28/07/2024 - 22:11

Tạo thuận lợi hơn cho hợp tác xã nông nghiệp phát triển 

Thời gian qua, nhiều hợp tác xã (HTX) nông nghiệp đã khẳng định vai trò quan trọng trong nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và kết nối giữa các nông hộ nhỏ lẻ với các bên có liên quan để hình thành các chuỗi giá trị ngành hàng bền vững. Với sự khuyến khích và hỗ trợ tích cực từ ngành chức năng, nông dân tại nhiều nơi đã liên kết, hình thành được ngày càng nhiều HTX nông nghiệp và phát triển đa dạng dịch vụ phục vụ cho xã viên, cho những hộ dân, doanh nghiệp có nhu cầu. Tuy vậy, việc phát triển các HTX nông nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn cần được ngành chức năng quan tâm tháo gỡ kịp thời.

Mô hình trồng dưa tại HTX nông nghiệp công nghệ cao Thiên Minh ở huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ. 

HTX nông nghiệp còn gặp khó

Hiện cả nước có hơn 21.000 HTX nông nghiệp, chiếm gần 70% số lượng HTX của cả nước. Thực tế cho thấy, thời gian qua nhiều HTX nông nghiệp không chỉ phát triển được đa dạng nhiều dịch vụ phục vụ cho xã viên mà còn liên kết được với các đơn vị, doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm. Nhiều HTX còn liên kết, tiêu thụ nông sản cho nông dân ở bên ngoài HTX, cũng như cung cấp nhiều dịch vụ phục vụ cho bà con nông dân như làm đất, cung cấp giống, vật tư nông nghiệp, bơm tát nước, thu hoạch nông sản bằng máy... Qua đó, giúp cho các xã viên và hộ nông dân khắc phục trình trạng khó thuê mướn nhân công lao động và có điều kiện nâng cao sản xuất. Ðặc biệt, nhiều HTX nông nghiệp đã khẳng định vai trò không thể thiếu trong việc liên kết giữa các hộ nhỏ lẻ để hình thành các vùng sản xuất nông sản hàng hóa lớn, đảm bảo an toàn, chất lượng, tạo thuận lợi kết nối với doanh nghiệp hình thành các chuỗi giá trị ngành hàng bền vững. Ðến nay, hình thức hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị giữa HTX nông nghiệp với doanh nghiệp đã trở nên khá phổ biến. Trong chuỗi liên kết với doanh nghiệp, HTX đã phát huy vai trò tổ chức kinh tế tập thể cùng với hộ nông dân áp dụng chung quy trình kỹ thuật trong sản xuất để tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, đồng đều về chất lượng.

HTX nông nghiệp đã và đang đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp nhưng hiện việc phát triển và mở rộng quy mô hoạt động của các HTX nông nghiệp vẫn còn gặp nhiều trở ngại. Tỷ lệ sản phẩm nông sản được tiêu thụ qua HTX còn thấp, quy mô hoạt động của phần lớn HTX nông nghiệp còn nhỏ, số thành viên còn ít và chưa đa dạng được nhiều dịch vụ phục vụ xã viên. Nguyên nhân do còn thiếu các cơ chế, chính sách hỗ trợ, trong khi nguồn lực của HTX còn hạn chế. Hiện đa phần các HTX nông nghiệp đều gặp khó về vốn khi muốn mở rộng sản xuất kinh doanh. Nguyên nhân do không có đất đai và các tài sản có thể thế chấp khi cần vay vốn của ngân hàng, cũng như do vốn góp từ thành viên còn khiêm tốn. Trình độ cán bộ quản lý và năng lực sản xuất kinh doanh của HTX còn hạn chế. Hiện còn nhiều HTX nông nghiệp chưa thực hiện liên kết với các doanh nghiệp để tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hoặc có liên kết nhưng còn lỏng lẻo, mang tính thời vụ và chưa tạo thành chuỗi giá trị bền vững lâu dài...

Cần các giải pháp đồng bộ

Ðể HTX nông nghiệp phát huy tốt hơn nữa vai trò của mình trong phát triển nông nghiệp, tới đây ngành chức năng cần rà soát, nghiên cứu, bổ sung thêm các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho HTX phát triển. Khuyến khích doanh nghiệp liên kết với HTX. Kịp thời giúp HTX khắc phục các khó khăn và hạn chế về vốn, về nâng cao chất lượng nguồn lực cán bộ quản lý để nâng cao khả năng sản xuất kinh doanh của HTX và mở rộng quy mô, phạm vi hoạt động.

Ông Trương Thanh Nhàn, Giám đốc HTX nông nghiệp Phú An (tỉnh An Giang), cho rằng: “Các chính sách của Nhà nước theo Luật HTX năm 2023 được Quốc hội ban hành có nhiều hỗ trợ cho HTX nông nghiệp phát triển. Tuy nhiên, để áp dụng vào thực tiễn và giúp các HTX khắc phục được các khó khăn, các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương cần kịp thời cụ thể hóa và có các chương trình, hoạt động phù hợp tại từng địa phương và từng HTX. Ðặc biệt, cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và cập nhật các quy định pháp luật mới theo Luật HTX 2023 để người dân nắm, đồng thời tạo điều kiện để các HTX nông nghiệp thu hút được nhiều thành viên tham gia...”. Theo ông Ðặng Minh Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bạc Liêu, các bộ, ngành ở Trung ương, nhất là Bộ NN&PTNT cùng Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cần quan tâm phối hợp để có các thông tư, nghị định hướng dẫn, cùng các cơ chế, chính sách hỗ trợ một cách đồng bộ cho HTX nông nghiệp phát triển. Hiện nay, không chỉ tại Bạc Liêu mà hầu hết các HTX nông nghiệp tại vùng ÐBSCL đều còn gặp khó trong phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất kinh doanh do không có đất đai. Các HTX rất cần Nhà nước có cơ chế hỗ trợ cụ thể về đất đai...

Thu hoạch nhãn tại HTX nhãn thanh Hữu Tâm ở huyện Cờ Ðỏ, TP Cần Thơ.

Cùng với sự ra đời của Luật HTX mới, năm 2023 Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18-7-2023 về phát triển HTX nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Nghị quyết số 106/NQ-CP đặt ra nhiệm vụ xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng môi trường kinh doanh cấp tỉnh đối với kinh tế tập thể, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp (gọi tắt là CGI) và Chính phủ đã giao Bộ NN&PTNT thực hiện. CGI được kỳ vọng giúp tạo ra nhiều “động lực” để thúc đẩy ngành chức năng tại các địa phương tăng cường các cơ chế chính sách và triển khai các hoạt động hỗ trợ một cách thiết thực để tạo môi trường thuận lợi cho HTX nông nghiệp phát triển. Bởi CGI được xây dựng hướng đến việc cung cấp thông tin hữu ích cho lãnh đạo các tỉnh, thành phố thực hiện cải cách môi trường thông thoáng, minh bạch, thuận lợi cho sự phát triển bền vững và hiệu quả của khu vực kinh tế tập thể và HTX nông nghiệp. Hiện Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn thuộc Bộ NN&PTNT đang phối hợp với Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn xây dựng CGI.

Theo ông Lê Ðức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, việc xây dựng CGI rất cần thiết trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Từ đó tạo ra bức tranh tổng thể về sự nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ hoạt động của HTX. Mặt khác, là cơ sở để địa phương sửa đổi hoặc tiếp tục tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX nông nghiệp...

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết