21/11/2019 - 11:01

Tạo động lực quản lý tài chính công hiệu quả 

Hiệu quả của các hệ thống và thể chế quản lý tài chính công đóng vai trò rất quan trọng trong việc triển khai các chính sách liên quan đến phát triển kinh tế-xã hội. Được sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới (WB) và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO), từ tháng 11-2019, TP Cần Thơ sẽ thực hiện Chương trình Đánh giá Chi tiêu công và Trách nhiệm giải trình tài chính (gọi tắt là PEFA). Khung đánh giá PEFA là cơ sở cho sự đổi mới quản lý tài chính công của TP Cần Thơ, tiến tới xây dựng các đề án hỗ trợ cải cách quản lý đầu tư và tài chính công cho thành phố trong giai đoạn 2021-2025. 

Xây dựng khung đánh giá 

Theo các chuyên gia của WB, Khung đánh giá PEFA đánh giá hiệu quả của quản lý tài chính công đối với những yêu cầu chính của quản lý ngân sách gồm đánh giá về kỷ cương tài khóa, việc phân bổ nguồn lực tối ưu, dịch vụ công chất lượng. Điểm mạnh của PEFA là dùng để đo lường tiến bộ. PEFA được quốc tế công nhận rộng rãi và các nhà tài trợ quốc tế khi đến Việt Nam có thể sử dụng kết quả nghiên cứu để phục vụ cho việc đưa ra các quyết định đầu tư phát triển thay vì phải bắt tay vào việc nghiên cứu, thu thập các số liệu cần thiết. PEFA còn góp phần tạo ra động lực đổi mới quản lý tài chính công cho Chính phủ cũng như chính quyền các địa phương; tạo thói quen phối hợp giữa các cơ quan liên quan với nhau. Theo bà Trần Thị Phương Mai, Chuyên gia quản lý Tài chính cao cấp của WB, PEFA giúp thiết lập tiếng nói chung giữa Chính phủ với các nhà tài trợ về quản lý tài chính công; phân định những lĩnh vực ưu tiên cải cách. Đồng thời, đưa ra một kế hoạch hành động để cải cách quản lý tài chính công.

Quản lý đầu tư công là 1 trong 31 chỉ số của khung đánh giá PEFA. Trong ảnh: Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam (bìa phải) kiểm tra tiến độ một công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn huyện Thới Lai. 

Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trên cả nước thực hiện Khung đánh giá quản lý tài chính công PEFA. Chia sẻ kinh nghiệm và quá trình thực hiện Khung đánh giá này, ông Nguyễn Văn Phụng, Giám đốc Sở Tài chính TP Đà Nẵng, cho biết: Sau khi Khung đánh giá PEFA hoàn thành, thành phố Đà Nẵng chọn ra những yếu tố cốt lõi, quan trọng trong 7 trụ cột để rà soát, cải thiện. Sở Tài chính chủ trì thường xuyên phối hợp với SECO và WB rà soát và có chính sách hỗ trợ cải thiện các chỉ số trong Khung đánh giá PEFA. Năm 2019, WB, SECO và UBND TP Đà Nẵng đã có tuyên bố chung về hỗ trợ cải thiện các chỉ số về chế độ kế toán, chiến lược tài khóa, hiệu quả sử dụng ngân sách đối với các đơn vị sự nghiệp công, quản lý  nợ công. Các lĩnh vực được chọn ra sẽ được ưu tiên hỗ trợ trong giai đoạn từ nay đến năm 2025. 

Khung đánh giá PEFA là công cụ giúp chính quyền đạt được những cải thiện bền vững về thông lệ quản lý tài chính công bằng cách cung cấp phương tiện đo lường và theo dõi hiệu quả hoạt động dựa trên bộ chỉ số bao hàm toàn bộ quy trình, hệ thống và thể chế quản lý tài chính công quan trọng. Ông Nguyễn Quang Nghị, Giám đốc Sở Tài chính TP Cần Thơ, chia sẻ: Mục đích của quản lý tài chính công tốt nhằm đảm bảo chính sách của Chính phủ được triển khai đúng như dự kiến và hoàn thành các mục tiêu đề ra. Nếu được thực hiện tốt, quản lý tài chính công sẽ đảm bảo nguồn thu được huy động hiệu quả và được sử dụng một cách bền vững.

