08/02/2018 - 17:35

Tạo mảng xanh bảo vệ môi trường, cân bằng hệ sinh thái 

Môi trường có vai trò quan trọng đối với con người, bảo vệ môi trường (BVMT) là bảo vệ sự sống của muôn loài. Tuy nhiên, cùng với quá trình phát triển, các loại chất thải tác động tiêu cực tới môi trường và dẫn đến những hệ quả không thể phủ nhận của hiện tượng biến đổi khí hậu (BĐKH) đe dọa trực tiếp đến sự sống của nhân loại. Trồng cây xanh bảo vệ môi trường, cân bằng hệ sinh thái là một hoạt động mà TP Cần Thơ hưởng ứng, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mọi tầng lớp nhân dân trong việc bảo vệ trái đất, bảo vệ mối quan hệ hài hòa và bền vững giữa con người với thiên nhiên...

Phát huy truyền thống

Trồng cây xanh bảo vệ môi trường là hoạt động được các cấp, các ngành trên địa bàn TP Cần Thơ quan tâm thực hiện. Đi trên tỉnh lộ 919 thuộc địa bàn huyện Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, nối liền từ đường tỉnh 922 đến quốc lộ 80 rộng thoáng, khang trang, đảm bảo an toàn giao thông. Dọc theo 2 bên lề đường còn có hàng cây dầu, cây sao, phượng vĩ... xanh tốt, tạo môi trường thoáng mát, sạch đẹp trên tuyến đường. Đi suốt đoạn đường của  huyện vùng sâu, cách trung tâm TP Cần Thơ hàng chục km mà chúng tôi cứ ngỡ đi giữa tuyến đường đẹp ở trung tâm thành phố. Bà Nguyễn Thị Ánh, ở xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Những năm trước, ngành chức năng đã huy động lực lượng là cán bộ, công chức, viên chức, đoàn thanh niên, bộ đội... trồng cây xanh dọc theo lề đường. Người dân tại địa phương tưới nước, chăm sóc, bảo vệ cây. Qua nhiều năm, hàng cây xanh dọc tỉnh lộ 919 đã xanh tốt, đẹp, tạo một mảng xanh thẳng tấp dọc theo đường, vừa có tác dụng bảo vệ môi trường, vừa góp phần tạo mỹ quan tuyến đường”.

Cây xanh trên vỉa hè, con lươn tỉnh lộ 919 (thuộc địa bàn huyện Vĩnh Thạnh) phát triển tốt, trang trí đèn hoa tạo môi trường xanh, sạch, đẹp ở nông thôn. Ảnh: HÀ VĂN

Cây xanh trên vỉa hè, con lươn tỉnh lộ 919 (thuộc địa bàn huyện Vĩnh Thạnh) phát triển tốt, trang trí đèn hoa tạo môi trường xanh, sạch, đẹp ở nông thôn. Ảnh: HÀ VĂN

Hằng năm, các địa phương trên địa bàn TP Cần Thơ đều phát động phong trào trồng cây xanh, với mong muốn huy động sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, cơ quan, trường học, lực lượng vũ trang trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh thường xuyên, liên tục. Việc làm này không những bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, mà còn góp phần xây dựng nếp sống đô thị, nông thôn mới, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong bảo vệ và phát triển cây xanh. Đặc biệt, hưởng ứng Tết trồng cây nhớ Bác, hằng năm, TP Cần Thơ đã tổ chức trồng hàng trăm ngàn  cây xanh trên địa bàn. Loại cây được trồng chủ yếu là cây sao, bạch đàn, tràm bông vàng, trồng ven theo những tuyến kênh, ven trục đường giao thông, khuôn viên cơ quan, trường học, khu dân cư… Đây là loại cây trồng lấy gỗ có giá trị kinh tế cao, nhằm tạo mỹ quan, tăng cường độ che phủ và cân bằng hệ sinh thái trên địa bàn. Đồng thời, việc trồng cây cũng góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn chế sạt lở bờ sông, hạn chế tốc độ gió, lốc xoáy…

Trong mỗi đợt trồng cây, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ kết hợp với Thành đoàn, các địa phương phân công cán bộ, lực lượng đoàn viên thanh niên phụ trách chăm sóc cây xanh trồng tại địa phương. Đồng thời, các hộ dân địa phương cũng có trách nhiệm tưới nước, chăm sóc, bảo quản cây... Nhờ đó, cây xanh phát triển tốt và có tác dụng bảo vệ môi trường, hạn chế thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu...

