19/11/2010 - 20:40

Tạo môi trường sống an toàn để trẻ phát triển

Trẻ có hoàn cảnh khó khăn ở cộng đồng được Dự án Bình Minh tặng quà trong dịp
Tết Nguyên đán 2010.

Theo báo cáo tổng kết thực hiện các mục tiêu vì trẻ em giai đoạn 2001-2010 của Sở Lao động-Thương binh & Xã hội TP Cần Thơ, những năm gần đây, tình hình trẻ em vi phạm pháp luật, bị xâm hại xảy ra ở mức báo động, với nhiều tính chất phức tạp. Đâu là nguyên nhân sâu xa của thực trạng này? Tại Hội thảo phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em tổ chức tại TP Cần Thơ vừa qua, đại biểu tham dự hội thảo đã đưa ra nhiều giải pháp, hành động để trẻ em được phát triển tốt nhất trong môi trường gia đình và cộng đồng...

Thực trạng trẻ em vi phạm pháp luật, bị xâm hại không chỉ xảy ra ở một nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Theo kết quả thống kê của ngành Công an (CA) TP Cần Thơ, tình hình trẻ em gái bị xâm hại xảy ra trên địa bàn thành phố diễn biến khá phức tạp, trẻ em bị xâm hại vẫn không giảm, đặc biệt là trẻ em ở vùng ngoại thành. Theo thống kê, từ năm 2000 đến 6 tháng đầu năm 2010, trên địa bàn thành phố đã phát hiện 331 trẻ em gái bị xâm hại. Có những địa phương một năm xảy ra 3 vụ trẻ em bị xâm hại, có một trường tiểu học một năm có 2 học sinh bị hiếp dâm và cũng có trường hợp em gái bị xâm hại nhiều lần, nhưng gia đình không phát hiện, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là em này mang thai, sinh con khi tuổi đời còn rất nhỏ. Các vụ án xâm hại trẻ em đều được cơ quan chức năng xử lý, nhưng các nạn nhân và gia đình phải chịu những tổn thương nặng nề.

Trong khi đó, thực trạng trẻ em vi phạm pháp luật như trộm cắp tài sản, gây rối trật tự công cộng, đánh bạc, cố ý gây thương tích... những năm gần đây xảy ra có tính tập thể và lặp đi lặp lại nhiều lần. Trong số trẻ tuổi vị thành niên vi phạm pháp luật có tới 30% là trẻ em. Nhận định tại hội thảo, Thượng tá Huỳnh Văn Hạnh, Phó trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội CA TP Cần Thơ, cho biết: “Tình trạng trẻ em phạm tội có sử dụng bạo lực tăng cao về số vụ và tính chất ngày càng nghiêm trọng. Kiểm tra 10 em tụ tập ra đường phố vào ban đêm thì có 8 em mang hung khí”. Tình trạng bạo lực học đường đang trở thành vấn đề nóng và bức xúc của dư luận cũng được đại biểu tham dự hội thảo đưa ra phân tích nguyên nhân và giải pháp. Theo số liệu thống kê của ngành Giáo dục thành phố (năm học 2009-2010 đến nay), bình quân mỗi tháng xảy ra 20 vụ học sinh đánh nhau giữa học sinh với học sinh, học sinh với đối tượng bên ngoài.

Tại hội thảo, lãnh đạo ngành công tác trẻ em và các sở, ngành hữu quan đã phân tích và nêu ra những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên. Về phía gia đình, có những trường hợp gia đình lo bươn chải kiếm sống, thiếu sự gần gũi, giáo dục con em, dẫn đến các em có những hành vi vi phạm pháp luật, nguy cơ bị xâm hại cao. Mặt khác, cũng có một số gia đình kinh tế khá giả, giáo dục con theo cách nuông chiều, tạo cho trẻ lối sống ích kỷ, thích hưởng thụ, có tư tưởng mọi người phải phục vụ mình, khi gặp sự phản đối của một ai đó, các em không kiềm chế, sử dụng bạo lực để giải quyết. Nhận thức của gia đình về chăm sóc và giáo dục trẻ còn xem nhẹ, nhiều thói quen có hại cho trẻ trong cách giáo dục của cha mẹ như việc đánh con lại được cho là chuyện bình thường, chưa được loại bỏ. Việc hiểu biết về pháp luật, và những kiến thức bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ của cha mẹ chưa đầy đủ.

Trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ vi phạm pháp luật, bị xâm hại thì yếu tố thiếu kỹ năng sống cũng được nhiều đại biểu tham dự hội thảo thảo luận, phân tích. Do thiếu kỹ năng sống nên khi rơi vào các tình huống không an toàn cho bản thân, các em không biết cách ứng xử. Bên cạnh đó, những trường hợp bạo lực, bóc lột đối với trẻ em chưa được cộng đồng chủ động phát hiện sớm để can thiệp, xử lý kịp thời nhằm giảm những nguy cơ xấu hơn cho trẻ em.

Gia đình là tế bào xã hội. Gia đình ổn định, bền vững thì trẻ em có điều kiện phát triển. Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, cha mẹ chính là tấm gương để trẻ em noi theo. Làm gì để trẻ phát triển an toàn trong môi trường gia đình và cộng đồng? Bà Võ Thị Thanh Nga, Phó giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ, cho rằng: “Để hạn chế đến mức thấp nhất và không để xảy ra tình trạng trẻ em bị xâm hại, trẻ vi phạm pháp luật, bên cạnh trách nhiệm của các ngành hữu quan, cần nâng cao nhận thức của gia đình, cộng đồng trong việc chủ động phòng ngừa có hiệu quả những nguy cơ không an toàn cho trẻ em. Truyền thông mở rộng và thường xuyên về kiến thức, pháp luật, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ cho phụ huynh bằng những hình thức phù hợp cho từng nhóm đối tượng, lứa tuổi”. Nhiều ý kiến cho rằng, về phía ngành bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em phải thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; phối hợp với các ngành hữu quan, Trung tâm bảo trợ xã hội để thực hiện các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em tốt hơn. Bên cạnh công tác hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, chính quyền địa phương cần xây dựng, nhân rộng những mô hình chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hạn chế nhóm trẻ có nguy cơ cao và bị tổn thương.

Bài, ảnh: THẢO MỘC

Chia sẻ bài viết