Từ khởi động đến hành động

Bảy trụ cột của Khung đánh giá PEFA, bao gồm: độ tin cậy của ngân sách, minh bạch về tài chính công, quản lý tài sản có và tài sản nợ, lập chính sách và chính sách tài khóa dựa trên chính sách, khả năng tiên liệu và kiểm soát tình hình thực hiện ngân sách, kế toán và báo cáo, giám sát và kiểm toán bên ngoài. Ông Nguyễn Văn Minh, Chuyên gia kinh tế cao cấp, Ngân hàng Thế giới, chia sẻ: Theo PEFA, hệ thống quản lý tài chính công phải đạt 3 mục tiêu gồm đảm bảo kỷ luật tài khóa thông qua kiểm soát được tất cả các khâu trong quá trình thu và chi tiêu ngân sách. Phân bổ nguồn lực một cách chiến lược thông qua lập dự toán và chi tiêu ngân sách theo đúng các ưu tiên của Chính phủ nhằm đạt các mục tiêu chính sách cụ thể. Cung cấp dịch vụ với hiệu suất cao, thông qua đảm bảo các dịch vụ công tốt nhất có thể, trong phạm vi nguồn lực được giao.

Chương trình Đánh giá Chi tiêu công và Trách nhiệm giải trình tài chính (gọi tắt là PEFA) được 7 đối tác phát triển quốc tế khởi xướng năm 2001, gồm: Ủy ban châu Âu, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới, Chính phủ Pháp, Na Uy, Thụy Sỹ và Anh Quốc. Kể từ năm 2001, PEFA đã trở thành một chuẩn mực được công nhận trong các hoạt động đánh giá về quản lý tài chính công. Đến ngày 31-12-2015, đã có trên 500 báo cáo đánh giá quản lý tài chính công được hoàn thành cho 149 quốc gia. Khung đánh giá PEFA 2016 là phiên bản thay thế cho PEFA 2011 và làm khuôn khổ được áp dụng cho tất cả các hoạt động đánh giá PEFA mới. PEFA 2016 bao gồm 7 trụ cột với 31 chỉ số và 94 nội dung đánh giá.

Sau hội thảo khởi động và chuyển giao kiến thức về PEFA tại TP Cần Thơ, các chuyên gia của WB sẽ yêu cầu thành phố cung cấp thông tin và các tài liệu liên quan trong giai đoạn 2016-2018 và có cập nhật đến năm 2019 để dựng khung báo cáo đánh giá tiến tới hoàn thiện báo cáo trình Ban Thư ký PEFA và sẽ có các kết quả công bố báo cáo cùng những định hướng cải cách được khuyến nghị cho TP Cần Thơ trong năm 2020 để quản lý tài chính công hiệu quả trong giai đoạn tới. Theo ông Nguyễn Quang Nghị, Giám đốc Sở Tài chính TP Cần Thơ, Sở Tài chính sẽ tham mưu UBND thành phố phân công các cơ quan liên quan tham gia cung cấp thông tin, dữ liệu phục vụ cho báo cáo đánh giá PEFA. Sở Tài chính sẽ là cơ quan đầu mối để thu thập và tổng hợp dữ liệu trình thành phố trước khi cung cấp cho các chuyên gia nhằm phục vụ cho việc xây dựng khung đánh giá PEFA. Sở cũng đề xuất các chuyên gia của WB đẩy nhanh tiến độ hoàn thành khung đánh giá này để thành phố có thể chủ động vận dụng vào chu kỳ ngân sách mới 2021-2025. 

Ông Marcel Reymond, Trưởng Đại diện Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ, nhấn mạnh: Chính phủ Thụy Sỹ luôn coi trọng tầm quan trọng của việc quản lý tài chính công, thông qua việc tăng cường các điểm mạnh và khắc phục những điểm yếu trong quản lý tài chính công tại Việt Nam. Thông qua đối tác tin cậy là WB, SECO sẽ hỗ trợ cho việc xây dựng hệ thống tăng cường quản lý tài chính công, quản lý thuế cho TP Cần Thơ. Để thực hiện Khung đánh giá PEFA, cần có sự tham gia tích cực của các bên liên quan và thành phố cần bố trí nguồn lực phù hợp để góp phần đưa ra các đánh giá đúng đắn và chất lượng để làm sơ sở giúp TP Cần Thơ quản lý tài chính công hiệu quả trong tương lai.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết