11/07/2022 - 00:13

Tạo động lực cho đầu tư phát triển 

GIA BẢO

Theo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư (KH&ÐT), trong 6 tháng đầu năm nay, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành ước đạt 1.301.200 tỉ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam đạt mức cao nhất so với 6 tháng đầu năm các năm kể từ 2018 đến nay. Giải ngân vốn đầu tư công có bước khởi sắc... Ðây là những động lực quan trọng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Song, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức nên cần thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường kiểm tra tiến độ công trình cầu Trần Hoàng Na để đốc thúc tiến độ dự án. Ảnh: A.KHOA

Tín hiệu khả quan

Trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện trong 6 tháng đầu năm nay, vốn khu vực Nhà nước đạt 328.400 tỉ đồng, chiếm 25,2% tổng vốn, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt 739.300 tỉ đồng, bằng 56,8% và tăng 9,9%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoà đạt 233.500 tỉ đồng, bằng 18% và tăng 8,9%. Theo Bộ KH&ÐT, trong vốn đầu tư của khu vực nhà nước, vốn từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) thực hiện đạt khoảng 192.200 tỉ đồng, bằng 35,3% kế hoạch năm và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, vốn Trung ương đạt 33.400 tỉ đồng, bằng 32,2% kế hoạch năm và tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước; vốn địa phương đạt 158.800 tỉ đồng, bằng 36,1% và tăng 9,2%.

Theo báo cáo của Bộ KH&ÐT, tổng kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2022 được Quốc hội quyết định phân bổ hơn 526.105,8 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương 222.000 tỉ đồng, vốn ngân sách địa phương hơn 304.105,8 tỉ đồng. Nếu tính cả 16.000 tỉ đồng vốn Chương trình mục tiêu quốc gia chuyển nguồn từ năm 2021 sang năm 2022, tổng kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2022 là hơn 542.105,8 tỉ đồng. Tính đến ngày 28-6-2022, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã có quyết định giao chi tiết cho các dự án đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giải ngân trong năm 2022 trên 485.924 tỉ đồng, đạt 93,8% số vốn Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm. Ước vốn thanh toán đến ngày 30-6-2022 là 151.046,65 tỉ đồng, đạt 27,86% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Dù tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công vẫn đạt thấp so với kế hoạch đề ra, nhưng đã có bước chuyển biến kể từ sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập 6 Tổ công tác do thành viên Chính phủ, các bộ, ngành đứng đầu đi kiểm tra, đôn đốc việc phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp.

Bên cạnh đó, vốn FDI thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 10,06 tỉ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Ðây là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 5 năm qua. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 7,65 tỉ USD, chiếm 76,1% tổng vốn FDI thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 881,3 triệu USD, chiếm 8,8%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 823,2 triệu USD, chiếm 8,2%. Ðiều này cũng khẳng định đà phục hồi sản xuất kinh doanh trong nước tiếp tục duy trì tốt, tạo động lực mới cho các nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư, góp phần tăng trưởng kinh tế quốc gia.

Cần giải pháp đồng bộ

Có thể nói, việc huy động các nguồn lực đầu tư phát triển, nhất là nguồn lực ngoài ngân sách và vốn FDI trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn chế là mấu chốt quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng quốc gia, giải quyết bài toán phát triển kinh tế - xã hội, an sinh. Tuy nhiên, việc huy động nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách đạt hiệu quả hay không còn phụ thuộc rất lớn vào "vốn mồi" từ đầu tư công nhằm đạt mục tiêu "lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân". 

Theo lãnh đạo Bộ KH&ÐT, qua rà soát sơ bộ của các Tổ công tác của Chính phủ, giải ngân vốn đầu tư công chậm có nhiều nguyên nhân. Trong đó có nguyên nhân vốn chờ dự án; thực hiện bồi thường, tái định cư chưa kịp thời, thiếu nhất quán; các thủ tục thanh toán, quyết toán chậm; nhiều công trình không có khối lượng thực hiện nên không thể thanh quyết toán; giá cả nguyên vật liệu tăng buộc nhiều dự án phải xin gia hạn, điều chỉnh vốn… Bên cạnh đó, nhiều địa phương đang xin điều chỉnh vốn đầu tư công và đang trình HÐND thông qua tại kỳ họp thường lệ giữa năm đang diễn ra ở các tỉnh, thành cả nước, nên chưa thể thống kê đầy đủ kế hoạch bố trí, phân bổ vốn, điều chỉnh vốn.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công sẽ là lực cản ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế; đồng thời tác động đến huy động các nguồn lực đầu tư từ xã hội. Ðể đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, lãnh đạo Bộ KH&ÐT đề nghị tiếp tục nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu bộ, cơ quan Trung ương và địa phương trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc giải ngân vốn. Người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật về đầu tư công, đất đai, xây dựng và pháp luật có liên quan theo hướng phân cấp, đơn giản hóa thủ tục; rà soát điều chuyển kế hoạch đầu tư vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt… Ðồng thời chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân vốn đầu tư công.

Song song đó, các bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận các chính sách, vốn hỗ trợ. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm tạo kết nối đầu tư, thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, có kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện và hiệu quả của các chương trình hỗ trợ… nhằm tạo ra các động lực phát triển ổn định.

Chia sẻ bài viết