Quy hoạch phát triển cây xanh

Theo các nhà khoa học, hiện nay ĐBSCL đang đối mặt với vấn đề suy thoái tài nguyên thiên nhiên và ô nhiễm môi trường, chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, đặc biệt tại các khu vực sản xuất nông nghiệp. Hoạt động trồng cây, bảo vệ môi trường, hạn chế tác hại thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu đã trở thành nhiệm vụ cấp bách và có ý nghĩa chiến lược lâu dài của mỗi địa phương trong vùng.

Lãnh đạo Công an TP Cần Thơ trồng cây xanh tại Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ, góp phần bảo vệ môi trường, tạo bóng mát tại khuôn viên. Ảnh: HÀ VĂN

Lãnh đạo Công an TP Cần Thơ trồng cây xanh tại Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ, góp phần bảo vệ môi trường, tạo bóng mát tại khuôn viên. Ảnh: HÀ VĂN

“Trồng thêm một cây xanh là thêm một hành động bảo vệ môi trường, mỗi người dân thành phố góp sức tham gia trồng cây, phủ xanh đất trống và các vùng có đê bao là việc là hết sức ý nghĩa. Bởi, việc trồng cây hôm nay chỉ là bước khởi đầu, nhưng những năm sau cây xanh phát triển, chúng ta thấy ngay hiệu quả bảo vệ môi trường, hạn chế sạt lở bờ sông, hạn chế tốc độ gió, lốc xoáy và giảm tác hại do thiên tai... Do đó, chúng ta hãy cùng trồng cây, chăm sóc để bảo vệ môi trường sống xung quanh ta” - Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nói.

Thời gian tới, TP Cần Thơ đẩy mạnh trồng cây xanh trong các khu đô thị và cây lâm nghiệp phân tán ở khu vực nông thôn tại các công trình công cộng, vườn nhà, ven kênh rạch và ven các tuyến đường; chú trọng trồng cây lâm nghiệp ven sông, rạch và ven các cồn để bảo vệ bãi bồi, chống sạt lở, xói mòn. Dự kiến, đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, bình quân hằng năm thành phố trồng thêm 1 triệu cây lâm nghiệp phân tán (quy đổi khoảng 500ha), sản lượng khai thác đạt 6.000m3 gỗ, 62.000 ster củi và 1 triệu cây tre trúc... Đặc biệt, sản lượng gỗ được thu hoạch thì lượng cây trồng tiếp nối với độ bao phủ cây xanh từ bằng và cao hơn lượng cây đã đến thời kỳ thu hoạch, nhằm bảo vệ môi trường, cân bằng hệ sinh thái tại địa phương.

Phát triển cây xanh ngoài mục tiêu bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, TP Cần Thơ còn chú trọng phối hợp phát triển du lịch sinh thái tại các địa phương vùng ven. Công tác này  được các cấp, các ngành đặc biệt chú trọng, coi đó là yếu tố sống còn, quyết định cho sự phát triển bền vững của ngành du lịch sinh thái. Ông Nguyễn Hữu Tặng, Phó Chủ tịch UBND quận Thốt Nốt, cho biết: “Để bảo vệ môi trường sinh thái trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, địa phương không những thực hiện nghiêm túc các giải pháp ngăn chặn, khắc phục và xử lý có hiệu quả những hành vi gây ô nhiễm môi trường, mà còn vận động mỗi người dân là một thành viên bảo vệ môi trường sinh thái qua các hoạt động sản xuất, canh tác, phát triển cây xanh...”.

Ở Thốt Nốt, Dự án Khu du lịch sinh thái cù lao Tân Lộc có diện tích 41ha, kinh phí thực hiện 922,5 tỉ đồng (tương đương 41 triệu USD); Dự án Khu du lịch vườn cò Bằng Lăng 5 ha, kinh phí thực hiện 112,5 tỉ đồng (5 triệu USD) được UBND TP Cần Thơ phê duyệt và đưa vào danh mục các dự án kêu gọi đầu tư từ đơn vị, tổ chức trong và ngoài nước. Các dự án này nhằm phát triển hệ thống cây xanh, tiềm năng du lịch sinh thái tại địa phương, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, tạo điểm nhấn thu hút du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, các dự án còn góp phần cân bằng môi trường sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu tại địa phương...

Ông Đào Anh Dũng nhấn mạnh: “Để việc trồng cây đạt hiệu quả cao, thành phố chỉ đạo các cấp, các ngành phát động phong trào sâu rộng trong quần chúng nhân dân trồng và bảo vệ cây xanh, bảo vệ môi trường sống của chính mình. Các địa phương chọn các loài cây trồng phù hợp từng vùng, địa điểm, đảm bảo tiêu chuẩn ứng phó biến đổi khí hậu; phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo vệ môi trường, nhất là phát triển vườn cây ăn trái phù hợp ở từng địa phương...”.

HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết