14/05/2010 - 20:33

PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN, ĐẢO Ở ĐBSCL

Tạo động lực mới

Nuôi tôm hùm ở Nam Du, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: T. NGUYỄN

Với địa hình thấp và bằng phẳng, vùng ven biển trải dài, nên ĐBSCL rất dễ bị tổn thương dưới tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH). Sau hơn 20 năm đổi mới, những lợi thế từ đất đai, sông, biển,... mang lại, hằng năm ĐBSCL có mức đóng góp khoảng 18% GDP của cả nước. Có bờ biển dài 700km và vùng đặc quyền kinh tế biển khoảng 360.000km2 (chiếm 21,1% diện tích Vịnh Thái Lan), tạo nên lượng sinh vật đa dạng cho vùng, thúc đẩy kinh tế biển phát triển. Tuy nhiên, đời sống của nông- ngư dân hiện vẫn còn nhiều khó khăn, việc khai thác lợi thế chưa đạt kết quả như mong đợi. Các chuyên gia cho rằng, “khơi” đúng nguồn tiềm năng về biển, đảo mang lại, ĐBSCL sẽ có vị thế mới.

Chưa “khơi” đúng nguồn

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, ĐBSCL chiếm 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng và 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước... Tuy nhiên, sự phát triển của vùng đang bộc lộ nhiều bất cập, suy giảm nguồn lợi thủy sản do ô nhiễm môi trường và tình trạng khai thác hủy diệt... Theo các nhà khoa học, tác động của BĐKH, đặc biệt là nước biển dâng đang là nguy cơ hiện hữu đối với sự phát triển kinh tế-xã hội ở khu vực, đồng thời làm ảnh hưởng đến nguồn cung cấp lương thực thế giới. ĐBSCL đang nằm trong thế gọng kìm, bởi một số quốc gia vùng thượng lưu đang xây dựng đập thủy điện. Với kịch bản nước biển dâng 1mét, ĐBSCL sẽ bị ngập khoảng 15.000km2 (chiếm 38% diện tích toàn vùng), đời sống của hàng triệu hộ dân sống ven sông, biển bị đe dọa. Mặt khác, nguồn lợi thủy sản, nhất là khu vực ven bờ có nguy cơ cạn kiệt, chất thải sản xuất, sinh hoạt chưa được xử lý triệt để, thải trực tiếp ra môi trường làm chất lượng nước đang diễn biến xấu đi.

Làm thế nào để phát triển kinh tế biển, đảo kết hợp từ sản xuất lúa, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản một cách hiệu quả đang là thách thức lớn cho vùng. Kiên Giang có vùng biển rộng gần 4.000km2 với 200km bờ biển và 150 đảo lớn, nhỏ. Với lợi thế có vùng biển rộng, tiếp giáp ngư trường nhiều quốc gia trong khu vực, nguồn lợi thủy sản đa dạng, phong phú. Trung bình hằng năm, sản lượng thủy sản khai thác đạt 300.000 tấn, đưa vào chế biến xuất khẩu gần 30% sản lượng. Theo ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang, 10 năm qua, việc khai thác lợi thế sông biển để phát triển nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, kinh tế ngành thủy sản có bước phát triển nhanh, hằng năm tăng 14%, góp phần đưa kinh tế nông nghiệp của tỉnh tăng bình quân trên 8,3%/năm và đóng góp trên 40% GDP của tỉnh (năm 2009). Với đặc trưng là vùng biển bồi, lượng phù sa bồi tụ vươn ra biển hàng chục mét/năm, tỉnh quan tâm đầu tư trồng rừng ven biển để chắn sóng, giữ đất và đã hình thành dải rừng phòng hộ dọc ven biển gần 7.000 ha, góp phần phát triển và khôi phục hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển. Các công trình lấn biển trồng rừng, nuôi tôm, mở rộng đô thị (ở Rạch Giá) là những minh chứng lợi thế từ sông, biển mang lại. Hơn nữa, vùng biển Kiên Giang có nhiều thắng cảnh đẹp, những bãi tắm và các khu rừng nguyên sinh, khu bảo tồn biển với nhiều loài sinh vật biển quý hiếm đã và đang được tỉnh khai thác phát triển kinh tế du lịch.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Bùi Ngọc Sương cho biết: “Từ nhiều năm qua, tỉnh tập trung đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi theo hướng đa mục tiêu, hình thành cơ bản hệ thống sông và kênh rạch thông thương khắp vùng đã đáp ứng tốt hơn yêu cầu tưới tiêu, sản xuất và vận chuyển hàng hóa. Các tuyến đường biển được khai thông, nối đất liền với các đảo xa, góp phần hỗ trợ tích cực cho sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương”. Tuy nhiên, cũng như các địa phương ven biển, Kiên Giang đang khó khăn do tác động của BĐKH, các công trình thủy lợi, đê bao ven biển... chưa theo kịp nhu cầu phát triển của địa phương. Tình trạng xâm nhập mặn tiến sâu vào nội đồng trong mùa khô 2010, chứng tỏ khả năng kiểm soát mặn của các công trình không hiệu quả, việc vận hành hệ thống cống, đập cũng phát sinh nhiều bất cập. Tiềm năng kinh tế biển, đặc biệt là phát triển du lịch còn rất lớn, nhưng việc khai thác và phát huy những lợi thế này còn nhiều hạn chế.

Cà Mau vốn được xem là mỏ tôm của cả nước, với diện tích khoảng 264.500 ha. Cà Mau có ngư trường biển rộng lớn, diện tích ngư trường thăm dò khai thác trên 80.000km2 ở biển Đông và biển Tây, nguồn lợi sinh vật có trữ lượng khá lớn. Với bờ biển dài 254km chạy từ Đông (cửa Gành Hào) sang Tây, hệ thống sông ngòi chằng chịt tổng chiều dài hơn 7.000km, với trên 820 cửa sông kết nối ra biển, vừa là giao thông thủy, vừa phục vụ sản xuất nông nghiệp. Mũi Cà Mau vừa được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, có vị trí quan trọng trong bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học, góp phần ổn định môi trường trong khu vực. Hằng năm, phù sa bồi đắp mũi Cà Mau kéo dài ra biển hàng chục mét, góp phần mở rộng diện tích đất canh tác của tỉnh. Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau Võ Văn Mỹ, cho biết: “Những lợi thế từ kinh tế biển mang lại cho tỉnh đang ngày càng bất ổn, môi trường bị ô nhiễm, nguồn tài nguyên cạn dần do khái thác mang tính hủy diệt, việc bảo vệ rừng, nhất là rừng phòng hộ ven biển chưa được quan tâm đúng mức”. Tình hình xâm nhập mặn diễn ra khá gay gắt, ngày càng xâm nhập sâu vào nội địa vùng ngọt hóa Bắc Cà Mau, phá vỡ quy hoạch sản xuất của vùng sinh thái ngọt, tạo ra môi trường sản xuất mặn- ngọt đan xen rất khó quản lý.

Rõ ràng, thời gian qua, tiềm năng kinh tế biển, đảo của vùng chưa được khai thác triệt để và hiệu quả, còn mang tính tự phát, chủ yếu dựa vào yếu tố thiên nhiên. Những bất cập này đang là lực cản cho sự phát triển của vùng.

