* Sửa đổi bổ sung các hình thức khen thưởng của Nhà nước
(TTXVN)- Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 20, sáng 19-8, Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến vào một số vấn đề lớn còn khác nhau của dự án Luật tiếp công dân.
Đa số ý kiến Thường vụ Quốc hội tán thành với việc cần thiết ban hành và nội dung, bố cục của dự thảo Luật.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá dự thảo Luật được chuẩn bị khá kỹ, có kinh nghiệm, tuy nhiên vẫn còn một số điểm cần giải quyết thêm. Dự thảo Luật cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người được phân công trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân để giải quyết thấu đáo các ý kiến, kiến nghị, khiếu nại của công dân, tránh lòng vòng, để dân tâm phục khẩu phục, không tiếp tục khiếu kiện lên cấp trên, giảm tối đa số vụ việc tồn đọng, vượt cấp.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, Ủy ban và cơ quan soạn thảo đã bố trí lại bố cục của dự thảo Luật theo hướng tách Chương IV - "Trụ sở tiếp công dân, việc tiếp công dân ở cấp bộ, cấp sở, cấp xã" thành hai chương để phân biệt giữa mô hình tiếp công dân tập trung và mô hình tiếp công dân của các cơ quan nhà nước; gắn quy định trách nhiệm của người đứng đầu với trách nhiệm của các cơ quan này trong công tác tiếp dân nhằm phân biệt với trách nhiệm tổ chức tiếp công dân của các cơ quan dân cử và các tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị sự nghiệp công lập. Tiếp thu ý kiến của Chủ tịch, Ủy ban sẽ đề nghị bổ sung thêm quy định để gắn kết trách nhiệm giữa các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết cho được ý kiến, kiến nghị, khiếu kiện của công dân.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho biết: Việc tách chương IV thành hai chương sẽ quy định rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước, của lãnh đạo và cán bộ chuyên môn trong tiếp công dân. Để cải thiện tốt hơn công tác tiếp dân, dự thảo Luật sẽ gắn chặt trách nhiệm của giám đốc sở trong việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của dân, ấn định cụ thể thời hạn trả lời cho công dân.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa nhìn nhận: tiếp dân là trách nhiệm của cơ quan nhà nước, việc phản ánh là quyền của công dân, có trụ sở tiếp công dân, có tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của công dân thì phải trả lời được dân, là nơi một cửa để giải quyết đơn thư của dân. Nếu không làm được việc này, Luật Tiếp công dân chỉ là một quy trình của Luật khiếu nại tố cáo.
Dưới góc độ là đơn vị giúp cho các cơ quan của Quốc hội trong việc tiếp công dân, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền đề nghị làm rõ địa vị pháp lý của trụ sở tiếp công dân các cấp, mối quan hệ phối hợp của các ngành, các cơ quan có trách nhiệm phải có mặt ở đó để giải quyết hay trụ sở tiếp công dân chỉ là nơi tiếp nhận, đồng thời phải phân định rõ trách nhiệm chuyển giao nhiệm vụ tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân, có bộ phận hướng dẫn chuyển tiếp đến cơ quan có thẩm quyền, có sự phối hợp giữa cấp Trung ương và địa phương để người dân không khiếu kiện vượt cấp. Những quy định này đều phải làm rõ trong dự thảo Luật.
Theo Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, công dân đến trụ sở tiếp công dân là để phản ảnh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo. Quy trình giải quyết đầu tiên phải phân loại xem công dân đến có đúng địa chỉ không, tiếp đó, làm rõ vấn đề thẩm quyền do bên nào có trách nhiệm giải quyết, giải quyết trong thời hạn bao lâu, người nhận tiếp công dân là phải trả lời người dân, có trách nhiệm đến cùng. Luật phải quy định rõ, không thể chung chung, không ai có trách nhiệm.
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 20, chiều 19-8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng, ý kiến còn khác nhau về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng và dự án Luật việc làm.
Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý của Ủy ban Các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, một số ý kiến bày tỏ băn khoăn đối với các quy định của dự án Luật; đề nghị, cơ quan soạn thảo cần quy định rõ ràng, cụ thể hơn nữa về thủ tục, quy trình các hình thức khen thưởng của Nhà nước, nhất là thủ tục khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội nói chung và đại biểu Quốc hội chuyên trách, kiêm nhiệm nói riêng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, dự án Luật thi đua, khen thưởng cần quy định cả hình thức khen thưởng trong thời điểm đang công tác của đại biểu Quốc hội nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định. Các ý kiến cũng thống nhất với phương án là Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ để đề nghị Chủ tịch nước quyết định các hình thức khen thưởng cho đại biểu Quốc hội.
Về thời gian 5 năm mới xét tặng Anh hùng Lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang có muộn hay không khi có những người làm nên những chiến công, thành tích trong một thời điểm nhất định, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết, dự thảo luật đã thiết kế quy định khen thưởng trong trường hợp đột xuất tại Điều 61 của dự thảo.
Đại diện cơ quan soạn thảo cũng đã giải thích thêm về quy định được tặng lần 2 đối với "Huân chương Hồ Chí Minh". Theo cơ quan soạn thảo, Luật quy định xét tặng lần 2 cho tập thể trên cơ sở tập thể đó phải có quá trình phấn đấu lâu dài, liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong 20 năm tiếp theo sau khi được tặng thưởng lần thứ nhất. Với tiêu chuẩn chặt chẽ như quy định trong dự án Luật thì việc xét tặng lần 2 "Huân chương Hồ Chí Minh" bảo đảm tính tôn vinh của danh hiệu cao quý này.
Cũng trong phiên họp chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng, ý kiến còn khác nhau dự án Luật việc làm. Các ý kiến cơ bản nhất trí và đánh giá cao với báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý của Ủy ban về các vấn đề xã hội. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, báo cáo đã làm rõ được những vấn đề mà các đại biểu còn băn khoăn trước đây.
Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị, cơ quan soạn thảo cần làm rõ thêm về vấn đề chính sách tín dụng ưu đãi để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm; lộ trình thành lập trung tâm dịch vụ việc làm; hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp; tính khả thi của ngân sách...; đồng thời cần cân nhắc lại việc giao 1/3 số điều do Chính phủ quy định.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị cơ quan soạn thảo sớm hoàn chỉnh những nội dung của hai dự án Luật này mà các thành viên Ủy ban Thường vụ đã góp ý, để trình Quốc hội tại kỳ họp tới.