13/10/2013 - 20:46

Tạo chuyển biến về chất trong phát triển nông nghiệp

Hiện nay, diện tích đất nông nghiệp của TP Cần Thơ khoảng 110.513ha, giảm hơn 6.500ha so với năm 2004. Song, nhờ tăng vòng quay của đất, áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học, nên giá trị sản xuất bình quân trên một đơn vị diện tích tăng gấp 3,6 lần so với năm 2004 và đạt 135 triệu đồng/ha. TP Cần Thơ đang tiếp tục khai thác những ưu thế này để phát triển nông nghiệp đô thị, cung cấp dịch vụ nông nghiệp cho vùng ĐBSCL.

Nâng giá trị sản xuất

Cần Thơ là thành phố đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương song cư dân nông thôn vẫn chiếm hơn 34% tổng dân số. Vì thế, vai trò của sản xuất nông nghiệp và nông thôn đang và sẽ còn giữ vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội chung của thành phố thời gian tới. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, vòng quay của đất lúa đạt 2,69 lần năm 2013, tăng 0,24 lần so với năm 2004 đã đưa sản lượng lúa tăng 16% so với năm 2004. Bên cạnh đó, việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong sản xuất đã giảm chi phí về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Việc nâng tỷ lệ gieo sạ giống lúa chất lượng cao từ 54,8% năm 2004 lên trên 80% năm 2013 đã góp phần nâng cao chất lượng và giá trị của hạt lúa, đảm bảo nông dân đạt lợi nhuận trên 30%. Ngoài tập trung cho lúa, thành phố còn hướng đến hình thành vành đai xanh cung cấp rau màu phục vụ nhu cầu tại chỗ; hướng nuôi trồng thủy sản phát triển theo hướng bền vững, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với việc xây dựng vùng nuôi thủy sản theo các tiêu chuẩn Global GAP, ASC, SQF, BMP, Metro GAP,... cung cấp sản phẩm chất lượng cao, phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.

Thương lái thu mua nông sản tại Hợp tác xã rau an toàn Bình Thường A, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy.

Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: "Đối với sản xuất lúa, ngành nông nghiệp thành phố đã tích cực nghiên cứu cải thiện chất lượng giống và triển khai nhiều hoạt động điều chỉnh kỹ thuật sản xuất, hướng đến sản xuất sạch, tăng trưởng xanh. Qua đó, ứng dụng thành công nhiều mô hình sản xuất hiệu quả như: "Quản lý dịch hại tổng hợp IPM" để phòng trừ rầy nâu; ứng dụng kỹ thuật "3 giảm, 3 tăng", "1 phải 5 giảm", xây dựng cánh đồng một loại giống, cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng Việt GAP, Global GAP… Ở lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, ngành tập trung nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật sinh học trong chọn giống và sinh sản nhân tạo giống cá tra, tôm càng xanh, cá thát lát, cá chạch, cá rô… Đồng thời, vận động người nuôi sử dụng các chế phẩm sinh học trong nuôi và xử lý môi trường thủy sản, hạn chế các hóa chất độc hại nhằm tạo ra sản phẩm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng". Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều rủi ro, nhưng với nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất của ngành nông nghiệp và nông dân đã góp phần đưa năng suất và sản lượng các sản phẩm nông nghiệp liên tục gia tăng, năm sau cao hơn năm trước.

Mặc dù ngành nông nghiệp thành phố có bước chuyển mạnh mẽ, song theo ý kiến của các sở, ngành hữu quan, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn của thành phố chưa được đầu tư đồng bộ, gắn kết giữa sản xuất và chế biến nông sản hàng hóa chưa chặt chẽ nên thu nhập của nông dân vẫn bấp bênh. Tiến sĩ Trần Thanh Bé, Viện trưởng Viện Kinh tế-Xã hội TP Cần Thơ, cho rằng: "Kỹ thuật sản xuất nông nghiệp hiện nay đã có nhiều tiến bộ nhưng việc triển khai, ứng dụng trong nông dân vẫn chưa đồng bộ. Chẳng hạn, trong cùng một khu vực sản xuất lúa, với cùng 1 loại giống có nông dân canh tác đạt từ 7-8 tấn/ha nhưng vẫn có nông dân đạt thấp hơn. Mặt khác, nếu nông dân chỉ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ thì rất khó cạnh tranh và dễ bị thương lái ép giá". Những hạn chế này cần được giải quyết rốt ráo để tạo bước đột phá, hướng đến nền nông nghiệp phát triển xanh, hiện đại.

Chuyển đổi về chất

Theo ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố, để chuyển đổi về chất cho ngành nông nghiệp, đòi hỏi phải củng cố hoạt động sản xuất gắn với đầu tư cơ sở hạ tầng. Tiếp đến là gắn kết nông dân bằng hình thức hợp tác xã, tổ hợp tác để hình thành các khu vực sản xuất lớn, ứng dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật. Cuối cùng là sắp xếp lại chuỗi nông sản hàng hóa trên cơ sở liên kết "4 nhà" trong đó doanh nghiệp giữ vai trò điều tiết thị trường. "Sắp xếp lại chuỗi giá trị nông sản, doanh nghiệp vẫn đóng vai trò chủ đạo, điều tiết thị trường, giải quyết đầu ra nông sản cho nông dân. Trên cơ sở liên kết với nông dân để hình thành vùng nguyên liệu quy mô lớn, doanh nghiệp sẽ quyết định sản phẩm nông nghiệp cần thu mua với các yêu cầu cụ thể về chất lượng, sản lượng. Đồng thời, chính doanh nghiệp sẽ quyết định việc ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào các khâu sản xuất, thu hoạch và sau thu hoạch để đưa ra các quyết định đầu tư phù hợp"- ông Quỳnh khẳng định.

Hằng năm, TP Cần Thơ dành nguồn kinh phí đáng kể để thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực nông nghiệp; tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho nông dân. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận nông dân do sản xuất nhỏ lẻ, bảo thủ, canh tác theo phong trào, chưa tuân thủ các khuyến cáo của ngành nông nghiệp trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Để khắc phục tình trạng này, trong các hoạt động khuyến nông, khuyến ngư, ngành nông nghiệp thành phố không chỉ dừng ở bước tuyên truyền, vận động mà tập trung tổ chức các mô hình sản xuất thí điểm theo từng nhóm, từng khu vực. Cử cán bộ kỹ thuật theo dõi, song hành cùng nông dân trong suốt quá trình canh tác để đạt hiệu quả cao nhất. Theo Tiến sĩ Lưu Hồng Mẫn, Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, năng suất và chất lượng nông sản của TP Cần Thơ đã gia tăng đáng kể; song cần chú trọng đầu tư thỏa đáng cho công nghệ sau thu hoạch nhằm đảm bảo chất lượng hàng hóa, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Cần Thơ đang hướng đến cung cấp dịch vụ nông nghiệp cho vùng ĐBSCL, nên cần đa dạng các loại giống sao cho phù hợp với đặc thù của từng tiểu vùng sinh thái, đáp ứng nhu cầu của các địa phương.

Ông Võ Thành Thống, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, đã yêu cầu ngành nông nghiệp trong quy hoạch phát triển cần gắn với định hướng xây dựng nông thôn mới ở các xã ngoại thành. Xây dựng, phát triển nông nghiệp đô thị cho vùng ven đô; đẩy mạnh công tác sản xuất giống đối với 2 sản phẩm chủ lực là lúa và cá tra để cung cấp cho địa phương và các vùng lân cận. Hiện nay, thành phố tập trung kêu gọi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực cơ khí nông nghiệp để cung cấp máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, tranh thủ khai thác vị trí trung tâm vùng ĐBSCL để trở thành nơi trung chuyển hàng hóa nông sản của vùng, đáp ứng nhu cầu nội địa và xuất khẩu.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

 

Chia sẻ bài viết