Đánh giá tổng thể lợi thế về sông, biển

Theo tính toán của Bộ Tài nguyên- Môi trường, trong kịch bản BĐKH (năm 2009) và nước biển dâng, tại ĐBSCL nhiệt độ sẽ tăng trung bình 1,4- 2,60C, lượng mưa sẽ giảm nhiều hơn vào mùa khô và tăng nhiều vào mùa mưa. Đến năm 2100, nước biển dâng sẽ làm cho 12,8- 37,8% diện tích tự nhiên của ĐBSCL bị ngập chìm trong nước, ảnh hưởng trực tiếp tới khoảng 10% dân số và gây tổn thất ước tính 10% GDP. Toàn bộ dải ven biển có nguy cơ bị ngập, nhiễm mặn trầm trọng hơn ở vùng duyên hải; diện tích bị nhiễm mặn trên 4g/l hiện nay khoảng 1,3 triệu ha, nếu nước biển dâng 1 mét, diện tích này sẽ tăng lên gần 1,9 triệu ha (Viện Quy hoạch thủy lợi). Còn theo Trung tâm Quốc tế về quản lý môi trường, nếu nước biển dâng 1mét, khoảng 4,7 triệu người dân (trong đó, khoảng 1,5 triệu hộ nghèo, chiếm 90% tổng số người nghèo của vùng) sẽ chịu ảnh hưởng đến sinh kế.

Tăng trưởng kinh tế vùng được đánh giá là cao, nhưng chủ yếu vẫn dựa vào nông nghiệp, mà nông nghiệp hiện chiếm khoảng 20% trong tổng GDP và phần lớn vẫn dựa vào khai thác tài nguyên, trong khi chi đầu tư cho nông nghiệp chiếm tỷ lệ còn thấp trong tổng chi ngân sách (chiếm khoảng 15% trên mức tổng chi). Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của ĐBSCL chỉ chiếm gần 3% của cả nước. Vùng nông nghiệp lớn nhất nước đã và đang gặp nhiều khó khăn cho đầu tư, phát triển. Do vậy, cần đánh giá một cách toàn diện về lợi thế của vùng trong tương quan về địa chính trị, xã hội, mối quan hệ chiến lược giữa với các vùng trong cả nước, khu vực để có bước đi phù hợp.

Thủ tướng đã ban hành Quyết định 492/QĐ-TTg định hướng phát triển vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL đến năm 2020 (gồm 4 tỉnh, thành phố: TP Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và Cà Mau) tiếp tục xác định vùng ĐBSCL là trung tâm lớn về sản xuất lúa gạo, nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản... Gần đây nhất, Thủ tướng đã ký Quyết định số 18/QĐ-TTg (ngày 3-2-2009) về “phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội vùng biển và ven biển Việt Nam thuộc Vịnh Thái Lan đến năm 2020”. Trong đó, đề ra mục tiêu phát triển vùng biển và ven biển Việt Nam thuộc Vịnh Thái Lan thành khu vực kinh tế năng động... làm trụ cột thúc đẩy sự phát triển của cả vùng, tạo tiền đề phát triển giao thương, mở rộng quan hệ với bên ngoài một cách chủ động và có hiệu quả. Theo các nhà khoa học, chuyên môn, để Quyết định được thực thi hiệu quả cần có những đánh giá đầy đủ, khách quan và toàn diện về lợi thế sông, biển mang lại để phát huy tốt vai trò của nó trong sự phát triển của vùng.

Mặt khác, để phát triển kinh tế biển, đảo góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của vùng, vấn đề liên kết vùng phải đưa lên hàng đầu. ĐBSCL cần có một quy hoạch chung cho toàn vùng, sau đó mới bố trí các dự án phù hợp với từng địa bàn trong khu vực. Cân đối nguồn vốn đầu tư cho vùng và tăng cường thu hút vốn ODA, FDI. Đồng thời, kết hợp hài hòa giữa các giải pháp công trình và phi công trình trong xây dựng mới, nâng cấp hệ thống đê sông, đê biển; quy hoạch thủy lợi chi tiết có xét đến tác động của BĐKH, đặc biệt là nước biển dâng. Bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển, sử dụng tài nguyên nước hợp lý... và nâng cao nhận thức của cộng đồng về sử dụng bền vững tài nguyên nước thích ứng với BĐKH. Có như vậy, lợi thế về sông, biển mới được phát huy.

GIA BẢO

Chia sẻ bài viết