phát biểu tại Đại hội CFF. Ảnh: NGUYỄN MINH 

Trung tuần tháng 7, CFF được thành lập nhằm củng cố các hoạt động liên quan tới bóng đá tại Cần Thơ. Tuy ra đời muộn hơn vài nơi khác ở ĐBSCL, nhưng với sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo địa phương, CFF hứa hẹn sẽ mở ra thời kỳ phát triển mới cho bóng đá thành phố. Ông Trần Việt Phường, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ - Phó Chủ tịch CFF, cho biết:

- Bóng đá Cần Thơ có bề dày truyền thống, là niềm tự hào của người hâm mộ Cần Thơ. Những năm qua, do nguồn ngân sách thành phố cấp cho hoạt động bóng đá còn hạn hẹp, nên công tác đào tạo vận động viên các tuyến và các giải đấu cấp thành phố chưa được tổ chức theo hệ thống. Việc đào tạo vận động viên trẻ chưa được quan tâm đúng mức, thiếu chiến lược và định hướng phát triển lâu dài. Vì vậy, để góp phần cho bóng đá Cần Thơ phát triển bền vững, việc thành lập CFF là rất cần thiết. CFF hỗ trợ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phát triển bóng đá, đưa Cần Thơ xứng tầm là một trong những trung tâm bóng đá mạnh của cả nước.

* Thưa ông, thời gian qua, một số liên đoàn bóng đá ở các tỉnh gặp khó khăn do thiếu kinh phí. CFF có những giải pháp gì để duy trì hoạt động, tránh tình trạng "đánh trống bỏ dùi"?

- Với vai trò là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, tập hợp những người yêu thích bóng đá, có hoài bão đối với bóng đá thành phố Cần Thơ, tôi tin rằng CFF nhiệm kỳ 2015-2020 sẽ làm tốt các nhiệm vụ, hoàn thành mục tiêu đặt ra. Đó là đẩy mạnh tiến trình hội nhập của bóng đá Cần Thơ với các địa phương trên toàn quốc và quốc tế. CFF ra đời có muộn hơn một số tỉnh như Đồng Tháp, An Giang, Long An... nhưng sẽ cố gắng đáp ứng yêu cầu, phát triển bóng đá Cần Thơ xứng tầm là trung tâm ĐBSCL.

CFF đề ra các phương án tạo nguồn thu theo đúng quy định cho phép là vận động mạnh thường quân hỗ trợ, khai thác bãi đậu xe ô tô, mô tô để phục vụ các giải đấu diễn ra tại sân vận động Cần Thơ, khai thác bãi xe để tổ chức sự kiện quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp... Về lâu dài, thông qua công tác đào tạo, CFF tham gia vào thị trường chuyển nhượng VĐV để tìm nguồn kinh phí hoạt động.

* CFF đang hướng tới mục tiêu trở thành một trong những "lò" đào tạo bóng đá trẻ mạnh của khu vực và cả nước. Nhưng thưa ông, CFF sẽ bắt đầu từ đâu khi mà hệ thống đào tạo bóng đá của Cần Thơ hiện nay còn nhiều hạn chế, trong khi sự cạnh tranh ngày càng gay gắt với sự ra đời của nhiều lò đào tạo danh tiếng như HAGL Arsenal JMG, Nutifood, PVF, Viettel...?

- Để đạt được kết quả, ngoài sự quan tâm hỗ trợ của lãnh đạo thành phố và các cơ quan, đơn vị chức năng có liên quan, tôi mong rằng tập thể Ban chấp hành và toàn thể hội viên CFF sẽ nêu cao vai trò, trách nhiệm, phát huy năng lực chuyên môn, xây dựng và phát triển bóng đá thành phố theo xu thế chung của đất nước. CFF xác định 4 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trước mắt. Thứ nhất là tập trung công tác đào tạo vận động viên trẻ các tuyến U13, U15, U17 đảm bảo chuyên môn, chất lượng. Thứ hai, rà soát các nơi có phong trào bóng đá mạnh ở Cần Thơ và một số tỉnh lân cận để thành lập các CLB bóng đá trọng điểm nhằm tạo nguồn tuyển chọn. Thứ ba, xây dựng hệ thống thi đấu bóng đá và phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức thường xuyên, liên tục. Thứ tư, tăng cường cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu chơi bóng đá.

* Xin cảm ơn ông và chúc VFF đạt được những mục tiêu đề ra!

NGUYỄN MINH (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết