25/08/2009 - 21:29

Sản xuất và tiêu thụ nấm rơm trong mùa lũ

Tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhà nông

Phân loại nấm rơm để chế biến xuất khẩu tại một cơ sở ở phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ.
Ảnh: VĂN CÔNG

Nhờ tận dụng nguồn phụ phẩm rơm trồng nấm trên những bờ cao, nhiều nông dân ở vùng lũ đã có việc làm và thu nhập ổn định. Hoạt động sản xuất nấm rơm xuất khẩu và tiêu thụ trong nước cũng trở nên sôi động tại nhiều địa phương, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động...

THU NHẬP KHÁ NHỜ TRỒNG NẤM RƠM

Những ngày này, tại các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL hoạt động trồng và mua bán nấm rơm diễn ra nhộn nhịp tại các vùng quê. Sau khi suốt lúa xong, rơm được chở về rồi chất ủ thành luống trên bờ vườn, trước sân nhà hay tận dụng phần lề đường nông thôn. Vụ đông xuân thu hoạch lúa xong rơm còn khô ráo, nông dân thường đốt đồng lấy tro bón làm phân cho ruộng, còn vụ lúa hè thu rơm bị ướt sũng do thu hoạch vào mùa mưa nên tiện để làm nấm. Do có nguồn rơm dồi dào, cộng thêm nước lũ lên, nhiều nơi nông dân tạm thời không sản xuất lúa đã tận dụng nguồn rơm để trồng nấm trên các bờ đất cao không bị ngập nước. Cùng với những người trồng nấm chuyên nghiệp, vào mùa lũ là thời điểm có thêm nhiều nhà nông tận dụng lúc nông nhàn để trồng nấm, kiếm thêm thu nhập. Trồng nấm tuy cực vào giai đoạn đầu, nhưng thời gian thu hoạch, từ khi chất nấm đến thu hoạch khoảng 3 tuần lễ là xong vụ nấm. Chi phí thấp, trong khi diện tích dùng để chất không nhiều, nếu ít đất, ít vốn vẫn có thể trồng nấm được. Trong khi đó, nếu không trực tiếp bỏ vốn ra để trồng nấm, nhiều người còn chất rơm và nhổ nấm mướn cho các hộ sản xuất có diện tích lớn. Hiện tại, giá thuê nhân công theo dạng này cũng đang ở mức khá cao, 60.000 đồng/ngày.

Theo nhiều nhà nông ở ĐBSCL, trồng nấm rơm trong mùa mưa lũ rất thuận lợi do nguồn rơm dồi dào, giá rẻ, thậm chí có nơi còn vứt đi. Nhưng trồng nấm trong mùa mưa lũ thường có năng suất không bằng những tháng mùa khô, giá nấm cũng thường thấp hơn. Ông Bùi Thanh Lăng ở Tân Thạnh, phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, cho biết: “Trong những tháng mùa lũ, trồng nấm năng suất chỉ đạt 60-70% so với những tháng nắng, do nước mưa dễ làm nấm bị hư và có màu không đẹp, giá nấm lại rẻ hơn do có nhiều người trồng, nguồn nấm dồi dào hơn. Nhưng nếu so với việc đi làm mướn hay đánh bắt thủy sản trong mùa lũ, thì trồng nấm rơm khỏe hơn nhiều và có thu nhập ổn định hơn. Nếu như cách đây vài tháng, giá rơm ở mức 5-6 triệu đồng/ghe (18-20 tấn), hiện nay chỉ còn ở mức 4-4,5 triệu đồng/ghe. Thường khoảng 30 công lúa cho được 1 ghe rơm 18-20 tấn. Với giá nấm đang ở mức 15.000 đồng/kg, mua 1 ghe rơm 18 tấn để trồng nấm, người trồng có thể có lời 1-3 triệu đồng”.

Tận dụng khoảng sân trước nhà chất nấm chỉ 25m2, anh Phạm Văn Tư ở xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang trồng nấm rơm, thu nhập khá. Anh Tư cho biết: “Tôi đã thu 6 đợt được hơn 100kg nấm tươi, bán 12.000 đồng/kg, thu được 1,2 triệu đồng. Đó là chưa nói tới thu hoạch thêm 4 lần nữa mới dứt. Trong khi đó, chi phí bỏ ra vỏn vẹn chỉ 647.000đồng, gồm mua 5 công rơm khoảng 100.000 đồng, 40 chai meo 80.000 đồng, còn lại các khoản linh tinh và kể cả 4 ngày công với 70.000 đồng/ngày. Không ruộng đất canh tác, anh Trần Thanh Hồng, ở xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, chọn trồng nấm rơm như một nghề chính. Nhờ sống trong vùng có phong trào trồng nấm, khoảng 7 năm trước, anh đã học hỏi kinh nghiệm và bắt đầu ủ rơm, chất nấm. Trung bình mỗi vụ anh thuê đất của người khác trồng nấm rơm từ 1 -2 ha. Vụ này anh Hồng chất khoảng 300 luống nấm rơm trên diện tích gần 2 ha đang cho thu hoạch năng suất hết sức khả quan, anh nói, với giá nấm hiện nay giữ mức trên 11.000 đồng/kg, anh có lời trên 12 triệu đồng/vụ.

Anh Nguyễn Văn Khả, ở ấp 5, xã Vĩnh Khánh, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, cho biết: “Tận dụng nguồn rơm nhà và mua thêm 20 công rơm của một số chủ ruộng trong địa phương, tôi trồng nấm rơm trên 7 công đất bờ cao. Với giá nấm 11.000 đồng/kg trở lên, sau khi trừ hết các khoản chi phí, tôi thu lời trên 9 triệu đồng”.

Bà Nguyễn Thị Soàn, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư thuộc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, cho biết: Từ đầu năm cho đến nay, toàn tỉnh trồng nấm rơm chiếm gần 3.000 ha, sản lượng đạt trên 2.000 tấn, tăng khoảng 25% so với diện tích năm 2008. Nghề chất nấm rơm trong mùa lũ giải quyết được công ăn việc làm trong lúc nhàn rỗi, giúp bà con trong tỉnh có nguồn thu nhập ổn định đời sống mỗi khi lũ về. Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã kết hợp với ngành nông nghiệp các huyện tổ chức 54 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng nấm rơm cho nông dân, mỗi lớp có từ 50- 55 học viên.

NGUỒN CUNG NẤM RƠM TĂNG VÀ NỖI LO ĐẦU RA

Thời điểm này có nhiều người trồng nấm, nên đây là lúc các tiểu thương đẩy mạnh thu mua hàng để đem các nơi tiêu thụ, đặc biệt là phục vụ chế biến xuất khẩu. Các hoạt động thu mua, chế biến và tiêu thụ nấm cũng đã góp phần giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động ở nông thôn. Bên cạnh việc đi thu mua hàng về bán lại cho các cơ sở kinh doanh và chế biến nấm xuất khẩu, nhiều lao động ở nông thôn còn có việc làm nhờ tham gia vào hoạt động phân loại và sơ chế nấm tại các cơ sở làm hàng xuất khẩu.

Hiện nay, cơ sở thu mua và sơ chế nấm rơm xuất khẩu của bà Đàm Thị Cuốn ở xã Tân Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, mỗi ngày thu hút hơn chục lao động đến đây để phân loại và sơ chế nấm phục vụ xuất khẩu. Bà Cuốn cho biết: “Các tháng đầu năm 2009, do có ít người trồng nấm, lượng nấm bán trên thị trường ít, chủ yếu được tiêu thụ ở nội địa nên không có hàng nhiều để thu mua phục vụ xuất khẩu, tôi chỉ thu mua được 100-200 tấn/ngày. Hiện tại, do nguồn hàng nhiều nên tôi có thể thu mua được 500-600kg nấm/ngày. Có nấm nhiều nên tôi phải thuê thêm nhiều lao động”.

Nhờ có đầu ra trong xuất khẩu mà những năm gần đây dù lượng người trông nấm rơm tại các tỉnh ĐBSCL có tăng mạnh nhưng chưa xảy ra tình trạng khó tiêu thụ hàng. Nấm rơm xuất khẩu được sơ chế và luộc chín nên có thể bảo quản và lưu giữ trong nhiều ngày. Một doanh nghiệp chế biến xuất khẩu nông sản ở TP Cần Thơ cho biết, trước đây ở ĐBSCL chỉ có Xí nghiệp chế biến thực phẩm Meko (LD Meko) thu mua chế biến đóng hộp xuất khẩu, còn nay các tỉnh trong vùng đã có hơn 14 doanh nghiệp có nhà máy chế biến nấm rơm. Ông Trần Minh, chủ doanh nghiệp tư nhân chế biến nông sản xuất khẩu Trần Minh, ở huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, nhận xét: Hiện nay, khó khăn đối với việc xuất khẩu nấm rơm là phải cạnh tranh khốc liệt. Trước mặt là đối thủ “nặng ký” nấm rơm từ Trung Quốc, nhưng trong nước các doanh nghiệp của ta giá xuất cũng còn “kèn cựa” nhau. Trong khi thị trường nấm rơm biến đổi thăng trầm theo nhu cầu tiêu dùng từ các nước nhập khẩu. Có năm sụt giảm sản lượng, hàng nhiều dội chợ, rớt giá. Tuy vậy, lợi thế của nấm rơm dẫu thị rường bất lợi cũng chỉ tạm thời, vì có thể chế biến dự trữ, chờ cơ hội. Vì vậy nấm rơm Việt Nam vẫn lạc quan khả năng cạnh tranh, trụ vững trên thương trường ở các nước EU, Mỹ, Ý và nhiều nước khác.

Tuy nhiên, giá cả đầu ra của nấm rơm luôn tăng giảm thất thường đã và đang gây không ít khó khăn và lo ngại cho những người trồng nấm, đặc biệt là những lúc có nhiều người trồng nấm như trong những tháng mùa lũ này. Cách nay vài tháng, giá nấm rơm có lúc đã lên ở mức 20.000- 30.000 đồng/kg, nhưng hiện tại do nguồn cung tăng, giá nhiều loại nấm rơm tại TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL chỉ ở mức 11.000-16.000 đồng/kg. Nhiều người trồng nấm rơm cho rằng: Thời gian qua, các ngành chức năng đã quan tâm hỗ trợ về kỹ thuật, về vốn... cho người sản xuất nấm rơm, tạo điều kiện cho nghề nấm phát triển tốt. Song, việc trồng nấm đang còn phát tiển tự phát nên đầu ra của sản phẩm còn bấp bênh. Vì vậy, có đầu ra ổn định cho sản phẩm, việc sản xuất nấm tại các tỉnh, thành ĐBSCL cần phải được quy hoạch phát triển gắn với những dự báo về cung cầu của thị trường hằng năm.

NHÓM PV-CTV KINH TẾ

Chia sẻ bài viết