Nắm bắt xu hướng tiêu dùng thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên cũng như nhu cầu thưởng thức đặc sản địa phương, nhiều doanh nghiệp ở ĐBSCL đã tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại vào quy trình sản xuất. Đồng thời bắt tay hợp tác với các nông hộ, hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến và phân phối, đưa đến cho người tiêu dùng những sản phẩm có chất lượng “ngon và lành”, từ đó tạo dựng vị thế của doanh nghiệp Việt trên thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.
Cơ sở bánh kẹo Cẩm Phát, tỉnh Trà Vinh giới thiệu các mẫu sản phẩm bánh kẹo được đóng gói bao bì bắt mắt khi cho ra thị trường...
Theo Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, việc triển khai sâu rộng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã hỗ trợ các nhà sản xuất rất hiệu quả về phương diện truyền thông, quảng bá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu. Trong đó đáng chú ý là góp phần thiết lập dòng luân chuyển hàng hóa từ thành thị đến nông thôn và ngược lại từ nông thôn về thành thị, đặc biệt là tạo đầu ra cho đặc sản của vùng ĐBSCL. Không chỉ vậy, thông qua các hoạt động hỗ trợ của Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao và chính quyền địa phương các tỉnh, thành vùng ĐBSCL trong công tác tổ chức xúc tiến thương mại qua các hội chợ, hội nghị kết nối cung - cầu và qua nền tảng công nghệ số, đã tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp, cơ sở đặc sản làng nghề ở ĐBSCL nắm bắt được xu thế của thị trường. Từ đó, chú trọng đầu tư máy móc công nghệ tạo ra sản phẩm vừa có nguồn gốc tự nhiên, vừa đạt tiêu chuẩn và chất lượng, từng bước xây dựng nền tảng vững chắc, khẳng định vị thế ở địa phương và ngày càng tham gia vào hệ thống phân phối hiện đại được nhiều người tiêu dùng biết đến.
Với mong muốn đưa đến cho người tiêu dùng sản phẩm đường thốt nốt nguyên chất, có hương vị thơm ngon đặc trưng, Công ty CP Palmania, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang đã tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy trình từ việc lấy nước thốt nốt tươi đến công đoạn chế biến, sấy, đóng gói thành phẩm. Không chỉ vậy, Công ty CP Palmania còn vận động các hộ dân làm đường thốt nốt tại địa phương cùng tham gia quy trình sản xuất sạch, tạo ra các dòng sản phẩm đường thốt nốt theo đúng phương thức truyền thống, giữ được trọn vẹn hương vị thơm ngon đặc trưng cùng các khoáng chất và vitamin tự nhiên có trong thốt nốt. Theo chị Chau Ngọc Dịu, Tổng Giám đốc Công ty CP Palmania, để đường thốt nốt không chỉ là sản phẩm tiêu dùng, mà còn là món quà thực phẩm có nguồn tự nhiên, ngoài đầu tư sản phẩm theo hướng “chuẩn và chất”, Công ty còn chú trọng khâu thiết kế bao bì, nhãn mác đẹp mắt.
Hằng năm, Công ty CP Palmania có năng lực sản xuất từ 3-6 tấn sản phẩm đường thốt nốt thành phẩm, cung cấp cho các cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị tại thị trường nội địa và hướng tới xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Nhật Bản... Điều đáng mừng là sản phẩm đường thốt nốt của Công ty CP Palmania đã được UBND tỉnh An Giang công nhận đạt chứng nhận “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đạt 4 sao. Từ đó, không chỉ nâng cao giá trị đặc sản thốt nốt, mà còn tạo thêm việc làm cho lao động nhàn rỗi tại nông thôn, chủ yếu là đồng bào dân tộc Khmer tại huyện Tri Tôn.
Không chỉ sở hữu bí quyết làm bánh kẹo gia truyền, cơ sở sản xuất bánh kẹo Cẩm Phát ở thị trấn Tiểu Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh còn đầu tư công nghệ mới để cải tiến dây chuyền sản xuất bánh kẹo hiện có. Từ đó, không chỉ nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, mà còn đưa thương hiệu bánh kẹo Cẩm Phát đến gần với người tiêu dùng. Ông Dư Tấn Lợi, Chủ cơ sở bánh kẹo Cẩm Phát, cho biết: Nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng về thưởng thức đặc sản địa phương, hương vị đặc trưng, cơ sở không chỉ liên kết với các đơn vị cung cấp nông sản an toàn, mà còn mạnh dạn đầu tư máy móc mới cho dây chuyền sản xuất bánh pía, kẹo đậu phộng, kẹo mè... Điều này đã mang lại hiệu quả tối ưu cho cơ sở, đó là gia tăng chất lượng cho các loại bánh kẹo thành phẩm, đặc biệt là các loại bánh pía ngày càng đạt độ dẻo và thơm ngon hơn, với hình dạng bắt mắt hơn so với cách làm thủ công trước đây. Ngoài ra, từ khi trang bị máy móc hiện đại, năng suất của cơ sở bánh kẹo Cẩm Phát đã tăng gấp 2-3 lần so với trước đây, bởi tiết kiệm thời gian và nhân công lao động. Không những vậy, các sản phẩm bánh kẹo làm ra ngày càng gia tăng tính thẩm mỹ, bao bì bắt mắt hơn, đáp ứng được thị hiếu của khách hàng cũng như tạo nét riêng cho sản phẩm bánh kẹo Cẩm Phát trên thị trường.
Việc các cơ sở làng nghề, doanh nghiệp địa phương ở vùng ĐBSCL nhạy bén trong cách tiếp cận thị trường, quan tâm đầu tư công nghệ hiện đại, liên kết sản xuất để giữ được bí quyết gia truyền cũng như tạo được nét đặc trưng độc đáo cho các sản phẩm đặc sản làng nghề. Cùng đó, việc các cấp, các ngành và chính quyền địa phương các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã và đang đẩy mạnh thực hiện Chương trình OCOP theo chủ trương của Chính phủ, hỗ trợ người dân tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để phát triển sản xuất kinh doanh; đồng thời, thúc đẩy các doanh nghiệp, cơ sở đặc sản làng nghề liên kết sản xuất để cùng nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp cận kênh phân phối hiện đại; mở rộng thị trường và tìm đầu ra cho sản phẩm nông sản đặc sản làng nghề... Từ đó, sẽ góp phần tạo cơ hội cho các cơ sở làng nghề, doanh nghiệp địa phương khai thác được những thế mạnh đặc trưng của sản phẩm đặc sản làng nghề, xây dựng được nền tảng kinh doanh vững chắc, từng bước khẳng định và tạo vị thế ở thị trường trong và ngoài nước.
Bài, ảnh: MỸ HOA