10/02/2009 - 20:26

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hồng, Giám đốc Quỹ đầu tư phát triển TP Cần Thơ:

Tạo thêm kênh huy động vốn và đầu tư "vốn mồi", góp phần thúc đẩy đầu tư phát triển thành phố

Quỹ đầu tư phát triển TP Cần Thơ (CADIF) chính thức đi vào hoạt động được xem là một trong những kênh huy động vốn quan trọng và đầu tư “vốn mồi” góp phần thúc đẩy đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của thành phố. Nhân dịp ra mắt Quỹ đầu tư phát triển TP Cần Thơ (ngày 11-2-2009), phóng viên Báo Cần Thơ đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Văn Hồng, Giám đốc CADIF về những hoạt động của Quỹ trong thời gian tới...

* Thưa ông, CADIF sẽ thực hiện những nghiệp vụ gì?

- Quỹ đầu tư phát triển TP Cần Thơ là một tổ chức tài chính Nhà nước được thành lập theo Quyết định số 2595/QĐ-UBND ngày 15-10-2008 của UBND TP Cần Thơ nhằm mục đích tiếp nhận vốn ngân sách, huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của TP Cần Thơ.

CADIF thực hiện các chức năng: Tiếp nhận vốn ngân sách của thành phố, vốn tài trợ, viện trợ; huy động các nguồn vốn trung và dài hạn từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật để tạo nguồn vốn thực hiện các dự án phát triển cơ sở hạ tầng. Tiếp nhận, quản lý nguồn vốn ủy thác từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện các hoạt động theo hợp đồng ủy thác; phát hành trái phiếu chính quyền địa phương theo ủy quyền của UBND thành phố để huy động vốn cho thành phố; nhận ủy thác quản lý hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, các loại quỹ khác do UBND thành phố thành lập. Đặc biệt, CADIF sẽ được quyền thực hiện đầu tư trực tiếp vào các dự án, cho vay hoặc ủy thác cho vay đầu tư, góp vốn thành lập doanh nghiệp, thu hồi nợ theo quy định tại Nghị định 138/2007/NĐ-CP và thực hiện một số chức năng khác theo quy định của pháp luật...

* Hoạt động của CADIF sẽ khác với các ngân hàng thương mại ra sao, thưa ông?

- Điểm khác của CADIF là được quyền thực hiện đầu tư trực tiếp vào các dự án, góp vốn thành lập doanh nghiệp, ủy thác cho vay đầu tư, thu hồi nợ... CADIF sẽ không lấy lợi nhuận đặt lên hàng đầu mà chỉ làm “vốn mồi” nhằm kích thích, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm, công trình cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ xã hội và phát triển thành phố. Điểm khác nữa là CADIF chỉ huy động vốn trung và dài hạn để các dự án đầu tư mang tính khả thi, dễ thu hồi vốn. Còn trường hợp CADIF tự đầu tư trực tiếp, thì đến khi dự án hoàn thành sẽ bán lại cho nhà đầu tư khác khai thác, để tiếp tục đầu tư dự án mới, chứ không giữ đó để thu lợi nhuận... Đây là những điểm khác biệt với hoạt động ngân hàng.

Hiện nay, TP Cần Thơ là địa phương thứ 20 trong cả nước hình thành được Quỹ đầu tư phát triển. Ở nhiều nơi như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bình Dương... hoạt động của quỹ này rất hiệu quả. CADIF của TP Cần Thơ đang tiếp tục nghiên cứu, vận dụng từ thành công của nhiều nơi để xem xét lựa chọn vận dụng vào, hy vọng CADIF sẽ ngày càng phát triển lớn mạnh...

* TP Cần Thơ đang kêu gọi đầu tư thúc đẩy phát triển trên rất nhiều lĩnh vực và nhu cầu vốn hiện nay rất lớn, CADIF sẽ ưu tiên đầu tư vào những lĩnh vực nào?

- Theo quy định, đối tượng cho vay là các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng có phương án thu hồi vốn trực tiếp thuộc các chương trình, mục tiêu theo chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được HĐND thành phố thông qua. Đó là các dự án về giao thông, cấp nước, nhà ở khu đô thị, khu dân cư, khu tái định cư, nhà ở thu nhập thấp, khu công nghiệp, di chuyển sắp xếp lại các cơ sở sản xuất, xử lý rác thải đô thị và các dự án quan trọng do UBND thành phố quyết định. Doanh nghiệp được vay vốn là mọi thành phần kinh tế, không phân biệt doanh nghiệp Nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân...

Còn các điều kiện để được cho vay khi chủ đầu tư đảm bảo các điều kiện như: Đã hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định pháp luật; có phương án sản xuất, kinh doanh có lãi và có phương án đảm bảo trả được nợ; cam kết mua bảo hiểm... Thời hạn cho vay được xác định theo khả năng thu hồi vốn phù hợp với đặc điểm sản xuất kinh doanh của từng dự án và khả năng trả nợ của chủ đầu tư nhưng tối đa không quá 15 năm, trường hợp đặc biệt vay trên 15 năm sẽ do UBND thành phố quyết định.

Về lãi suất cho vay của CADIF đối với các dự án theo nguyên tắc không thấp hơn lãi suất tín dụng đầu tư của Nhà nước. Lãi suất cho vay đối với các dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA thực hiện theo quy định của Chính phủ về quản lý vay và trả nợ nước ngoài. Khung lãi suất cho vay đầu tư do Chủ tịch UBND thành phố phê duyệt trên cơ sở đề nghị của Hội đồng quản lý quỹ và thông báo cho Bộ Tài chính...

* Vốn điều lệ của CADIF hiện nay bao nhiêu và kế hoạch huy động vốn trong thời gian tới ra sao, thưa ông?

- Vốn điều lệ của CADIF hiện nay là 200 tỉ đồng và theo quy định được huy động tối đa gấp 6 lần vốn chủ sở hữu của CADIF tại cùng thời điểm. Như thế, vốn huy động của CADIF hiện nay sẽ được phép huy động lên đến 1.200 tỉ đồng và tỷ lệ này sẽ càng tăng lên khi vốn chủ sở hữu tăng lên theo hàng năm. Tuy nhiên, trong tình hình kinh tế có nhiều biến động như hiện nay, CADIF sẽ có định hướng huy động bằng các nguồn như: Vay tạm ứng vốn nhàn rỗi kho bạc, một số tổ chức trong nước và nhất là các nguồn vốn vay nước ngoài như: Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Phát triển Pháp (AFB)...

* Xin cảm ông!

THIỆN KHIÊM (thực hiện)

Chia sẻ bài viết