18/06/2019 - 17:18

Tạo chuyển biến trong tư duy và hành động vì sự phát triển ĐBSCL 

Sáng 18-6, tại TP Hồ Chí Minh, Diễn đàn ĐBSCL khai mạc với 4 diễn đàn chuyên đề do các Bộ: Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Giao thông vận tải (GTVT) và các địa phương chủ trì. Diễn đàn nhằm đánh giá kết quả 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).

* Tác động của BĐKH: diễn biến nhanh hơn so với kịch bản

Tại Diễn đàn chuyên đề 1 "Quản lý tài nguyên nước, lũ lụt, xâm nhập mặn, ứng phó với sụt lún, sạt lở ở vùng ĐBSCL” do Bộ TN&MT chủ trì, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ TN&MT, khẳng định: Diễn đàn để nhìn lại 2 năm các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (Nghị quyết 120), xác định giải pháp trước mắt và lâu dài cho ĐBSCL. Vùng đang chịu nhiều áp lực của BĐKH và tác động kép nội tại trong sự phát triển- ĐBSCL phát triển quá mức không theo quy hoạch.

Diễn đàn tái cơ cấu ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL

Bộ trưởng đề nghị tập trung thảo luận 2 nội dung chính, xem tài nguyên nước là vấn đề cốt lõi để xem xét các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 120. Trong đó, cần đánh giá thực trạng khai thác và tổng hợp tài nguyên nước ở vùng như thế nào. Cơ chế nào cho công tác phối hợp trong quản lý tài nguyên nước, trong đó ưu tiên thực hiện quản lý liên vùng và tiếp cận trên cả lưu vực Mekong để tính đến sự phát triển dựa trên tài nguyên nước. Xem đây là yếu tố cốt lõi và khai thác phát triển trên 3 tiểu vùng mặn, ngọt, lợ.

Diễn đàn giải pháp phát triển hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng, nhà ở phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL

“Diễn biến của BĐKH đang đến nhanh hơn nhiều so với kịch bản mà chúng ta dự báo. Vì vậy, cần đánh giá lại hiện tượng sạt lở, xâm thực bờ biển, bờ sông đang diễn ra như thế nào tại ĐBSCL để giải quyết dựa trên thực tế tại vùng”- Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu ý kiến.

Diễn đàn Công tác quy hoạch, cơ chế điều phối vùng và thu hút vốn đầu tư cho ĐBSCL

Theo thống kê của Bộ TN&MT, tốc độ lún trên 10cm tại vùng ĐBSCL giai đoạn 2005-2017 trung bình 1,85cm/năm, với 137 mốc lún. Mức độ khai thác nước dưới đất ở những vùng sụt lún trên 10cm này trung bình 111m3/ngày/km2. Nguyên nhân sụt lún và suy giảm nguồn nước dưới đất do yếu tố tự nhiên và tác động từ hoạt động khai thác quá mức tài nguyên của con người. Theo đánh giá của Ủy hội sông Mekong, việc xây dựng hồ chứa ở thượng nguồn, lượng bùn cát về ĐBSCL đã suy giảm nghiêm trọng, dự kiến đến năm 2020 chỉ còn khoảng 47,4 triệu tấn/năm (giảm 67% so với trước 2007), đến năm 2040 lượng bùn cát về ĐBSCL chỉ còn 4,5 triệu tấn/năm (giảm 97% so với giai đoạn trước 2007).

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu tại diễn đàn

Từ năm 2010 tới nay, trung bình hằng năm, xói lở làm mất khoảng 300ha đất, rừng ngập mặn ven biển. Theo số liệu thống kê, hiện khu vực ĐBSCL có 564 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 834km. Trong đó, sạt lở bờ sông là 512 điểm với tổng chiều dài khoảng 566km (chủ yếu diễn ra dọc theo sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây và các nhánh chính của hệ thống kênh, rạch); 52 điểm sạt lở bờ biển với tổng chiều dài 268km. Trong số các điểm sạt lở nêu trên, theo tiêu chí về phân loại sạt lở bờ sông, bờ biển quy định tại Quyết định số 01/2011/QĐ-TTg ngày 04-01-2011 của Thủ tướng Chính phủ, hiện có 57 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm, tổng chiều dài 170km, gồm: 39 điểm bờ sông với tổng chiều dài 85km, bờ biển 18 điểm với tổng chiều dài 85km (biển Đông 15/69 km, biển Tây 3 điểm/16km).

Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết: "Mỗi năm tỉnh sạt lở khoảng 400ha, trong đó hơn 300ha là rừng phòng hộ ven biển. Cà Mau chưa hình thành tuyến đê biển, nhưng sạt lở diễn ra mạnh, khả năng chống chịu và thích ứng với nước biển dâng rất hạn chế; trong khi xâm nhập mặn ngày càng sâu, các hình thức liên kết chậm phát triển, thu nhập của người dân bị ảnh hưởng. Hiện tượng bồi đã hết, lở ngày càng sâu nên tỉnh đề nghị trung ương và các nhà khoa học cần nghiên cứu, tìm ra nguyên nhân chính để giải quyết triệt để vấn đề này. Nguồn lực của tỉnh không đủ để đầu tư các công trình thích ứng, chống chịu trước tác động BĐKH".

* Chủ động kế hoạch hành động

Phát biểu tại diễn đàn chuyên đề 1, GS Nguyễn Kim Đan, Giám đốc Điều hành GIS HED đặt vấn đề: Phải chăng ĐBSCL đang có nguy cơ “chết dần” nếu chúng ta không chủ động thích ứng? Ông khẳng định các đập thủy điện thượng nguồn đã làm thay đổi toàn bộ nguồn nước tại vùng; cùng với đó, sự suy giảm 96% lượng bùn cát vào ĐBSCL đang đe dọa nghiêm trọng sự phát triển. Chúng ta cần tìm kiếm giải pháp tổng thể nhằm chủ động giảm thiểu rủi ro do thay đổi nguồn nước và suy giảm bùn cát dưới tác động của BĐKH, nước biển dâng, phát triển thủy điện trên thượng lưu và sụt lún. Cần ưu tiên cho các giải pháp dựa theo tự nhiên, phù hợp với tự nhiên và bảo vệ môi trường tự nhiên để đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện điều kiện sinh sống của người dân ĐBSCL.

Đại biểu dự diễn đàn

Theo ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, tỉnh đang phấn đấu để giảm các tác động của biến đổi khí hậu, nỗ lực đến năm 2020 chấm dứt khai thác nước ngầm theo chủ trương của Chính phủ; đồng thời triển khai các công trình kè đê biển, cùng với các giải pháp phi công trình. Chính phủ cần có cơ chế chính sách thu hút đầu tư thực hiện các công trình thích ứng BĐKH. Vấn đề đầu tư thủy lợi, nhu cầu rất lớn, cần theo thứ tự ưu tiên nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất. Đồng thời, Chính phủ cần ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông cho vùng, kết nối đồng bộ gắn giao thông thủy nội địa với các loại hình giao thông khác để tạo kết nối giao thông liên hoàn cho vùng, thúc đẩy thu hút đầu tư vào vùng.

Thống kê của Bộ NN&PTNT, kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương, nguồn vốn vay thông qua các dự án ODA, Chương trình SP-RCC từ năm 2010 đến 2020 đã bố trí và có kế hoạch bố trí từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016- 2020 là 8.707 tỉ đồng cho các tỉnh ĐBSCL xử lý sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển với tổng số 169 công trình. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 7.928 tỉ đồng/155 công trình; vốn ODA, SP-RCC: 779 tỉ đồng/14 công trình.

Sạt lở, sụt lún diễn biến nhanh, an ninh nguồn nước đang đe dọa sự phát triển của ĐBSCL. Vùng ĐBSCL đang sụt lún 1,1-2,5 cm/năm, đang chìm dần trước tác động của BĐKH. 

Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết 120, đối với sạt lở bờ sông, bờ biển có 7 nội dung liên quan đến các giải pháp xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển. Trong đó, xây dựng công trình phòng chống sạt lở, năm 2018 đã hỗ trợ 1.500 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương để xử lý 29 khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm với chiều dài 33km/71km. Đến nay đã hoàn thành khoảng 27% tổng khối lượng; trong đó một số tỉnh đã cơ bản hoàn thành như Cà Mau, Bạc Liêu; song cũng còn những tỉnh chưa tổ chức triển khai thi công như: An Giang, Bến Tre, Trà Vinh. Thực hiện 2 dự án: kè Thường Thới Tiền (Đồng Tháp) đã hoàn thành 50% và kè Ba Rài - Phú An (Tiền Giang) đã hoàn thành 10% từ nguồn 7 triệu USD kết dư dự án Quản lý và giảm nhẹ rủi ro hạn hán và lũ lụt tiểu vùng sông Mekong mở rộng (ADB-GMS1). Đồng thời xin chủ trương đầu tư 29 triệu USD từ dự án WB, hiện nay đang trình WB thống nhất về danh mục đối với 6 công trình phòng chống sạt lở, dự kiến WB sẽ trả lời trong tháng 6-2019...

Tại 3 diễn đàn chuyên đề: “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL”; “Giải pháp phát triển hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng, nhà ở phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL”; “Công tác quy hoạch, cơ chế điều phối vùng và thu hút vốn đầu tư cho ĐBSCL”… lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, địa phương và các nhà khoa học, chuyên gia đã đề xuất nhiều giải pháp quan trọng cho sự phát triển của ĐBSCL thời gian tới. Cụ thể gồm: Chính phủ cần có cơ chế, chính sách đặc thù huy động nguồn lực và đầu tư khoa học - công nghệ. Có cơ chế điều phối vùng, chú trọng hợp tác công - tư trong triển khai thực hiện Nghị quyết; các nhà tài trợ quốc tế cũng dành mối quan tâm và cam kết hỗ trợ việc thực hiện Nghị quyết... Mục tiêu của 4 diễn đàn gửi các thông điệp hành động nhằm tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy và hành động của các cấp, các ngành, địa phương và người dân trong vùng. 

Gia Bảo - Hà Văn

Chia sẻ bài viết